Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 25/5/2013 16:16'(GMT+7)

Kinh nghiệm phát huy nội lực,ngoại lực ở một số nước

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đạt được sự phát triển hùng mạnh, chính nhờ biết phát huy các nguồn nội lực và tận dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực như: Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Những thành công trong việc phát huy nội lực và ngoại lực của  một số nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN - những quốc gia có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm tự nhiên, xã hội với Việt Nam - đã để lại những bài học quý báu, những gợi mở giúp chúng ta chủ động, tích cực trên con đường hội nhập và phát triển. Bài viết này sẽ khái quát những kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Mailaysia, Philipine là những đại diện tiêu biểu của châu Á đạt được sự phát triển thần kỳ nhờ biết khai thác hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước.

1. Thấy gì qua kinh nghiệm phát huy nội lực, ngoại lực ở các nước

Thứ nhất, trong phát huy nội lực, các nước này đều tập trung trước hết vào việc phát huy nội lực, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất nước. Để làm được điều đó, các nước này đã thực hiện các biện pháp sau:

 Chú trọng xây dựng nhà nước vững mạnh, bài trừ tệ nạn tham nhũng, quan liêu trong bộ máy chính quyền nhằm củng cố sức mạnh nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân

Nhiều nước đã sử dụng các thiết chế tổ chức đặc biệt và các biện pháp khá mạnh để loại trừ tệ tham nhũng, quan liêu. Singapore thành lập Ủy ban (Cục) điều tra hành động tham nhũng CPIB (Corrupt Practices Investigation Bureau) có quyền hạn rất lớn, có nhiệm vụ điều tra các vụ tố cáo tham nhũng của lãnh đạo, công chức, nhân viên trong các khu vực công. Indonesia thành lập Ủy ban Kiểm toán COA (Commision on Audit) có quyền kiểm soát bộ máy hành chính, kiểm tra, kiểm soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến thu, chi, sử dụng các quỹ và tài sản của chính phủ; thực hiện Chương trình loại bỏ bệnh quan liêu DART (Do Away Rad Tape), khuyến khích công dân tố cáo các hành vi, thái độ bất lịch sự, vô kỷ luật và thiếu năng lực chuyên môn của công chức trong bộ máy nhà nước. Trung Quốc đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, đồng thời nổi tiếng với các bản án nghiêm minh, hà khắc đối với tội phạm tham nhũng…

Xây dựng hệ thống pháp lý, tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước

Đa số các nước trên đều quan tâm xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ có tính khả thi cao. Chính phủ chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, điều chỉnh hoạt động của các công ty đa quốc gia để vừa tạo điều kiện cho các công ty này hoạt động hiệu quả, vừa buộc các công ty đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Chẳng hạn ở Singapore, để kích thích hoạt động của các công ty đi vào tự động hóa, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chính phủ đã miễn thuế lợi tức cho các công ty và kéo dài thời gian miễn thuế. Thái Lan miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 8 năm, miễn thuế nhập khẩu tới 90% đối với nguyên liệu. Trung Quốc ưu đãi đặc biệt về thuế, cho thuê đất đai… đối với các dự án đầu tư vào các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp.

Song song với các biện pháp trên, các nước này cũng đặc biệt quan tâm đến việc cải cách hành chính, thực hiện chế độ “một cửa”, phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các cơ quan quản lý các cấp và ngành chức năng, có sự hướng dẫn chi tiết, chu đáo với phương châm phục vụ nhân dân được nhiều nhất. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước được nâng lên, môi trường kinh tế trở nên thông thoáng tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế làm ăn có hiệu quả, mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ ngày càng gần gũi.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Việc đào tạo đội ngũ cán bộ công chức được tiến hành bài bản, dưới nhiều hình thức. Việc tuyển dụng được thực hiện công bằng, minh bạch, nghiêm túc, khắt khe; thậm chí có cơ chế lựa chọn, sàng lọc, đào tạo nhân tài từ nhỏ. Trung Quốc, Singapore, Malaysia đều là những nước có cơ chế phát hiện tuyển chọn nhân tài từ nhỏ; tổ chức đào tạo và sàng lọc để cung cấp cho đất nước những nhà doanh nghiệp tài ba, những nhà khoa học và những chính khách có triển vọng. Nhà nước tinh giảm biên chế theo hướng giảm số lượng nhưng tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; có chính sách lương, thưởng thỏa đáng đảm bảo cho công chức đủ sống và làm việc với tinh thần phục vụ công dân và xã hội tốt nhất, không bị sa ngã, cám dỗ bởi đồng tiền bất chính, cùng với đó là các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chính sách và pháp luật về đạo đức công chức được ban hành và thực hiện nghiêm minh nhằm duy trì tốt các quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa công chức với nhau, giữa công chức với công dân trong công tác và trong đời sống; đặc biệt là việc giữ gìn phẩm chất, danh dự công chức trong một nhà nước pháp quyền. Áp dụng các chính sách này, hiện nay, Singapore trở thành hình mẫu về đào tạo, tuyển chọn, rèn luyện và sử dụng công chức. Công chức Singapore là những người có chuyên môn cao, kiên quyết chống tham nhũng với tinh thần: không cần, không dám và không thể tham ô, tham nhũng.

Huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Ở những nước trên, chính sách khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên song song với việc bảo vệ tài nguyên và nỗ lực tìm kiếm vật liệu thay thế phục vụ sản xuất và đời sống được quan tâm đúng mức. Nhà nước thực hiện tốt các chính sách khuyến khích tiết kiệm và tích lũy nội bộ thông qua mở rộng, cải tạo hệ thống tài chính, chính sách thuế, hệ thống bảo hiểm xã hội…

Một nội lực nữa được khai thác đó là yếu tố văn hóa. Các nước châu Á là những quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo và có một nền văn hóa mang đậm tính đoàn kết cộng đồng: lợi ích cộng đồng đặt trên lợi ích cá nhân, cha mẹ đặt trên con cái, gia đình rất thiêng liêng với tất cả mọi người, lao động được coi trọng hơn hưởng thụ. Do vậy, nhà nước chú trọng chính sách đoàn kết dân tộc, khơi dậy tình cảm, ý thức dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng đất nước. Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế, kiện toàn cơ cấu xã hội gia đình, tạo lập các cơ hội làm ăn, bảo đảm niềm tin vào tương lai, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Bên cạnh việc tập trung quyền lực nhà nước, các nước còn tích cực thực hiện dân chủ hóa xã hội. Chính phủ có các chính sách khơi dậy tính tích cực xã hội, sự chủ động và năng nổ trong các hoạt động của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì thế, nhà nước của các nước này ngày càng củng cố được vị trí quyền lực và huy động được nhiều hơn sức mạnh của cả dân tộc.

Thứ hai, để tranh thủ ngoại lực, một số nước không ngừng xây dựng các quan hệ quốc tế, tranh thủ mọi nguồn ngoại lực cho sự phát triển.

Nhiều nước có chính sách thu hút nguồn ngoại hối từ kiều bào khắp nơi trên thế giới. Nhờ  đầu tư nước ngoài và nguồn ngoại hối này mà các nước có được nguồn lực dồi dào, ngày càng tăng để đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước.

Hàn Quốc thực hiện chính sách “mở cửa” rộng rãi, duy trì chính sách “ngoại giao cân bằng” với các nước, chú ý lựa chọn danh mục đầu tư và nhà đầu tư phù hợp, chủ yếu là các nước, các nhà đầu tư mạnh ở các nước công nghiệp phát triển, đồng thời chỉ tập trung thu hút FDI cho lĩnh vực công nghiệp chế tạo, không khuyến khích đầu tư cho công nghiệp sơ chế do điều kiện tài nguyên khan hiếm.

Trung Quốc đã thu hút được lượng kiều hối rất lớn, năm 1990 chỉ đạt 175 triệu USD, đến năm 2008, kiều hối thu về đã đạt con số gần 50 nghìn tỷ USD (1).

Thứ ba, các quốc gia này đều có những chiến lược sử dụng, phân bổ các nguồn lực hợp lý, hiệu quả để phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng các chương trình mục tiêu chiến lược, không ngừng đổi mới công tác kế hoạch hóa, coi đó là căn cứ để phân bổ các nguồn lực hiệu quả, đạt mục tiêu định hướng phát triển đất nước. Song song với các biện pháp đó, các nước này cũng sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách thuế… để điều tiết các nguồn lực, ưu tiên cho các lĩnh vực trọng tâm (công nghiệp, thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng…) và thắt chặt đối với các lĩnh vực ít lợi ích hơn. Nhờ vậy, nội lực và ngoại lực được khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh được sự dàn trải, lãng phí.

2. Một số gợi mở đối với Việt Nam

Từ kinh nghiệm của một số nước trên, có thể rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển kinh tế xã hội.

Một là, cần phải phát huy vai trò của Nhà nước để huy động, phát triển tối đa nội lực. Muốn vậy, phải đổi mới và xây dựng nhà nước dân chủ, vững mạnh, giữ vững mục tiêu mà toàn dân tộc đã lựa chọn và hướng tới: đi lên chủ nghĩa xã hội. Để làm được điều đó nhà nước cần tiến hành cải cách hành chính; hoàn thiện hành lang pháp lý; bài trừ tệ nạn tham nhũng, quan liêu; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đủ đức, đủ tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế; thực hiện dân chủ hóa xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, thế mạnh đất nước; xây dựng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia.

 Hai là, để có nhiều cơ hội phát triển đất nước, cần phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhà nước trong việc thu hút các nguồn ngoại lực. Muốn vậy, ngoài việc mở rộng các mối quan hệ song phương, đa phương ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường và đời sống quốc tế, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa chính sách thu hút và phát huy nguồn lực từ gần 5 triệu kiều bào Việt Nam tại nước ngoài nhằm tranh thủ mọi ngoại lực cho việc xây dựng và phát triển đất nước.

Ba là, để việc phát huy nội lực và ngoại lực thật sự đạt hiệu quả, cần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với các nguồn lực. Nhà nước cần có chiến lược tổng thể và các chính sách về việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực đồng thời có những định hướng cho việc phát huy nội lực và ngoại lực (phát huy nguồn lực nào, tập trung cho lĩnh vực gì, ở mức độ nào) trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bốn là, hội nhập quốc tế  là quá trình chứa đựng nhiều mâu thuẫn, một mặt tạo ra những điều kiện, thời cơ phát triển cho các nước, mặt khác cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Để việc phát huy nội lực và ngoại lực đạt kết quả, cần thực hiện một số quan điểm có tính nguyên tắc sau: phát huy nội lực và ngoại lực phải bảo đảm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy nội lực, độc lập, tự chủ về kinh tế, chủ động trong hội nhập; bảo đảm sự bình đẳng, cùng có lợi trong hợp tác quốc tế vì mục tiêu chung của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Nhận thức và vận dụng đúng đắn bài học “huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển đất nước”  của Đảng ta tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong việc phát huy nội lực và ngoại lực vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu, là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, đưa đất nước đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

------------------

(1) Bộ KH &â CN: Báo cáo Đề tài KX. 04.08/06-10

 

ThS. Nguyễn Kim Phượng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất