Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 6/5/2014 21:19'(GMT+7)

Tăng cường công tác tuyên truyền về tiến trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 6-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29). Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày báo cáo về công tác chuẩn bị về thi và công nhận tốt  nghiệp trung học phổ thông; về tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Về thi và công nhận tốt  nghiệp trung học phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề cập đến một số thay đổi chính như: Giảm số môn thi từ 6 môn xuống 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn; trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn là do học sinh tự chọn chứ không phải do Bộ quyết định. Điều này phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 29 là đảm bảo cho học sinh chó trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau học phổ thông có chất lượng; đồng thời đáp ứng yêu cầu “phân hóa dần ở các lớp học trên”.

Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 (với trọng số đánh giá là 50% + 50%) để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp, khuyến khích học sinh học đều tất cả các môn, nhất là lớp 12 để có kết quả tốt nghiệp và hồ sơ dự tuyển đại học tốt; khắc phục tình trạng học lệch của học sinh. Điều đó cũng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của từng trường.

Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên 2 tiêu chí: số học sinh, sinh viên chính quy trên 1 giảng viên và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo trên 1 học sinh. Các trường căn cứ vào năng lực thực tế của mình và quy định của Bộ để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Với phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh n hư trên, sẽ đảm bảo được quyền tự chủ của các trường, mặt khác chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá năng lực đào tạo của trường.

 
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi làm việc

Trong năm 2014, Bộ thực hiện trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Thông tin về phương thức tuyển sinh riêng của các trường được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Báo Giáo dục Thời đại điện tử. Danh sách các trường tổ chức tuyển sinh riêng và thông tin cơ bản về phương thức tuyển sinh được đưa vào cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014”. Tuy Bộ rất khuyến khích các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng nhưng năm nay là năm đầu tiên thực  hiện chủ trương này nên các trường còn dè dặt.

Để hỗ trợ các trường chưa xây dựng được đề án hoặc các trường chưa đủ điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nói chung. Kỳ thi chung vẫn giữ ổn định như năm 2013 nhưng điều chỉnh phương thức xác định điểm sàn với 2 điểm mới là:

- Phân chia nhiều  mức điểm xét tuyển cơ bản (3-4 mức), trong đó có mức sàn tối thiểu đối với đại học và mức sàn tối thiểu với cao đẳng. Các trường tùy theo uy tín, khả năng thu hút thí sinh lựa chọn mức tuyển phù hợp. Việc quy định nhiều mức điểm sàn là bước đầu tiên để thực hiện phân tầng về chất lượng đầu vào.

- Nhân hệ số 2 thi môn chính của khối thi để tuyển vào ngành phù hợp. Những năm trước đây, Bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số môn chính khi xét tuyển nhưng chỉ áp dụng đối với thí sinh đã có kết quả trên điểm sàn. Nay quy định mới cho các trường nhân hệ số môn chính theo nguyên tắc bình quân điểm xét tuyển có tính hệ số môn chính không thấp hơn bình quân mức xét tuyển cơ bản mà trường đã lựa chọn. Với quy định này, những thí sinh có điểm thi môn chính cao vẫn có thể trúng tuyển mặc dù kết quả 3 môn thi chưa nhân hệ số thấp hơn mức sàn tối thiểu.

Về những điểm mới chủ yếu của chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh chương trình sẽ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thay vì chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng; yêu cầu này chi phối toàn bộ các thành tố trong chương trình giáo dục.

Chương trình được thiết kế theo 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) với đặc điểm tích hợp sâu và giáo dục sau cơ bản (THPT) với đặc điểm là phân hóa mạnh để định hướng nghề nghiệp bằng dạy học tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. Chuyển từ chủ yếu chỉ có hoạt động dạy học trên lớp sang chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng của học sinh.

Đổi mới mạnh mẽ thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục: chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối cùng (chủ yếu là đo lường bằng điểm số) thông qua yêu cầu ghi nhớ kiến thức sang đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục theo yêu cầu đánh giá năng lực học sinh, coi trọng hoạt động đánh giá bằng nhận xét, động viên, hướng dẫn học sinh qua quan sát, kiểm tra hoạt động học, kết hợp đánh giá trong quá trình đánh giá kết quả, đánh giá cá nhân với đánh giá địa phương, đánh giá trên toàn quốc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận ý kiến về các nội dung: thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn sau năm 2015 và vấn đề phân luồng – liên thông trong giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục có những phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng nhấn mạnh, trong xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cái nhìn tổng thể, hệ thống, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Sớm hình thành Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ yếu làm chức năng tham mưu, tư vấn.

Về vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, phải phân tách sách giáo khoa và chương trình, đây là hai vấn đề  khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Về xây dựng chương trình, cần phải có sự thảo luận kỹ, làm thế nào để phát triển năng lực của người học, thông tin mang giá trị cốt lõi, cách tiến hành, tổ chức hoạt động học, làm rõ yêu cầu của đầu ra. Về sách giáo khoa, cần kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiến tới 1 chương trình – nhiều sách giáo khoa. Cần chọn lọc, tập huấn người viết sách giáo khoa. Hình thành các nhóm thẩm định sách giáo khoa.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng hoàn toàn đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn học sinh tự chọn mà Bộ đã đề xuất. Đồng chí cho rằng, tiến tới, học sinh cấp 3 sẽ được tự lựa chọn môn học của mình. Vì đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa việc học cơ bản và học nghề.

Về vấn đề thi và tuyển sinh, cần có sự tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vấn đề này, tránh tình trạng tạo ra tâm lý “học nhiều thi ít”. Đề thi phải được ra theo hướng mở, kiểm tra năng lực người học và sớm tạo ra ngân hàng đề thi.

Về vấn đề phân luồng trong giáo dục, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đề nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tính toán thời gian học hợp lý.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất