Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 20/2/2012 21:19'(GMT+7)

Vì sao Liên đoàn Arab quay lưng với Syria?

Liên đoàn Arab đang gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar al - Assad từ chức. (Ảnh: AP).

Liên đoàn Arab đang gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar al - Assad từ chức. (Ảnh: AP).

Syria đang chịu sức ép ngày càng lớn từ Mỹ, phương Tây và Liên đoàn Arab (AL). Áp lực này ngày càng lớn khi Mỹ đã lôi kéo được cả AL và hình thành một trận tuyến chung chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al - Assad.

Một trong những hành động được coi là mạnh mẽ và gay gắt nhất của AL nhằm vào Syria là tổ chức này đã trình lên Đại Hội đồng LHQ bản kế hoạch yêu cầu thay đổi chế độ tại Syria. Yêu cầu này đã trở thành nghị quyết của LHQ khi được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 16/2 vừa qua.
 
Trước đó, AL đã yêu cầu các nước thành viên chấm dứt mọi quan hệ ngoại giao và kinh tế với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở cấp nhà nước và tại các hội nghị quốc tế, đồng thời đề nghị LHQ đưa lực lượng giữ gìn hòa bình chung tới Syria.

AL cũng quyết định tiếp xúc với lực lượng đối lập nước này và cho biết sẽ hỗ trợ họ về chính trị và vật chất. Hiện, AL còn đang xem xét việc trục xuất các Đại sứ của Syria ra khỏi các nước trong khu vực và công nhận Hội đồng Quốc gia Syria lưu vong.

Lý giải về những quyết định này, Tổng Thư ký AL, Nabil al-Arabi nói rằng, đã đến lúc phải đưa ra các “hành động mang tính quyết định” để chấm dứt tình trạng đổ máu mà dân thường Syria phải hứng chịu từ gần một năm nay”.

Syria vốn là 1 trong số 22 nước thành viên của AL - một tổ chức chính trị lớn nhất ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng cũng từ đầu năm 2011, AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria cũng với lý do “nhằm phản đối tình trạng bạo động khiến dân thường Syria thiệt mạng”. Thực ra, đó không phải là nguyên nhân chính buộc AL phản đối và chống lại chính quyền Syria quyết liệt và mạnh mẽ như vậy.

Bất ổn và xung đột đã bùng phát ở quốc gia Arab này từ tháng 3/2011, khi lực lượng đối lập phát động các cuộc biểu tình chống chính quyền. Một năm qua, hàng ngàn dân thường Syria đã thiệt mạng do bạo lực. Trách nhiệm không chỉ thuộc về chính quyền mà cả lực lượng đối lập, khi tiến hành nhiều vụ đánh bom đẫm máu. Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho rằng, lực lượng chống đối cũng phải chịu trách nhiệm, vì đã từ chối đàm phán với chính quyền Assad.

AL cũng biết rõ như vậy. Nhưng việc AL chỉ buộc tội chính quyền Syria, hay nói chính xác hơn là chỉ phản đối Tổng thống Bashar al-Assad, chính vì vấn đề sắc tộc. Ai cũng biết rằng, Tổng thống Bashar al-Assad và dòng họ của ông là người Alawite - một cộng đồng người Hồi giáo dòng Shite, chỉ chiếm 12% dân số Syria, nhưng lại nắm giữ hầu hết các vị trí trọng yếu của đất nước. Trong khi đó, cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni - đại diện cho đại đa số người Arab, chiếm tới 74% dân số tại Syria, từ lâu nay vẫn phải chịu sự lãnh đạo của người Shite. AL hy vọng sự ra đi của Tổng thống Asaad sẽ tạo dựng được một chế độ mới do người Sunni lãnh đạo.

Từ lâu nay, Iran luôn ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và coi là đồng minh truyền thống của mình. Trong khi Tehran đang là cái gai đối với Mỹ và phương Tây. Washington lợi dụng những mâu thuẫn về tôn giáo giữa AL với Syria để lôi kéo AL vào trận tuyến chung chống Tổng thống Bashar al-Assad, tiếp tục tạo cớ “thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân thường” gây áp lực trong nước và quốc tế can thiệp quân sự chống Syria nhằm thay đổi chế độ ở quốc gia này và cô lập Iran.

Những hành động đó của Mỹ, phương Tây và AL quả là đang gây ra những áp lực khó khăn cho chính quyền Syria. Nhưng hy vọng dùng sức ép đó thay đổi chế độ của Syria không phải là điều dễ dàng và không có trở ngại. Bởi, Syria khác các quốc gia khác trong khu vực, do vị trí địa lý đặc biệt của mình.

Syria nằm ở trung tâm khu vực Arab, giáp với Iraq, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Jordan. Syria còn có mối quan hệ thân thiết gần gũi với Iran, đặc biệt với Nga, Trung Quốc - hai nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, có quyền phủ quyết bất cứ giải pháp nào mang danh nghĩa LHQ để tấn công Syria. Hoặc nếu thay đổi chế độ của quốc gia này bằng can thiệp nội bộ, sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến tình hình chính trị và ổn định của toàn bộ khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng.

Trong khi đó, Tổng thống Assad vẫn đang nhận được sự ủng hộ của dân chúng, quân đội và hiện duy trì ảnh hưởng đối với khu vực này. Lực lượng đối lập mà nòng cốt là Quân đội Syria tự do đã không thành công trong việc tạo dựng ảnh hưởng, niềm tin trong xã hội. Những nỗ lực của AL trong việc chống đối chính quyền Syria vẫn chưa đạt hiệu quả, khi thất bại trong việc triển khai lực lượng giám sát tại nước này, khi các quyết định của LHQ về tình hình Syria không mấy tác dụng.

Thực tế tình hình ở khu vực này trong thời gian qua cho thấy, sự thay đổi chế độ chưa hẳn đã mang lại những điều tốt đẹp như mong đợi. Lybia, Ai Cập là những minh chứng cụ thể. Chính quyền mới đã được thiết lập ở hai quốc gia này gần một năm qua, nhưng ổn định, hòa hợp, đoàn kết dân tộc vẫn là những mục tiêu xa vời đối với người dân. Chính vì vậy, những mâu thuẫn về sắc tộc giữa các nước Arab với chính quyền Syria cần được hóa giải và không nên để bị lợi dụng. Sự ổn định ở Syria, là điều cần thiết không chỉ cho đất nước này, mà còn có lợi cho cả cộng đồng các nước Arab.

Dư luận Trung Đông có lý khi cho rằng, hơn lúc nào hết, các nước Arab mà nòng cốt là AL cần sự thống nhất để ổn định, phát triển vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực./.

(Theo: Vân Hương/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất