Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/1/2011 19:38'(GMT+7)

Khuyến nghị từ nông thôn

Chế biến dứa đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Rau quả xuất khẩu Phương Đông

Chế biến dứa đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Rau quả xuất khẩu Phương Đông

Sức ép về nhà ở, giao thông cùng nhiều vấn đề sinh hoạt đang đè nặng lên các đô thị và thành phố lớn. Để xoá dần khoảng cách giữa muền núi và miền xuôi, nông thôn và thành thị, để xoá nghèo bền vững cho nhân dân, cần khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến ở nông thôn và miền núi…

Khắc phục tình trạng “ly hương”

Hàng năm, có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động từ nông thôn, miền núi ra thành phố tìm việc, làm cho mật độ dân cư thành phố ngày càng đông, mật độ tham gia giao thông ngày càng quá tải, sức ép về nhà ở và việc cung ứng lương thực, thực phẩm càng lớn…

Chỉ riêng huyện Con Cuông (Nghệ An), một huyện miền núi, dân số chỉ 64.430 người, nhưng hàng năm có không dưới 3.000 thanh niên rời bản đi tìm việc ở phía Nam, trong số đó có nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường. Đầu năm học, mỗi lớp có trên 50 học sinh, nhưng chưa hết học kỳ I, khi anh chị vào Nam lao động về chơi Tết, sẽ có rất nhiều học sinh nghỉ học và thanh niên vừa rời trường Cao đẳng, Đại học chưa tìm được việc làm, đi theo học cách làm ăn.

Gần đây để tuyển lao động và giữ người, các doanh nghiệp phía Nam đã cho xe chở công nhân về ăn Tết, ra tết lại đón công nhân quay lại. Giá như có nhà máy đóng tại địa phương, chắc chắn số thanh niên trên sẽ không phải “ly hương” kiếm việc. Tâm sự với chúng tôi, nhiều bạn trẻ bộc bạch: “Chúng cháu không muốn bỏ quê đi làm ăn xa, nhưng vì không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, chúng cháu phải ra đi thôi! Vẫn biết rằng ra xứ người tìm miếng cơm manh áo khó lắm, nhưng ở nhà biết lấy gì ăn? Việc trồng cây, trồng rừng hay làm nông, lâm nghiệp không còn phù hợp với thanh niên. Giá như quê mình có Nhà máy, chúng cháu vào làm công nhân, ăn cơm nhà đi làm, vừa có thời gian giúp bố mẹ, không phải chi phí tiền tàu xe đi về, tiền nhà trọ, tránh xa được mọi cám dỗ. Chỉ cần có Nhà máy, không cần vào làm công nhân, mà chỉ cần đầu tư ít vốn làm dịch vụ cho nhà máy như cung cấp nguyên liệu, cung cấp lương thực, thực phẩm và các dịch vụ khác… cũng đủ sống!”.

Khai thác tiềm năng tại chỗ

Ngoài việc khai thác nguồn nhân lực tại chỗ như đã nói ở trên, việc đưa nhà máy về nông thôn, miền núi còn tạo động lực cho địa phương khai thác mọi tiềm năng như đất đai, nguồn nguyên liệu, tất nhiên cần khảo sát vùng nguyên liệu và định hướng vùng nguyên liệu.

Đưa nhà máy về nông thôn, vừa góp phần tạo việc làm, tuyển dụng lao động tại chỗ, không tốn phí vận chuyển nguyên liệu, không góp phần làm tăng mật độ giao thông, sản phẩm làm ra chở về thành phố tiêu thụ, sẽ giảm được giá thành. Tất nhiên Đảng và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế những năm đầu cho nhà máy để đầu tư xây dựng, có chính sách hỗ trợ bà con đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu, mở mang giao thông, đầu tư xây chợ, tạo thị trường, hướng nghjiệp dạy nghề cho bà con miền núi, nông thôn. Và một vấn đề rất quan trọng nữa, có nhà máy tại địa phương sẽ quản lý được lực lượng trẻ, lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, khi cần dễ điều động, còn bây giờ do miếng cơm, manh áo, họ phải rời quê đi làm ăn, khi cần rất khó tập hợp.

Có nguồn thu bền vững

Sau khi được hưởng chính sách miễn giảm thuế, đi vào hoạt động ổn định, các nhà máy sẽ làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước và địa phương. Đây là những nguồn thu ổn định và bền vững. Khi nhà máy ăn nên làm ra, địa phương sẽ được hưởng sự hỗ trợ nhiều mặt, nhiều chương trình từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ các hoạt động văn hoá - văn nghệ - thể thao.

Đó là chưa tính đến yếu tố, có nhà máy về, sẽ kéo theo điện, đường về, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược.

Khi địa phương có nguồn thu, nhân dân có việc làm cho thu nhập ổn định, đất đai, tài nguyên được khai thác, tận dụng hết sẽ là biện pháp xoá đói, giảm nghèo bền vững nhất.

Khi ngồi viết bài này, tác giả bài viết có anh bạn ở TP HCM ra chơi góp ý, ý tưởng của các anh giờ mới manh nha, còn tỉnh Gia Lai đã áp dụng cả chục năm nay. Tỉnh Gia Lai đã có chủ trương không cho xuất khẩu sản phẩm thô ra khỏi tỉnh từ cây tre, cây mét (họ tre nứa) đến những sản phẩm có giá trị khác, đã khiến các nhà nhập khẩu phải đến Gia Lai, xây dựng nhà máy chế biến. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân ở Gia Lai có việc làm, tỉnh có nguồn thu bền vững.

Mong rằng kinh nghiệm Gia Lai và đòi hỏi thực tế việc đưa nhà máy về nông thôn, miền núi để xoá dần khoảng cách giữa thành thị - nông thôn, giữa miền xuôi - miền ngược, và quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm, giúp bà con thoát nghèo bền vững sớm đến với các nhà hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, để sự nghiêp CNH-HĐH sớm trở thành hiện thực, xa hơn nữa để nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, theo cương lĩnh xây dựng đất nước và mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra./.

(Theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất