Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 4/6/2016 9:35'(GMT+7)

Sức lan tỏa từ những việc làm cụ thể

UBND huyện Phú Tân (An Giang) trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

UBND huyện Phú Tân (An Giang) trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Việc treo ảnh Bác Hồ nhanh chóng lan rộng thành phong trào trong nhân dân ở hai huyện An Phú, Thoại Sơn ngay những ngày đầu phát động. Bà con tự bảo nhau đi mua ảnh Bác về lồng khung kính, treo trang trọng nơi trang nghiêm nhất trong ngôi nhà. Ông Huỳnh Văn Hay (Ba Hay), 68 tuổi, một nông dân vùng sâu Tân Phú (Thoại Sơn) vui vẻ khoe với chúng tôi về tấm ảnh Bác do đứa cháu học ở TP Hồ Chí Minh mang về tặng. Ông bảo: “Bác Hồ vĩ đại lắm, có công lớn lắm với đất nước, dân tộc”. Ông Ba Hay cả một đời lam lũ với ruộng đồng, chưa một lần được ra Thủ đô, vào Lăng viếng Bác. Nhưng với ông, Bác là niềm tin, niềm tự hào lớn nhất. Cùng với việc treo ảnh Bác Hồ, ở huyện biên giới An Phú còn có phong trào “Nông dân kể chuyện đạo đức Bác Hồ” diễn ra như ngày hội của bà con nơi đây. Từ các em thiếu niên đến những người cao tuổi, đều hăng hái đăng ký tham gia. Do làm tốt công tác tổ chức, cho nên mỗi hội thi có từ 500 đến 600 người tham dự. Đồng chí Lâm Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy An Phú, chia sẻ: “Ban đầu tổ chức, anh em lo lắm. Vậy mà khi phát động, thành công quá đỗi. Từ ấp đến xã tự nguyện bỏ kinh phí, bà con góp thêm tiền, công sức để hội thi thành công. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đã tạo sức lan tỏa lớn trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”. Ông Trần Văn Khoái, ngụ xã Vĩnh Lộc, người cao tuổi nhất đoạt giải cao tâm sự : “Tôi tham gia cuộc thi không phải để lấy giải mà muốn hiểu thêm về tấm gương đạo đức của Bác, để răn dạy con cháu noi theo”. Sau cuộc thi ấy, ông Khoái đã lập một bộ gia quy về việc học tập và làm theo gương Bác cho cả dòng họ tham gia.

Cũng từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “nắm gạo tình thương”, “ống tre tiết kiệm”, “quỹ người nghèo giúp nhau xóa nghèo”... hình thành, nhân rộng và lan tỏa từ đất cù lao Chợ Mới, Phú Tân sang vùng biên giới Tân Châu, An Phú; từ thành thị Long Xuyên, Châu Đốc đến vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên.

Đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, với mỗi cán bộ các cấp, các ngành, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã góp phần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, gần dân, sát dân hơn. Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như giải tỏa đền bù đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, khai thác khoáng sản... Theo đó, Tỉnh ủy An Giang đã giải quyết dứt điểm hàng loạt “điểm nóng” liên quan đến công tác cán bộ, xây dựng Đảng tại Đảng bộ Công an tỉnh, Bệnh viện đa khoa An Giang; đưa ra ánh sáng những sai phạm của nhiều cán bộ ở TP Long Xuyên trong lĩnh vực quản lý đất đai... Chính điều đó đã giúp cán bộ nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đổi mới lề lối, tác phong làm việc; tăng cường đoàn kết nội bộ, góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ đó củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đơn vị, địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Ấm tình quân dân” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, giúp dân xóa nghèo, làm đường, thăm, khám chữa bệnh... Từ phong trào ấy, ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh những chiến sĩ áo xanh “đi dân nhớ, ở dân thương” gần gũi và xúc động. Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với phong trào “Heo đất tình thương” vận động đoàn viên, thanh niên ủng hộ từ hai nghìn đến năm nghìn đồng/tháng, giúp hàng trăm bạn trẻ có công ăn, việc làm, thoát nghèo bền vững. Huyện biên giới Tịnh Biên nổi bật với phong trào sức trẻ xung kích xây dựng nông thôn mới đã làm 146 công trình thanh niên, kinh phí hàng trăm triệu đồng giúp bà con nghèo có những con đường sạch đẹp, mái nhà ấm cúng...

Ở huyện nghèo Tri Tôn, nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu tình nguyện hiến đất, góp tiền, xây dựng cầu, đường... như con đường ra cánh đồng dài hơn 7 km ở Núi Tô và hai cây cầu treo nông thôn trên địa bàn huyện. Ấn tượng hơn nữa là những phong trào sáng tạo ở cù lao Chợ Mới, với “ba không, ba cần, ba quyết tâm” trong cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân, kỷ cương, kỷ luật công chức theo tấm gương của Bác. Nhiều xã phát động phong trào mỗi cán bộ giúp một gia đình thoát nghèo bền vững. Xã Long Điền B có phong trào mua bảo hiểm y tế hỗ trợ người thân có hoàn cảnh khó khăn...

Còn nhiều nữa những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và hình ảnh Bác Hồ luôn hiện hữu, để mọi người dân phấn đấu vươn lên.

Bảo Trị /Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất