Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm văn hóa chất lượng được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện những sản phẩm mang nội dung tiêu cực, thậm chí gây nguy hại cho an ninh văn hóa, an ninh quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi những đổi mới phù hợp, khoa học và hiệu quả trong công tác kiểm duyệt.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Ðến thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận kiểm soát nội dung là phương thức phổ biến, hữu hiệu giúp các chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp loại bỏ mối nguy hại của những văn hóa phẩm xấu, độc, vi phạm pháp luật, quy tắc chung đến cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, thù địch cố tình lợi dụng quy kết đây là hành động xâm hại quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác và xuất bản để xuyên tạc, vu khống Ðảng, Nhà nước Việt Nam.
|
Ngày
10/12/1948, Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền, trong đó khẳng định sự cam kết của các quốc gia trong bảo
đảm, bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận. Dù vậy, tự do ngôn luận
không phải quyền tuyệt đối. Cụ thể, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự
và chính trị có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 quy định: “Mọi người có
quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và
truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức
tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ
thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự
lựa chọn của họ” (khoản 2, Ðiều 19).
Song việc thực hiện quyền
tự do ngôn luận phải đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.
Do đó, theo Công ước nêu trên, quyền tự do ngôn luận phải chịu một số
hạn chế, được quy định trong pháp luật mỗi quốc gia để tôn trọng các
quyền hoặc uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự
công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội (khoản 3, Ðiều 19).
Tự do sáng tác là một biểu hiện của quyền tự do ngôn luận, vì vậy, người sáng tạo nghệ thuật cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng, không xâm phạm quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác trong xã hội. Bên cạnh đó, mỗi nhà nước tổ chức đều có những biện pháp phòng tránh trường hợp lợi dụng tự do sáng tác để thể hiện các mục đích thiếu trong sáng, trong đó, kiểm soát nội dung là phương thức phổ biến được áp dụng tại hầu hết quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, tại Anh, quyền tự do
sáng tác bị giới hạn bởi nhiều bộ luật quan trọng như Luật về hành vi
phỉ báng, Ðạo luật về hành vi thù hận chủng tộc và tôn giáo 2006, Ðạo
luật về ghi hình,… Trong 10 năm trở lại đây, chính phủ Anh đã xử lý một
số vụ việc nổi bật liên quan đến hành vi lạm dụng quyền tự do sáng tác,
tự do biểu diễn.
Tiêu biểu như: Tháng 3/2015, Steven Lamont bị
xử phạt 4 tháng tù do cố tình hát sáng tác bị cấm Billy Boys tại trận
đấu bóng đá giữa câu lạc bộ Ranger và Celtic. Tháng 6/2018, Tòa án ra
phán quyết cấm nhóm nhạc 1011 sáng tác nội dung liên quan đến chủ đề tổn
thương, cái chết, đồng thời, yêu cầu nhóm nhạc này phải thông báo với
cảnh sát địa phương khi phát hành video âm nhạc mới, địa điểm biểu diễn,
các buổi ghi âm, ghi hình... Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ quy
định: Quốc hội sẽ không ban hành đạo luật nào ngăn chặn quyền tự do ngôn
luận, báo chí.
Nhưng điều này không đồng nghĩa quyền tự do ngôn
luận, tự do sáng tác của người dân Mỹ là vô hạn. Về cơ bản, Tu chính án
thứ nhất không có hiệu lực với các tác phẩm có 9 nội dung như sau: Tục
tĩu; ngôn ngữ gây hấn; phỉ báng và vu khống danh dự, nhân phẩm; nội dung
ấu dâm; khai man; tống tiền; xúi giục hành động vi phạm pháp luật; hành
vi đe dọa thật sự; lôi kéo phạm tội. Ngoài ra, Tu chính án thứ nhất
cũng không bảo vệ hành vi lợi dụng tự do sáng tác để gây nguy hại đến
lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bởi vậy, chính phủ Mỹ có quyền kiểm
duyệt, hạn chế, thu hồi các văn hóa phẩm mang những nội dung nêu trên
song song với việc xử phạt tác giả. Chưa kể, các tổ chức tư nhân, doanh
nghiệp của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng với quá trình phân loại, đánh
giá, kiểm duyệt nội dung như Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ (MPAA), hệ thống thư
viện công lập tại các tiểu bang, hội đồng nhà trường, nhà cung cấp dịch
vụ truyền hình, mạng xã hội.
Thảo luận về dự thảo Luật Ðiện ảnh sửa đổi tại Quốc hội, chiều
25/5/2022, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn
đề: "Luật phải tạo hành lang và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa
phim Việt Nam và các nền tảng OTT xuyên biên giới".
Như
các quốc gia tiến bộ khác, Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo vệ quyền
tự do ngôn luận của công dân theo Ðiều 25 của Hiến pháp. Luật Xuất bản
hiện hành khẳng định Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất
bản (khoản 2, Ðiều 5).
Theo đó, tác phẩm chỉ bị cấm
in, xuất bản khi có nội dung: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tuyên
truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và
nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối
sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá
hoại thuần phong mỹ tục; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá
nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; Xuyên tạc sự thật lịch sử,
phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân
tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu
khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá
nhân (Ðiều 10, Luật Xuất bản). Những hành vi tương tự cũng bị cấm trong
hoạt động điện ảnh được quy định tại Ðiều 11, Luật Ðiện ảnh.
Hoạt
động xuất bản tại Việt Nam gắn liền với những chức năng, nhiệm vụ quan
trọng như: Phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống
xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng
nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo
đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với
các nước, phát triển kinh tế-xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và
hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vì lẽ đó, nhà xuất
bản có quyền từ chối những bản thảo có nội dung không đạt chất lượng,
không phù hợp với người đọc Việt Nam. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân
cực đoan, thiếu thiện chí cố ý đánh đồng công tác biên tập, loại bỏ bản
thảo kém với hành vi kiểm duyệt độc đoán. Thực tế, các nội dung bị cấm
trong lĩnh vực xuất bản và hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp
luật Việt Nam cũng mang nhiều điểm tương đồng với quy định pháp luật của
hầu hết quốc gia trên toàn cầu, không vi phạm Công ước Quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị.
Chưa kể, dù vẫn còn một số bất cập
nhưng cho tới nay, việc kiểm duyệt vẫn được xem là một phương pháp tối
ưu để phòng, chống các văn hóa phẩm xấu độc với hầu hết quốc gia trên
toàn thế giới.
Bình
luận về biện pháp này, David Shanks, nguyên trưởng ban kiểm duyệt nội
dung của New Zealand giai đoạn 2017-2022 cho rằng: Các cơ quan, tổ chức
kiểm duyệt hiện nay thường ít sử dụng từ “censorship” (kiểm duyệt) khi
nói về chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc của họ, song ông tin rằng
sứ mạng của những người kiểm duyệt sẽ tiếp tục vì họ đang bảo vệ quyền
tự do ngôn luận thông qua việc ngăn ngừa nội dung xấu, độc.
Tuy
nhiên, bất chấp những nỗ lực và kết quả đạt được, sự phát triển của
internet và mạng xã hội đã tạo ra áp lực mới cho công việc kiểm duyệt
nội dung vốn nhằm ngăn chặn các nguy cơ xấu từ các sản phẩm văn hóa độc
hại. Nguyên Giám đốc Cơ quan công tố Anh là Alison Saunders thẳng thắn
cho rằng, tội phạm trực tuyến cũng nghiêm trọng như tội phạm ngoại
tuyến. Theo giới chuyên gia phương Tây, các chính phủ không đủ nhân lực
để thực hiện công việc này. Ðiều này dẫn đến tình trạng một lượng lớn
văn hóa phẩm tồn tại trên internet chứa nội dung nhảm nhí, xấu, độc và
hiện được chia sẻ thoải mái, tự do trên không gian mạng mà hầu như không
vấp phải hạn chế nào.
Ðó chính là một trong những lý do cần
thiết phải có sự vào cuộc của các nhà cung cấp dịch vụ internet, nhà
đăng ký và đơn vị quản lý tên miền, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội,
dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến. Những năm qua, phần lớn các doanh
nghiệp này đã hợp tác với các cơ quan chức năng của các chính phủ trong
vấn đề kiểm duyệt, loại bỏ những văn hóa phẩm đi ngược các giá trị nhân
văn.
Tuy nhiên có thể thấy rằng, sự hợp tác này vẫn còn miễn
cưỡng, chiếu lệ và chậm trễ. Ðó là chưa kể để lôi kéo người dùng, một số
công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội còn cố tình dung túng cho việc
đăng tải, chia sẻ các sáng tác xấu, độc. Hậu quả là những sáng tác phản
văn hóa vẫn tiếp tục trôi nổi trên không gian mạng.
Trên thực tế,
Việt Nam cũng đang phải đối mặt thách thức trong vấn đề kiểm duyệt nội
dung văn hóa phẩm, nhất là khi đối diện với sự nở rộ của các trào lưu
như “tiểu thuyết mạng”, “phim chiếu mạng”, “truyện tranh mạng”. Bởi vậy,
việc kịp thời có những biện pháp, hàng rào kỹ thuật hợp lý để vừa bảo
đảm quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác nhưng vẫn bảo vệ được môi
trường văn hóa trước sự tấn công của các nội dung xấu là hết sức cần
thiết.
KIỂM SOÁT VĂN HÓA PHẨM THỜI KỲ CÔNG NGHỆ SỐ: VẤN ĐỀ CẤP BÁCH
Trong thời kỳ công nghệ số phát triển hiện nay, việc phổ biến các sản phẩm văn học nghệ thuật trên môi trường mạng dễ dàng và nhiều cách thức hơn. Song cũng chính vì vậy việc kiểm soát các sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại, không phù hợp trở nên khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi cần được quan tâm đúng mức nhằm thiết thực bảo vệ quyền tự do cho người sáng tạo chân chính và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa lành mạnh của cộng đồng.
|
Trước khi Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua vào ngày 15/6 vừa qua,
dư luận nói chung, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa rất quan tâm vấn
đề tiền kiểm, hậu kiểm với dòng phim chiếu mạng. Việc tiền kiểm các bộ
phim trước khi chúng được phát hành tới công chúng theo cách thức truyền
thống luôn cần thiết nhưng nếu chỉ như vậy sẽ khó mà kiểm soát hết các
nội dung phim.
Mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm phim ảnh được cập
nhật trên các trang mạng, các nền tảng công nghệ đòi hỏi phải có cách
thức "kiểm duyệt" nhanh chóng, phù hợp hơn để vừa bảo đảm quyền lợi của
doanh nghiệp sản xuất phim, quyền được hưởng thụ của công chúng, vừa
khích lệ, động viên nghệ sĩ sáng tạo, nhưng đồng thời cũng không bỏ lọt
các sản phẩm có nội dung độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa
nói chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát
biểu về việc bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng
cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ
biến phim trên không gian mạng.
Những quy định mới nhất về phổ biến phim trên không
gian mạng trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 đã giải quyết được cơ bản
những bất cập trong các quy định cũ không còn phù hợp, theo kịp với sự
phát triển khách quan của đời sống. Theo đó, công tác tiền kiểm và hậu
kiểm đều được áp dụng, tùy theo từng dòng phim, thể loại phim. Với các
phim phát hành trong hệ thống rạp chiếu và các địa điểm chiếu phim công
cộng thì các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đều phải xin cấp
giấy phép phân loại phim.
Các phim phổ biến trên hệ thống truyền
hình phải có quyết định phát sóng của các cơ quan báo chí có giấy phép
hoạt động truyền hình. Việc hậu kiểm sẽ áp dụng với các phim phổ biến
trên không gian mạng, nghĩa là nhà sản xuất, phát hành phải có trách
nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân
thủ các quy định của Luật Điện ảnh. Cũng theo quy định, nhà cung cấp
phải thông báo kết quả phân loại phim và danh sách phim sẽ phổ biến trên
không gian mạng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Như
vậy với các quy định cụ thể trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022, vấn đề
tiền kiểm, hậu kiểm phim đã minh bạch, theo đó các cơ quan quản lý có
một hành lang pháp lý với những quy định cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để xử
lý những sai phạm nếu xảy ra. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực khác, việc
tiền kiểm, hậu kiểm vẫn còn đang bề bộn, lúng túng, chủ yếu ở các sản
phẩm phát hành trên mạng.
Chẳng hạn trong âm nhạc, tình
trạng thả nổi với các sản phẩm phổ biến trên mạng vẫn đáng lo ngại. Việc
kiểm duyệt các tác phẩm âm nhạc, các chương trình biểu diễn theo cách
thức tiền kiểm như từ trước đến nay vẫn làm mới chỉ "khoanh vùng" được
một phần nhỏ. Sự sôi động của đời sống âm nhạc trên mạng mới chỉ được
kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý theo kiểu sự vụ, chưa theo kịp
sự phát triển của thực tế khách quan.
Trong lĩnh vực văn học, dù
không sôi động như điện ảnh và âm nhạc, nhưng cũng đang tiềm ẩn những
bất cập tương tự. Không những thế, việc phổ biến các tác phẩm văn học
trên mạng còn dễ dàng hơn cả phát hành một bộ phim, một tác phẩm âm
nhạc, bởi đặc thù văn học là chữ viết, người sáng tạo không phải quá
công phu các khâu kỹ thuật. Tác giả gần như không phải chịu áp lực gì về
sự kiểm duyệt. Sau khi một tác phẩm được viết xong, việc phổ biến có
thể diễn ra ngay lập tức, thậm chí tác giả có thể vừa viết vừa tương tác
với bạn đọc.
Nếu tác phẩm phổ biến theo cách truyền thống có
thể chỉ giới hạn trong số lượng bản in từ vài trăm đến vài nghìn cuốn,
thì số lượng người đọc trên mạng xã hội là không giới hạn. Tính nhanh
chóng này giúp cho người viết có thể gặp bạn đọc của mình một cách sớm
nhất, có thể bổ sung, chỉnh lý theo yêu cầu, góp ý của độc giả, nhưng
mặt trái của nó là những nội dung đưa lên mạng nếu chứa yếu tố tiêu cực
sẽ có những hệ lụy khó lường.
Dù chúng ta đã có Luật Xuất bản
nhưng những quy định liên quan đến phổ biến xuất bản phẩm trên mạng vẫn
còn lạc hậu, chưa cập nhật, bám sát sự phát triển của đời sống khách
quan. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh…
vấn đề phổ biến các tác phẩm trên mạng chưa quá nhiều nhưng cũng đã có
những thí dụ cho thấy việc thả nổi vấn đề kiểm duyệt gây hậu quả tiêu
cực khiến dư luận bức xúc.
Những bất cập đang diễn ra trong đời
sống văn học nghệ thuật thời gian qua đã bộc lộ nhiều mặt trái đòi hỏi
cần một sự đổi mới toàn diện trong việc thẩm định, kiểm định các tác
phẩm văn học nghệ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng loại
hình trong giai đoạn hiện nay. Đã đến lúc cần phải có những quy định cụ
thể, khoa học, bảo đảm công bằng với các môi trường phổ biến khác nhau,
từ môi trường phổ biến truyền thống đến môi trường mạng. Việc tiền kiểm,
hậu kiểm sẽ tùy vào đặc trưng của mỗi lĩnh vực để áp dụng sao cho bảo
đảm sự chặt chẽ, phù hợp. Biện pháp tiền kiểm phù hợp với những sản phẩm
phổ biến trong môi trường truyền thống, nhưng lại khó có thể áp dụng
trên môi trường mạng.
Công nghệ
số càng phát triển càng nhìn rõ những bất cập trong quản lý nội dung
tác phẩm văn học nghệ thuật trên môi trường mạng, nhưng ngay cả trong
môi trường phổ biến truyền thống, nơi mà phần lớn tác phẩm đều được tiền
kiểm trước khi đưa đến công chúng vẫn để lọt những sai sót. Vẫn có
những tác phẩm văn học mang nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần
phong mỹ tục Việt Nam được cấp phép xuất bản, cho đến khi dư luận phát
hiện ra mới bị thu hồi.
Trong điện ảnh, chúng ta chưa quên vụ phim "Điệp vụ biển Đỏ" được cấp phép chiếu rạp nhưng lại bỏ lọt chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam và phải dừng phát hành. Phim truyền hình "Quỳnh búp bê", "Người phán xử tiền truyện" dù được tiền kiểm vẫn có những cảnh nóng, bạo lực và khi dư luận lên tiếng phải dừng phát sóng để chỉnh sửa. Triển lãm "Bí mật cơ thể người" ở Thành phố Hồ Chí Minh có nội dung bị cho là phản cảm, không phù hợp với tâm lý người xem,…
|
Mỗi năm có hàng
nghìn nội dung không phù hợp được xóa bỏ, nhưng thường không kịp thời
ngay lập tức, và quan trọng là không có chế tài đủ mạnh để xử phạt những
người liên quan, dẫn đến việc các nội dung tương tự vẫn được phổ biến
vô tư cho đến khi bị yêu cầu thì gỡ xuống. Trong khoảng thời gian đó,
các nội dung phản cảm có thể đã được hàng triệu lượt người xem, gây ra
những hậu quả khó có thể đong đếm. Khoảng trống này cần được các cơ quan
quản lý quan tâm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả càng sớm
càng tốt.
Về phía các đơn vị, cơ quan chức năng quản lý văn hóa
nghệ thuật, cần trang bị thêm kiến thức để trong quá trình thực thi vấn
đề tiền kiểm, hậu kiểm cho các cán bộ, nhân viên thực thi để vừa bảo đảm
sự nghiêm túc nhưng cũng không làm triệt tiêu cảm hứng của người sáng
tạo. Kiểm duyệt không có nghĩa là cấm đoán gắt gao, mà còn giúp nâng cao
chất lượng, làm "bà đỡ" để các tác phẩm văn học nghệ thuật được phổ
biến trở nên có giá trị, tác động tích cực vào đời sống, làm trong sạch
môi trường văn hóa.
Bên cạnh đó cần nhanh chóng có các giải pháp
hiệu quả giúp nâng cao nhận thức cho người sáng tác và người hưởng thụ.
Khi người sáng tác xác định rõ việc dù trong môi trường phổ biến truyền
thống hay môi trường mạng, một tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị
đều phải hướng đến những giá trị cao đẹp, nhân văn, tạo ra cảm xúc tích
cực cho công chúng thì sẽ không còn mải mê chạy theo những xu hướng nhất
thời nhằm kiếm view, câu like. Tương tự, chỉ có việc nâng cao nhận thức
của người hưởng thụ mới giúp công chúng một bản lĩnh, hiểu biết là
"vắc-xin" chống lại các vi-rút độc hại rất cần thiết, có khả năng tự
chọn lọc những gì là hay, bổ ích.
Công tác kiểm duyệt sản phẩm
văn học nghệ thuật hiện nay đang đối diện nhiều thách thức. Do vậy, rất
cần đến một chiến lược mang tính tổng thể, có tính cấp bách bởi nếu chậm
trễ sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường đến thẩm mỹ của công chúng, nhất
là thế hệ trẻ, những người đang có xu hướng ngày một tiêu dùng nhiều hơn
các sản phẩm văn hóa từ mạng internet./.
Vũ Quỳnh (nhandan.vn)