Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 4/7/2016 21:18'(GMT+7)

Kì thi quốc gia diễn ra an toàn, đúng quy chế

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga- Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga- Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi ngắn với GS.TS Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kì thi THPT quốc gia 2016 về kì thi này.

Sau 4 ngày tổ chức kì thi, xin Thứ trưởng đánh giá bước đầu về công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2016?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo đánh giá chung, đến thời điểm này, kì thi đã diễn ra rất thành công. Thành công đầu tiên là về chủ trương mở rộng các cụm thi trong cả nước. Ban đầu, đây được xem là một thử thách lớn của ngành giáo dục. Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và quyết tâm của toàn ngành nên công tác triển khai kì thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế.

Năm nay, thí sinh các địa phương rất phấn khởi khi được thi trên quê hương mình. Các em ít chịu áp lực tâm lý, việc đi lại giảm bớt khó khăn nên kết quả làm bài có thể sẽ tốt hơn.

Đối với địa phương và nhà trường, do lượng thí sinh phân tán trên 63 tỉnh/thành nên ngành giáo dục có thể sử dụng cơ sở hạ tầng tốt nhất để phục vụ kì thi. Nhờ vậy, không gian tổ chức thi khá thoải mái, góp phần nâng cao chất lượng làm bài của thí sinh.

Đối với các địa phương lần đầu thành lập cụm thi, Bộ đã cử các trường đại học lớn, có uy tín, kinh nghiệm để thực hiện công tác tổ chức. Do đó, kì thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng tinh thần chỉ đạo.

Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân đối với thí sinh và phụ huynh cũng được quan tâm tốt hơn so với trước. Tại Đà Nẵng, UBND Thành phố đã chỉ đạo mở cửa các trường, khu vực lân cận điểm thi cho phụ huynh vào nghỉ ngơi khi đợi thí sinh. Đồng thời, huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ các suất cơm, chỗ nghỉ miễn phí cho phụ huynh và thí sinh.

Tại Quảng Nam, ngành giáo dục đã tổ chức xe đưa đón các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa đến địa điểm thi, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không được để bất kì trường hợp thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn. Tại huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), thầy cô đã đứng ra nấu cơm cho các thí sinh, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em trong những ngày thi.

Sau khi kì thi kết thúc, xin Thứ trưởng cho biết công tác chấm thi sẽ diễn ra như thế nào để bảo đảm tính đồng đều giữa các địa phương cũng như lời khuyên cho thí sinh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển đại học?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD&ĐT quan tâm đặc biệt đến công tác chấm thi để bảo đảm được tiến độ lẫn chất lượng chấm đồng đều giữa các cụm thi. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên - nơi có nhiều trường đại học cử giảng viên đi làm nhiệm vụ ở các tỉnh/thành khác sẽ mang bài về các trụ sở trung tâm để chấm nhằm tạo sự công bằng cho các thí sinh dự thi.

Bộ đã nhắc nhở các trường đại học và Sở GD&ĐT tạo các thành phố lớn hỗ trợ tối đa cho công tác chấm thi để đảm bảo qui trình và đúng tiến độ.

Sau công tác chấm thi, việc công bố kết quả, Bộ cũng nhắc nhở các trường, các sở làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin dành đường truyền ưu tiên trong thời điểm công bố.

Năm nay, các thí sinh có thuận lợi khi biết kết quả năm ngoái để tham khảo. Qua đó, các thí sinh có thể lượng sức mình để nộp hồ sơ xét tuyển, với khả năng trúng tuyển cao. Bộ GD&ĐT cũng đã mở nhiều kênh nộp hồ sơ xét tuyển khác nhau (như bằng trực tuyến, qua bưu điện) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Đồng thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT tập huấn cán bộ công nghệ thông tin các trường, các trường THPT mở cửa các phòng công nghệ thông tin để giúp các thí sinh hướng dẫn thí sinh đăng ký trực tuyến thuận lợi, hiệu quả và tiết kiệm.

Dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành công tác chấm thi và đầu tháng 8 sẽ thực hiện công tác xét tuyển.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức 70 cụm thi ở 63/63 tỉnh/thành trong cả nước. Vậy, xin ông cho biết, kinh nghiệm qua kì thi này là gì?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước khi kì thi diễn ra, rất nhiều ý kiến lo lắng về việc tổ chức 70 cụm thi tại 63 tỉnh/thành trên cả nước sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kì thi. Nhưng tính đến thời điểm này, tôi xin khẳng định, kì thi quốc gia năm 2016 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng qui chế.

Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong kì thi này là sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học, các Sở GD&ĐT, sự vận động tham gia của các tổ chức quần chúng, sự quan tâm rất lớn của các cấp ngành, nhân dân trong cả nước.

Chúng ta có quyết tâm rất cao trong việc tổ chức kì thi tại 63 tỉnh/thành trong cả nước. Việc mở rộng các cụm thi đã từng bước đổi mới công tác thi, tuyển sinh một cách thận trọng với những bước chuẩn bị chu đáo. Nếu trong kì thi “3 chung” trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức được ở 3 cụm quốc gia (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng). Sau đó, mở rộng thêm 4 cụm thi tại các thành phố: Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quy Nhơn. Kì thi năm 2015, Bộ GD&ĐT tiếp tục cố gắng triển khai ở 38 cụm thi, với 2 địa phương/cụm thi.

Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT đã thực hiện tổ chức thi ở 70 cụm thuộc 63/63 tỉnh/thành trong cả nước. Điều này đã tạo được điều kiện thuận lợi rất lớn cho thí sinh cũng như các bậc phụ huynh.

Qua kiểm tra nắm tình hình tại một số địa phương, chúng tôi thấy phụ huynh và thí sinh rất ủng hộ việc được dự thi ngay tại quê hương, không phải di chuyển nên giảm được nhiều áp lực cho thí sinh lẫn phụ huynh trong việc di chuyển, tìm chỗ trọ. Qua đó, tạo tâm lý thoải mái giúp các em hoàn thành tốt bài thi.

Năm nay, Bộ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt cho công tác tổ chức thi. Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT mở rộng các cụm thi cho 63 tỉnh/thành phố. Nhưng bằng nhiều biện pháp, ngành giáo dục vẫn bảo đảm được chất lượng, hiệu quả và sự nghiêm túc trong tổ chức thi, tạo được niềm tin cho xã hội, mở ra con đường đổi mới cho những kì thi tiếp theo.

Việc mở rộng cụm thi ở tất cả các địa phương là “phép thử” để Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương và các trường đại học trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Qua đó, đưa kì thi quốc gia đổi mới một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Tiến tới, Bộ GD&ĐT chỉ làm công việc quản lý Nhà nước.

Những thành công này là cơ sở cho chúng ta thấy rằng những đổi mới của ngành giáo dục bắt đầu có hiệu quả.

Sau khi có kết quả thi năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ họp với các trường đại học, Sở GD&ĐT, các chuyên gia đầu ngành nhằm rút kinh nghiệm, qua đó, đề xuất giải pháp để kì thi THPT quốc gia những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn./.

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất