Sáng 5/6, phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính Nhà nước; quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Đặt câu hỏi chất vấn Tổng
Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2021, Kiểm toán
nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký kết quy chế phối hợp nhằm hạn chế
trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên,
từ năm 2020 đến nay, tình trạng chồng chéo về đối tượng hoặc nội dung
giữa Kiểm toán nhà nước và thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương
vẫn diễn ra. Do đó, các đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho
biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết,
theo quy định của Luật Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở báo cáo kế hoạch
kiểm toán đã được thống nhất với Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính
phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra bộ, ngành và địa phương xây dựng
kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thời gian gần đây Kiểm
toán nhà nước đã đưa ra phương châm của hoạt động kiểm toán là gọn nhưng
chất lượng, tập trung vào kiểm toán quyết toán, tập trung vào các
chuyên đề phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội và HĐND nhằm hạn chế
được các đoàn đầu mối kiểm toán chi tiết, do đó, giảm được sự chồng
chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh tra. Thời gian tới, Kiểm toán nhà
nước và Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát lại Chỉ thị
1618/CT-KTNN và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức triển
khai, giảm thiểu trùng lắp và chồng chéo giữa các hoạt động thanh tra và
kiểm toán.
Theo đó, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm căn cứ vào chiến
lược phát triển kiểm toán đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua,
trong đó phấn đấu đến 2030 thực hiện kiểm toán 100% báo cáo quyết toán
ngân sách bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm hiện nay đã kiểm toán
địa phương đạt khoảng 91% và Trung ương khoảng 87%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chúng ta có 2 hệ thống
kiểm toán. Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do
Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước với
nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với
những đơn vị có tài sản, có tiền của nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước có quy
trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ
thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một
trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về
đầu tư.
Nhánh thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo Luật Kiểm
toán độc lập, cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ
chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh
nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm
toán đặt tại Việt Nam. Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm
toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án
đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê. Kiểm toán
độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng,
trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước về
quản lý chất lượng kiểm toán và không trực tiếp thực hiện kiểm toán.
Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban
hành các cơ chế, chính sách, ban hành chiến lược, thanh tra, kiểm tra,
giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã
thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm
toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20- 24
doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong
lĩnh vực chứng khoán. Như vây, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm
toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm
tra đúng theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước có vai
trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính
công, tài sản công, góp phần đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính Nhà
nước; quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng,
Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực và
thực hành tiết kiệm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra trong không khí
sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các đại biểu
Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng kiểm toán Nhà nước
lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng
về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn rõ ý, thuyết phục, đi
thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết
quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế,
bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản
lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành,
địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách,
pháp luật. Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập: Kết quả
thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra;
còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức
nghề nghiệp; một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động
thanh tra, kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước,
Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu
Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các
vấn đề trọng tâm; Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát
triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch
đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc
hội và cử tri quan tâm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về Kiểm toán nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát việc thực thi công vụ…
Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ,
kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ
chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện
kết luận, kiến nghị kiểm toán./.
TTXVN