Thứ Tư, 4/12/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 9/5/2014 21:51'(GMT+7)

Nguyên nhân hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh

Các Sở GD&ĐT khu vực phía Bắc bàn giao hồ sơ cho các trường đại học sáng nay.

Các Sở GD&ĐT khu vực phía Bắc bàn giao hồ sơ cho các trường đại học sáng nay.

Hồ sơ giảm trung bình 30%

Sáng nay (9/5), các địa phương khu vực phía Bắc đã bàn gia hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cho các trường trên địa bàn. Theo ghi nhận của phóng viên, một số sở đã gửi trực tiếp dữ liệu và lệ phí theo đường bưu điện chuyển phát nhanh cho các trường, gửi  đĩa dữ liệu về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Phần lớn các tình sáng nay đến bàn giao hồ sơ đều cho biết,  lượng hồ sơ năm nay giảm hơn năm trước. 

Ông Đặng Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Nam Định) cho biết, toàn tỉnh nhận được gần 38.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm trên 5.000 bộ so với năm trước. Theo đánh giá, nhìn chung nhóm ngành kinh tế, sư phạm đều giảm trong khi nhóm ngành kỹ thuật chiếm ưu thế. 

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay Hà Nội nhận được 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm trên 10.000 hồ sơ so với năm 2013. Tỷ lệ hồ sơ dự thi trung bình khoảng 1,5 hồ sơ/thí sinh.

Cũng tại Hà Nội các khối A, A1, D vẫn được thí sinh đăng ký dư thi nhiều nhất. Khối C cả Hà Nội chỉ có trên 7.000 hồ sơ đăng ký. Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ được thí sinh Hà Nội chọn đăng ký dự thi nhiều nhất, nhóm ngành kinh tế vẫn như mấy năm trước đây, có xu hướng giảm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Nhật Tân, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Thái Bình) cho biết, toàn tỉnh năm nay có 35.000 hồ sơ, giảm 8.000 bộ so với năm ngoái. 

Mọi năm, trung bình mỗi thí sinh nộp 2 đến 3 bộ, nhưng năm nay mỗi em chỉ từ 1 dến 2 bộ hồ sơ. Theo đánh giá của ông Tân, thí sinh đã biết cân nhắc hơn trong việc chọn trường, chọn nghề. Mặt khác, thực tế hàng nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đã phần nào tác động đến sự lựa chọn của các em. 

Nhiều học sinh đã tự xác định năng lực của mình để chọn các trường trung cấp thay vì học đại học. 

“Đáng chú ý, lượng hồ sơ giảm mạnh hơn ở bậc cao đẳng. Nhiều trường cao đẳng chỉ có vài ba hồ sơ, trường nhiều cũng chỉ có trên 100 hồ sơ. Tổng số hồ sơ vào cao đẳng của học sinh toàn tỉnh Thái Bình là 3.688 bộ, chỉ tương đương với số hồ sơ đăng ký vào một trường đại học” ông Tân thông tin.

Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Ninh Bình) Nguyễn Văn Sản cho biết,  tổng số hồ sơ dự thi toàn tỉnh trên 13.000 hồ sơ, giảm 3.000 hồ sơ so với năm trước, tương đương khoảng 20%.  

Trong đó có 50% học sinh Ninh Bình lựa chọn thi đại học khối A, A1; khối C chỉ có trên 1.100 hồ sơ với khoảng gần 8%. 

Tại các tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc, ghi nhận chung cũng cho thấy lượng hồ sơ giảm mạnh. Cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có 6.668 hồ sơ ĐKDT, giảm gần 50% so với năm trước. 

Tại tỉnh Hòa Bình, tổng cộng cũng chỉ có 6.300 hồ sơ, giảm 30% so với năm trước; khối nông-lâm tăng, trong khi khối ngành kinh tế giảm rõ rệt. Lượng hồ sơ giảm ở tất cả các trường, nhiều trường không có thí sinh đăng ký; hoặc chỉ có duy nhất 1 thí sinh ở Hòa Bình đăng ký dự thi vào trường Cao đẳng công nghiệp và thương mại Hà Nội.

Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, tổng số hồ sơ là 7.100, giảm 30% so với năm trước. Khối ngành kỹ thuật, nông nghiệp vẫn giữ ổn định, trong khi khối ngành kinh tế giảm mạnh. Lý giải về sự sự sụt giảm hồ sơ này, đại diện sở GD&ĐT Yên Bái cho rằng, nguyên nhân chính là cơ hội viêc làm sau khi học ĐH của thí sinh không lớn nên nhiều em chuyển hướng vào đời sớm, từ bỏ con đường học hành.

Khối ngành công nghiệp, nông nghiệp nhiều thí sinh lựa chọn

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sản, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Ninh Bình), các nhóm ngành tại tỉnh Ninh Bình được thí sinh lựa chọn nhiều và chuộng vẫn là các ngành của Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cùng với đó là nhóm ngành kỹ thuật, kinh tế. 

Còn lại, nhóm ngành kinh tế đều có xu hướng giảm. Ông Sản cũng đánh giá, điều đó cho thấy xu thế chọn ngành nghề của thí sinh ngày càng đáng mừng. 

“Đây là xu hướng rất tốt, thí sinh đã lựa chọn nghề nghiệp thực tế hơn, có tham khảo cảnh báo của Bộ GD&ĐT, của thị trường, ví dụ như đã không còn đổ xô thi vào kinh tế” ông Sản cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Phòng giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Ninh Bình, điều đặc biệt, năm nay ở Ninh Bình xu hướng học nghề và Trung cấp chuyên nghiệp đã tăng lên, chứng tỏ công tác phân luồng học sinh có hiệu quả hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng nay, các thí sinh tại tỉnh Tuyên Quang chủ yếu chọn thi vào ĐH Tân Trào, tiếp đến là ĐH vùng Thái Nguyên với nhóm ngành kỹ thuật, nông nghiệp là chủ yếu. 

Một điều dễ nhận thấy là năm nay, đa phần thí sinh vẫn lựa chọn thi vào các trường đại học có tổ chức thi 3 chung. Theo lý giải của Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Ninh Bình), đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện cho các trường tuyển sinh riêng nên tâm lý của thí sinh vẫn rất ngại ngần. 

Nhiều địa phương cũng đề xuất Bộ GD&ĐT sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tiến tới chỉ còn 1 kỳ thi, gộp kỳ thi ĐH và thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi “2 trong 1”, vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. 

“Nên chỉ còn 1 kỳ thi, nhưng có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải giữ kỳ thi nghiêm túc như thi ĐH, CĐ”, ông Đặng Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Nam Định nói. /.

(Theo: GDVN)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất