(TCTG)- Chiều ngày 12/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn tỉnh Lào Cai.
Hội thảo đã thu hút trên 70 đại biểu đến từ các Sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, UBND các huyện thành phố và các doanh nghiệp hoạt động đầu tư sản xuất kinh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng tình hình phát triển doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn (NNNT) Lào Cai; đặc điểm môi trường đầu tư của doanh nghiệp NNNT trên địa bàn; những khó khăn, thách thức và đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho phát triển loại hình doanh nghiệp này trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: hiện nay tỉnh Lào Cai có trên 120 doanh nghiệp (chiếm 7% so tổng số doanh nghiệp) trên địa bàn đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Các doanh nghiệp này tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh chè với diện tích trên 4.000 ha; sản xuất rau an toàn và rau chất lượng cao ở các huyện vùng cao, mỗi năm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc trên 3.000 tấn rau; sản xuất cây ăn quả; nuôi cá nước lạnh… Đặc biệt, hiện có 9 doanh nghiệp đang đầu tư vào trồng, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn. Các doanh nghiệp này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp của Lào Cai cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp NNNT chủ yếu thuê đất của Nhà nước để tự tổ chức sản xuất kinh doanh; hợp tác với người dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nông dân tự sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn chủ yếu cản trở quá trình phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đó là thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh; đất đai manh mún khó sản xuất hàng hoá tập trung; thiếu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp… Theo Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên: Nhà nước cần có chính sách tính dụng ổn định lâu dài cho NNNT; tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp nông – lâm nghiệp – thuỷ sản được vay vốn ở Ngân hàng Phát triển, bởi đây là ngân hàng trợ giúp tốt nhất cho doanh nghiệp về định hướng chiến lược phát triển để duy trì sản xuất kinh doanh bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Ma Quang Trung cho biết: Để khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động mạnh trong lĩnh vực NNNT trên địa bàn, các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách cũng như các bộ, ngành trước khi ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực NNNT, cần lấy ý kiến rộng rãi của chính những đối tượng được hưởng chính sách, để khi chính sách được ban hành sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực NNNT, bởi hiện nay những doanh nghiệp này rất khó tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Khảo sát thực tế cho thấy hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của địa phương chủ yếu là sản phẩm thô, rất ít sản phẩm tinh chế. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực NNNT phải đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong đơn vị sản phẩm, giảm dần thị phần hàng nguyên liệu ở cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT cần thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, vấn đề đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng chuyển giao công nghệ chế biến thu hoạch; đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm thích đáng./.
Nguyên Sa - Lào Cai