Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp giao ban trực tuyến thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/7.
Nông, thủy sản mất giá
Đánh giá 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, so với kế hoạch đầu năm đề ra ở mức 126,1 tỷ USD thì mới chỉ hoàn thành 49% kế hoạch năm.
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm này, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) là do giá của nhiều ngành hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh.
Đơn cử, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, (nhóm này chiếm tỷ trọng 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu).
"Trong 8 mặt hàng nông sản tính được về lượng và giá thì có đến 6 mặt hàng lượng xuất khẩu giảm, chỉ có 2 mặt hàng là nhân điều và hạt tiêu có lượng xuất khẩu tăng tương ứng tăng 15% và 23% trong khi 4 mặt hàng khác là hạt điều, hạt tiêu, gạo và cao su đều giảm mạnh", ông Chinh nói.
Bên cạnh mặt hàng nông lâm sản thì xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ (nhóm này chiếm tỷ trọng 8% kim ngạch xuất khẩu). Đây là một trong những nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu chung giảm sút.
Chỉ ra những bất cập đối với mặt hàng lúa gạo thời gian qua, ông Trần Minh Toại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng, hiện giá gạo trong nước đang thấp hơn Thái Lan hơn 100 USD/tấn, thấp hơn Ấn Độ hơn 50 USD/tấn, do vậy Bộ Công Thương cần thành lập tổ công tác để tìm rõ nguyên nhân và đưa ra biện pháp phù hợp giúp nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tương tự đối với mặt hàng cá tra, ba sa, trung bình người nông dân đang lỗ gần 3.000 đồng/kg, còn giá tôm cũng đang sụt giảm mạnh.
Theo ông Toại, tình trạng bán phá giá các loại nông sản và thủy sản thời gian qua ở Đồng Bằng Sông Cửu Long gây mất uy tín lẫn nhau như thời gian qua là do doanh nghiệp đang thiếu vốn để thu mua hàng hóa trong khi người nông dân thì thiếu vốn để nuôi trồng.
"Áp lực vốn vay đã buộc người nông dân bán nhanh hàng hóa để trả nợ còn doanh nghiệp cũng phải bán bằng mọi giá để trả nợ ngân hàng, chính vòng luẩn quẩn đó đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng đứng giữa trục lợi", ông Trần Minh Toại kiến nghị.
Với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm là 10%, kim ngạch xuất khẩu bình quân 6 tháng cuối năm phải đạt 11 tỷ USD/tháng, trong khi nửa đầu năm, con số này mới đạt khoảng 10,3 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, hiện giá các mặt hàng như nông sản đã chạm đáy, điều này sẽ tạo cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả năm.
Vượt nhờ hàng dệt may, da giày, điện tử
Chỉ ra những thuận lợi cuối năm, theo lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) khởi sắc hơn, hiện nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, điện tử đều đã có đơn hàng ổn định đến hết năm, là cơ sở để xuất khẩu vượt 126,1 tỷ USD như kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nhóm công nghiệp chế biến như linh kiện điện tử, dệt may, da giày đã đem về hơn 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2012 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
"Cùng với tín hiệu khởi sắc về thị trường và dấu hiệu hồi phục về giá, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 sẽ đạt từ 127-128 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính Phủ giao", ông Chinh cho hay.
Bộ Công Thương cũng dự báo, nhập khẩu những tháng cuối năm sẽ nhiều hơn nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, dự kiến cả năm nhập khẩu ở mức 136 tỷ USD và nhập siêu trong năm 2013 khoảng 9 tỷ USD, bằng 7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (8%).
Kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trần Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, việc tăng tỷ giá USD/VND vừa qua sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp trong 6 tháng còn lại.
Ước tính mức điều chỉnh này cộng với việc thực hiện luật quản lý thuế mới từ 1/7 (doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế trước rồi kiểm tra hàng hóa sau) sẽ làm chi phí của tập đoàn tăng xấp xỉ 12%.
Do vậy, theo ông Thịnh cần đưa xăng dầu vào luồng xanh được ưu tiên khi thông quan, đồng thời có thể cho doanh nghiệp được nộp thuế chậm từ 1-2 ngày, nhằm giảm áp lực về nguồn vốn vay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Để hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin, tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành khác xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều.
Đối với chương trình xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên những thị trường tiềm năng, các hàng hóa đang có nhu cầu lớn về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhưng đang gặp khó khăn để đẩy mạnh việc hỗ trợ, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, giúp doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro tại thị trường nước ngoài.
"Các giải pháp hỗ trợ và kích cầu sẽ phải thực hiện đồng bộ thì kế hoạch chung mới đạt kết quả cao nhất", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm.
Đức Duy (Vietnam+)