Nhiều cách làm góp phần nâng cao thu nhập của người dân
Ea Kao là xã đầu tiên được công nhận xã NTM của tỉnh Đác Lắc vào tháng 5-2015. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Kao đã đề ra các chủ trương sát với thực tế ở địa phương, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và tổ chức học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Từng đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ xã, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM được phụ trách từng địa bàn, từng tiêu chí cụ thể, theo dõi và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở… Lãnh đạo xã đã mời Công ty Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lúa nước” với quy mô 30 ha cho hàng trăm hộ dân theo hình thức liên kết “bốn nhà”. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Đác Lắc có tổng vốn đầu tư hơn 211 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 183 triệu đồng, còn lại do Nhà nước hỗ trợ.
Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang chuyển giao quy trình xử lý hạt giống, liều lượng phân bón từng thời điểm, giảm liều lượng thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật gieo sạ 12 kg giống/1.000 m2 thay vì 25 - 30 kg/1.000 m2. Kết quả cho năng suất lúa bình quân đạt từ tám đến chín tấn/ha, tăng hai tấn/ha so với phương thức canh tác cũ. Xã phối hợp với các doanh nghiệp như Công ty xuất nhập khẩu cà-phê 2-9 Đác Lắc, Nestle Việt Nam, Ô Lam… thực hiện chương trình phát triển cà-phê bền vững trên diện tích 1.700 ha với hơn 1.000 hộ tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, xã triển khai mô hình điểm nuôi lợn hướng nạc, ngan giống Pháp, cá lăng nhà, cá rô đồng, cá rô đầu vuông thương phẩm… bằng thức ăn viên tổng hợp. UBND thành phố Buôn Ma Thuột mua 132 con bò cái sinh sản trị giá gần 2,4 tỷ đồng cấp cho 120 hộ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong xã để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, đàn bò này phát triển tốt và sinh sản được 64 con bê, nâng tổng số đàn bò toàn xã lên 1.700 con… Thành công của các mô hình này không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn mở ra cho nông dân hướng chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Điển hình như gia đình chị H’Gin ở buôn Tơng Jú là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, con cái thường xuyên đau ốm. Năm 2012, được sự quan tâm của chi bộ, ban tự quản buôn, gia đình chị được hỗ trợ hai con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay hai con bò này đã sinh sản được ba con bê, giúp gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo. Bí thư chi bộ buôn Y Thăm K’buôr cho biết: “Tính cả gia đình H’Gin, cả buôn Tơng Jú có 15 hộ nghèo, gia đình khó khăn được hỗ trợ 15 con bò sinh sản. Đến nay đàn bò này đã sinh sản được 17 con bê, giúp các hộ này thoát nghèo”. Nhờ cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, thu nhập bình quân đầu người của xã Ea Kao năm 2015 tăng lên 25 triệu đồng/năm, gấp hai lần năm 2011 và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,38%.
Kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, chính quyền xã Ea Kao còn tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất. Năm năm qua, toàn xã đã huy động được 296 tỷ đồng để đầu tư các công trình điện, đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi… Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 156 tỷ đồng, vốn tín dụng 25 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp năm tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 109 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, toàn xã đã nhựa hóa và bê-tông hóa được 11,6 km trục đường chính, 34 km đường liên thôn, buôn, 51 km đường ngõ, xóm, 23 km đường nội đồng; kiên cố hóa 45% kênh, mương thủy lợi do xã quản lý; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện, cung cấp điện sinh hoạt cho toàn thể các hộ dân trong xã…
Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao Nguyễn Hữu Quang chia sẻ: Phong trào làm đường giao thông ở xã Ea Kao ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn có sự hỗ trợ rất lớn của nhân dân. Xã chỉ cấp xi-măng tương đương định suất tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/km, nhân dân lo cát, đá và góp tiền làm đường, cách huy động của xã là nhờ doanh nghiệp cho mượn phương tiện và người điều khiển để san ủi, lu lèn nền đường, còn xăng dầu thì người dân đóng góp.
Để tạo sự đồng thuận, xã họp dân vận động các hộ trên tuyến đường được Nhà nước đầu tư chia sẻ với các hộ trên tuyến đường chưa được đầu tư nhưng lại chuẩn bị được bê-tông hóa với mức đóng góp 200 nghìn đồng/hộ; vận động hộ có máy cày, ô-tô đóng thêm 300-400 nghìn đồng nhằm giảm mức đóng góp cho các hộ dân còn lại. Đường làm xong, các hộ dân định cư trên tuyến tự bỏ tiền bê-tông hóa đoạn từ tim đường đến cổng nhà. Với cách làm đó, trong năm năm qua toàn xã có hơn 100 hộ dân tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào, cây trồng, vật kiến trúc trên đất với diện tích 10.000 m2 để làm đường giao thông, trường học và các công trình phục vụ dân sinh. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng 28 km đường ngõ xóm bằng bê-tông; xây dựng mới, chỉnh trang hơn 1.000 căn nhà ở với tổng trị giá hơn 80 tỷ đồng.
Để có được kết quả này, vai trò của cán bộ, đảng viên ở cơ sở là hết sức quan trọng. Họ luôn là người đi đầu trong việc hiến đất mở đường cũng như các khoản đóng góp ở địa phương. Bí thư chi bộ thôn 2 Nguyễn Trọng Trình cho biết: Trước đây, trục đường chính trong thôn chỉ là đường mòn chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe máy, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khi có chủ trương xây dựng NTM, việc vận động nhân dân hiến tặng đất để mở rộng đường gặp nhiều khó khăn, do người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, khi cán bộ, đảng viên trong thôn tự nguyện hiến đất mở rộng đường và tích cực tuyên truyền, chỉ ra cho dân thấy lợi ích của việc mở rộng đường… dần dần người dân tự nguyện hiến tặng đất để mở đường. Ngay sau khi có mặt bằng, UBND xã đã đầu tư bê-tông hóa toàn bộ tuyến đường này rộng năm mét, giúp việc đi lại của người dân rất thuận lợi.
Kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo của Đảng ủy xã Ea Kao là những bài học quý trong việc xây dựng NTM ở các xã nghèo có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.
Công Lý/Báo Nhân Dân