Liên quan đến việc kiểm soát viên không lưu đã ngủ quên khiến phi công mất liên lạc với mặt đất hơn nửa tiếng tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), nhiều chuyên gia hàng không nhìn nhận, sự cố hy hữu vừa qua tại Cát Bi là do lỗi ý thức tổ chức kỷ luật kém. Nghề kiểm soát viên không lưu không có chỗ cho sai lầm bởi sẽ phải trả giá tính mạng của hàng trăm người.
Từng làm phi công trong 20 năm và có thâm niên 35 năm công tác trong ngành quản lý bay, ông Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, chất lượng kiểm soát viên không lưu của Việt Nam khá tốt so với thế giới. Sự cố vừa xảy ra là rất hiếm gặp.
“Sự cố vừa qua tại Cát Bi là do lỗi ý thức tổ chức kỷ luật kém. Đơn vị quản lý cần phải siết lại ý thức kỷ luật đối với cán bộ nhân viên, đặc biệt là kiểm soát viên không lưu bởi điều hành bay liên quan đến tính mạng của hàng trăm con người trên một chuyến bay”, ông Mùi chia sẻ.
Đề cập đến quy trình đào tạo, sát hạch năng lực kiểm soát viên không lưu, ông Mùi cho rằng, tất cả các khâu đều phải điều hành bằng tiếng Anh, sáu tháng cấp lại năng định (kiểm tra lại) một lần, nếu không đạt sẽ buộc phải đào tạo lại.
Theo ông Trần Xuân Mùi, việc điều hành quản lý bay chia làm 3 đoạn gồm điều hành tại sân bay trong bán kính 20km, sau đó chuyển giao cho vùng tiếp cận có bán kính 160km và chuyển tiếp cho radar đường dài. Khi máy bay bay đến địa phận nào, điều hành bay sẽ tự chuyển cho vùng kế tiếp.
“Khi phi công mất liên lạc với kiểm soát không lưu họ đều chuẩn bị các phương án để xử lý. Trong những tình huống như vậy, phi công sẽ xin về hạ cánh tại các sân bay gần đó như Nội Bài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách”, ông Mùi nói.
Đặt câu hỏi đến việc Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội) có thể điều hành để chuyến bay VJC292 Thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng, ông Mùi thừa nhận, ATCC Hà Nội chỉ có thể điều hành chuyến bay VJC292 bay về và hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Còn muốn hạ cánh tại sân bay Cát Bi thì bắt buộc phải do Đài kiểm soát không lưu Cát Bi điều hành, quan sát bằng mắt thường, trực tiếp tại sân bay.
Theo các phi công, việc 2 kiểm soát viên không lưu Cát Bi ngủ quên và không có mặt tại nơi làm việc là cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp máy bay không thể kết nối với đài không lưu Cát Bi thì có thể chuyển kênh liên lạc với không lưu phụ trách đường dài hoặc không lưu các khu vực lân cận để xin huấn lệnh trực tiếp nhằm bay tới 1 sân bay dự bị khác như Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh.
Trước đó, vào ngày 9/3 vừa qua, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã xảy ra sự cố tàu bay VJC921 đường bay Hải Phòng-Hàn Quốc và VJC292 đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng không thiết lập được liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi từ 22 giờ 51 phút (giờ Hà Nội). Nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam xác nhận là do kiểm soát viên ngủ quên.
Theo cảng vụ Hàng không miền Bắc, trong quá trình trực chính, kiểm soát viên không lưu Lương.T.M.T đã ngủ quên và không duy trì liên tục canh nghe trên các kênh liên lạc được chỉ định. Kiểm soát viên này đã ngủ từ 21 giờ 40 phút đến 23 giờ 15 phút ngày 9/3. Việc này khiến cho hoạt động điều hành bay bị gián đoạn suốt hơn 30 phút. Đặc biệt, 2 chuyến bay VJ921 và VJ292 thiết lập tổng cộng 39 lần liên lạc nhưng kiểm soát viên không lưu Lương.T.M.T không trả lời.
Đối với kiểm soát viên không lưu trực hiệp đồng Nguyễn.V.C (SN 1957) được phân công nhiệm vụ trực chính trong ca từ 19 giờ tối ngày 9/3 đến 7 giờ 30 sáng 10/3, nhưng kiểm soát viên không lưu Nguyễn.V.C đã không có mặt tại vị trí trực điều hành không lưu từ lúc 21 giờ 40 phút ngày 9/3 đến 5 giờ 40 phút ngày 10/3.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với kiểm soát viên không lưu Nguyễn.V.C và tước quyền sử dụng giấy phép kiểm soát viên không lưu 2 tháng, kể từ ngày 20/3.
Đối với Công ty Quản lý bay miền Bắc (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam), Cảng vụ Hàng không miền Bắc yêu cầu tổ chức bình giảng sau vụ việc kiểm soát viên không lưu làm gián đoạn điều hành không lưu với 2 máy bay, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tránh xảy ra các sự cố tương tự và buộc công ty phải báo cáo kết quả bình giảng và xử lý kỷ luật đối với các cá nhân bằng văn bản về Cảng vụ trước ngày 25/3./.
Việt Hùng (Vietnam+)