Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 23/5/2014 14:45'(GMT+7)

Kiên Giang: Cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa

Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang, Trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.

Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang, Trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.

Các chương trình, mục tiêu giáo dục được các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp, kết hợp khá đồng bộ và chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên nên các gia đình có điều kiện quan tâm hơn đến việc học tập của con em. Phong trào xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động nhiều nguồn lực của xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, tiêu biểu là chương trình “Tiếp sức đến trường” giúp đỡ nhiều giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên, tiếp tục công tác và học tập tốt với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Chương trình hành động số 47, ngày 10-02-2014 của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 04-11-2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 52% và năm 2020 đạt 67%. Đẩy mạnh phân luồng THCS, định hướng, đa dạng hóa các hình thức đào tạo giáo dục nghề nghiệp sau THPT gắn với phát huy liên thông, liên kết đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Kiên Giang ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đến năm 2020”; “Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, “Kế hoạch xóa mù chữ đến năm 2020”, “Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2013 - 2020”. Chương trình hành động số 27, ngày 24-7-2012 của Tỉnh ủy Kiên Giang về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”.

Hằng năm, trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10  Trung học phổ thông (THPT), Ủy ban nhân dân tỉnh đề chỉ đạo tuyển sinh vào lớp 10 THPT không quá 75% số học sinh tốt nghiệp THCS ở những địa bàn có trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường dạy nghề, nhằm thực hiện phân luồng đào tạo học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Tính đến tháng 12-2013, toàn tỉnh có 145/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Hoàn thành các chỉ tiêu phổ cập giáo dục THCS (tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 là 22.799 học sinh, đạt tỷ lệ 98,62%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS hai hệ năm 2013 là 17.509, đạt tỷ lệ 97,18%; thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS hai hệ là 73.312, đạt tỷ lệ 85,23%).

Như vậy, các chỉ tiêu phổ cập giáo dục THCS được duy trì ổn định.  Toàn tỉnh hiện có 641 đơn vị, trường học. Trong đó, có 165 trường THCS, PTCS và tiểu học có cấp THCS (có 04 trường Phổ thông dân tộc nội trú ấp huyện); 52 trường THPT, 01 trường THCS có cấp THPT (có 01 trường THPT chuyên, 01 trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 03 trường THPT tư thục); 01 trường Trung cấp chuyên nghiệp; 01 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh và 12 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện, thị xã; 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học; 145 Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 05 trường Cao đẳng và 01 phân hiệu Đại học. Có 132 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 16, TH 76, THCS 37, THPT 03), tăng 17 trường so với năm trước; có hơn 80% trường xanh- sạch- đẹp, trường trọng điểm ở các cấp học, thư viện đạt chuẩn. Chỉ đạo áp dụng và nhân rộng mô hình trường học mới VNEN ở cấp tiểu học được đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận và đánh giá cao.

Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Sau THCS, một bộ phận học sinh không đủ khả năng tiếp tục theo học THPT thì có thể theo học chương trình giáo dục thường xuyên với mức độ nhẹ hơn, vừa sức. Ngoài ra, một bộ phận khác có nhu cầu học nghề để tham gia lao động sản xuất thì có thể theo học trung cấp chuyên nghiệp (vừa học nghề, vừa học văn hóa tương đương tốt nghiệp THPT). Như vậy, phân luồng học sinh sau THCS không những không làm triệt tiêu các cơ hội nâng cao học vấn của học sinh, mà còn góp phần đa dạng hóa phương thức học, phân luồng học, tạo ra nhiều cơ hội thích hợp cho người học. Nếu học sinh có nhu cầu, nguyện vọng và năng lực thì việc học lên có nhiều cơ hội khác như học liên thông, liên kết, từ xa, vừa học vừa làm… Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT từng bước có chuyển biến trong tổ chức thực hiện, nhưng chưa triệt để, chưa đạt hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu đề ra vì nhiều nguyên nhân. Việc phân luồng học sinh sau THCS là phân luồng sớm, tích cực, tự giác nhằm giải quyết nhu cầu nguyện vọng của người học và của xã hội. Khác với phân luồng học sinh sau THPT là buộc phải phân luồng (Giáo dục Đại học, Giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất) vì đã đạt trình độ văn hóa phổ thông. Có thể nói, việc phân luồng cho học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề diễn ra rất chậm, thiếu bền vững.

Đảng, Nhà nước cần khảo sát, đánh giá thực tế, qua đó, ban hành văn bản chỉ đạo sát hợp, cụ thể hơn về công tác này. Cần làm rõ trách nhiệm của từng ngành liên quan: Giáo dục và Đào tạo, Thương binh-xã hội, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội… Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các trường dạy nghề, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng nhà nước cấp trực tiếp cho người học; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng lao động được đào tạo sau THCS. Nghiên cứu, nhân rộng mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa đạt hiệu quả để các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo học tập, rút kinh nghiệm./.

Quốc Tuấn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất