(TG)- Sáng ngày 16-10, khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến dự và chỉ đạo Đại hội cùng 350 đại biểu chính thức đại diện hơn 49.000 đảng viên; đại diện lãnh đạo các Ban đảng Trung ương; các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đến tham dự Đại hội.
Trình bày báo cáo tóm tắt chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), đồng chí Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nêu rõ chủ đề của Đại hội X Đảng bộ tỉnh: “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; phấn đấu đưa Kiên Giang thành tỉnh phát triển khá trong cả nước”.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng, khá tòa diện trên các lĩnh vực. Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được phát huy khá tốt hơn. Đã hoàn thành 22/34 chỉ tiêu, trong đó kinh tế 9/17 chỉ tiêu, văn hóa-xã hội 6/9 chỉ tiêu, quốc phòng-an ninh 3/3 chỉ tiêu, xây dựng hệ thống chính trị 4/5 chỉ tiêu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 10,53%/năm. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.515 USD, gấp 2 lần so năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm-thủy sản giảm từ 42,57% năm 2010 còn 35,14% năm 2015, dịch vụ tăng từ 33,04% lên 40,44%, công nghiệp-xây dựng giữ ở mức 24,42% (nếu tính theo giá so sánh năm 2010, theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,41%; GDP bình quân đầu người là 1.725 USD; tỷ trọng nông-lâm thủy sản chiếm 43,10%, công nghiệp-xây dựng chiếm 19,87%, dịch vụ chiếm 37,03%).
Nông-lâm-thủy sản duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 5,75%/năm và giữ vai trò quyết định đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Sản lượng lương thực năm 2015 đạt 4,65 triệu tấn, vượt 31% so với chỉ tiêu nghị quyết, lúa chất lượng cao chiếm 70% sản lượng. Đến nay, đã có 18 xã và huyện Tân Hiệp đạt tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 11,4%/năm, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 75,6% GDP của tỉnh. Phú Quốc đã có sự thay đổi rõ nét và toàn diện trên các mặt, kinh tế tăng trưởng bình quân 27,52%/năm; GDP bình quân đầu người tăng 3,29 lần so với năm 2010; lượng khách du lịch tăng 3,55 lần, doanh thu du lịch bình quân tăng 43%/năm; thu ngân sách bình quân tăng 58%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 20.000 tỷ đồng, tăng 2,74 lần so với năm 2010.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm thực hiện tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,84% năm 2010 xuống còn 2,73% vào năm 2015. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại được mở rộng, hiệu quả nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bước đầu tạo được một số chuyển biến tích cực; công tác cán bộ và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên có chuyển biến tích cực, số cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bình quân hằng năm đạt trên 84% (Nghị quyết 83% trở lên); trên 89% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (Nghị quyết 85% trở lên). Cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện đạt chuẩn trên 96%, xã, phường, thị trấn 54,24%. Tổ chức bộ máy chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động nâng lên. Những kết quả trên đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Báo cáo chính trị trình Đại hội X đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhiệm kỳ 2015-2020: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng thế mạnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển và du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững. Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, đảm bảo ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo.
Các chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu trong nhiệm kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm trở lên. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế: Nông-lâm-thủy sản chiếm 36,3%, công nghiệp-xây dựng 23,4%, dịch vụ 40,3%; GDP bình quân đầu người 3.000 USD trở lên (theo giá hiện hành); sản lượng lương thực đạt 5 triệu tấn trở lên; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.505 tấn (trong đó tôm nuôi 80.000 tấn); giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm; kim ngạch xuất khẩu 01 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng bình quân 15%/năm; 80% đường liên ấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99% hộ sử dụng điện; 50% số xã và thêm 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Thu ngân sách gấp 2 lần trở lên so với năm 2015. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 255.000 tỷ đồng.
Huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 96%/năm; hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016. Giải quyết việc làm từ 35.000-40.000 lao động/năm. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 80%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 90%. Tỷ lệ che phủ rừng nâng lên 12%. Các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; xử lý chất thải nguy hại đạt 75%, chất thải y tế đạt 95-100%.
Hằng năm, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 85%; kết nạp từ 3.000 đảng viên trở lên. Năm 2020 số lượng đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội so với đối tượng đạt 63% trở lên; nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn, chi hội từ khá trở lên đạt 85%.
Xác định các khâu đột phá là: (1) Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; (2) Tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; (3) Xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình Đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh… Đồng thời, đưa ra 8 nhiệm vụ, 4 giải pháp cơ bản nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị./.
Kim Thư