Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 3-8 cho biết, đến nay, chính phủ các nước đã phải chi hơn 10.000 tỉ USD để khắc phục cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.
Trong đó, các nước giàu chi 9.200 tỉ USD theo dạng hỗ trợ cho chính phủ trong lĩnh vực tài chính, còn những nền kinh tế mới nổi đã chi khoảng 1.600 tỉ USD.
Theo IMF, khoảng 1.900 tỉ USD được chi ở dạng được giải ngân ngay, trong khi phần còn lại là cam kết hoặc các khoản cho vay.
IMF dự tính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) sẽ thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế với chi phí tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2009, và 1,6% năm 2010.
Cũng theo IMF, chính phủ các nước có khả năng thu hồi hầu hết số tiền này khi kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn bị thâm hụt lớn.
Các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi bị thâm hụt ngân sách khoảng hơn 10% GDP trong năm 2009, mức thâm hụt lớn nhất đối với các quốc gia này kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Còn với các nền kinh tế lớn, mức thâm hụt ngân sách theo dự kiến là 13,5% GDP ở Mỹ, gần 12% ở Anh và hơn 10% ở Nhật Bản.
IMF ước tính, tới năm 2014, nợ chính phủ sẽ lên tới mức 239% GDP ở Nhật Bản, 132% ở I-ta-li-a, 112% tại Mỹ, và hơn 99% ở Anh, trong đó nợ của Chính phủ Anh tăng cao nhất, gấp đôi so với 44% năm 2007./.
(Theo: VOV)