Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/10/2016 8:39'(GMT+7)

Kiến nghị nhiều vấn đề về sản xuất, đời sống

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với đoàn về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt trên 82.000 tỷ đồng, đạt 76,7% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.424 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,75 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước 11.902 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển năm 2016 giao trên 3.131 tỷ đồng, ước giải ngân được 1.600 tỷ đồng, đạt 51,09% kế hoạch giao. Tỉnh đã cấp mới 5 giấy chứng nhận đầu tư FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đăng ký là 24,05 triệu USD; điều chỉnh 5 dự án và thu hồi dự án Nhà máy thép Guang Lian…Toàn tỉnh có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa xã hội phát triển, đời sống nhân dân được tiếp tục cải thiện.

Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; trong đó tập trung xây dựng và ban hành các đề án, cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực hiện các nhiệm vụ đột phá; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách và bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; tăng cường công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển; xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người; phòng chống tham nhũng…

Tỉnh đã có một số k iến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội về sửa đổi bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho phù hợp thực tế địa phương; có cơ chế riêng về vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục có ý kiến với Quốc hội xem xét, cho phép bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hoặc vốn trái phiếu chính phủ để tỉnh thực hiện hoàn thành dự án Hợp phần di dân, tái định cứ Hồ chứa nước Nước Trong; tạo điều kiện bố trí đủ vốn cho tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá và 6 dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản với tổng nhu cầu vốn là 1.330 tỷ đồng; cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm một số đoạn chưa được mở rộng thuộc Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi; bố trí vốn thực thiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B; có giải pháp để địa phương được nguồn thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu; sớm triển khai việc hỗ trợ nâng cấp bệnh viện quân dân y ở Lý Sơn...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển. Cụ thể là: dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang được mở rộng, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được khẩn trương thi công, cầu Cửa Đại, dự án mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ được đầu tư và xây dựng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi, nhất là đảo Lý Sơn tăng mạnh trong những năm gần đây. Vì thế, Quảng Ngãi cần năng động tận dụng lợi thế, đón đầu để có sự phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý, đối với việc xây dựng nông thôn mới, Quảng Ngãi cần quan tâm để các nguồn lực hỗ trợ thiết thực đến người dân; công khai, minh bạch các khoản thu của dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Quảng Ngãi cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư để tạo điều kiện thu hút, phát triển doanh nghiệp. Về những kiến nghị khác của Quảng Ngãi, Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận và sẽ có trao đổi, đề xuất với các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 4/10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Sơn Tây, huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành và Đức Phổ. Tại đây, nhiều ý kiến cử tri cũng tập trung vào một số nội dung như: cần có chính sách cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là trong dịp lễ, Tết; kiến nghị một số công trình có tiến độ xây dựng chậm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân; kiến nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp một số công trình thủy lợi, công trình dân sinh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...

* Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại các huyện Bến Cầu, Châu Thành trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, nhằm ghi nhận những kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri ở huyện Bến Cầu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, xem xét triển khai sớm kế hoạch chuyển đổi công năng của khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để phát triển phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch "treo" trên 10 năm nhưng không triển khai được, các công trình kiến trúc, khu dân cư, siêu thị miễn thuế… đã đóng cửa, bỏ hoang phế; đồng thời tiến hành triển khai nhanh đường cao tốc Bến Thành ( Hồ Chí Minh) – Mộc Bài (Tây Ninh) để thúc đẩy, phát triển kinh tế cửa khẩu. Cử tri cũng bày tỏ lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng trên sông Vàm Cỏ Đông, kiến nghị các ngành cần nỗ lực quyết liệt, xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp cố tình xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Cử tri xã Biên Giới, huyện Châu Thành kiến nghị các ngành, các cấp cần quan tâm đầu tư, sửa chữa các tuyến đường dân sinh ở tuyến biên giới, vì hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tuyến đường xuất hiện “ổ voi” khắp mặt đường và gần như không thể qua lại mỗi khi mưa lớn (có những địa bàn giáp biên gần như bị cô lập với bên ngoài), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cử tri ở xã Thành Long (huyện Châu Thành) cũng phản ánh việc Nông trường mía Thành Long triển khai hệ thống tưới công suất lớn bằng mạch nước ngầm có độ sâu từ 100 đến 200 mét ở nông trường (khoảng trên 1.000 ha mía), đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm chung, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất của bà con vùng biên là rất lớn.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cử tri để kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp tới./.

TG
tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất