Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 15/5/2016 20:54'(GMT+7)

Phụ nữ Nam Định sôi nổi, đa dạng hoạt động “Làm theo” tấm gương đạo đức của Bác

Triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 03), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh triển khai, tuyên truyền sâu rộng, vận động tới đông đảo các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, theo chủ đề hàng năm, bằng những việc làm cụ thể thiết thực. Quá trình triển khai gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, nhiệm vụ chính trị của Hội, đặc biệt là các khâu đột phá và các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội phát động. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010- 2015”, tuyên truyền, vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, phối hợp chặt chẽ

Cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tập trung quán triệt Chỉ thị 03 tới toàn bộ cán bộ, đảng viên các cơ quan đoàn thể của tỉnh, trong đó 100% cán bộ chuyên trách Hội LHPN tỉnh tham gia học tập. Hàng năm chi bộ cơ quan tổ chức cho cán bộ, đảng viên  và quần chúng được học tập các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; qua đó nâng cao tinh thần tự giác, xác định mục tiêu phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cá nhân theo tấm gương đạo đức của Người.

Mỗi cán bộ, đảng viên ghi chép vào cuốn sổ tay làm theo gương Bác (BTV Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh phát hành) nội dung phấn đấu trong năm, trong tháng, ghi nhật ký hàng ngày, tuần những việc làm tốt hiệu quả, những hạn chế cần khắc phục coi đó như người bạn đồng hành chia sẻ trong công tác, học tập và rèn luyện đạo đức lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên hàng năm kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị 03 và việc thực hiện Nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” theo chức trách nhiệm vụ được giao. 100% đảng viên chi bộ cơ quan Hội LHPN tỉnh không vi phạm những điều đảngviên không dược làm, xếp loại đảng viên hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, trong đó có 6/23 đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ được giao.

Các cấp Hội LHPN tỉnh tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị và các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tới 100% cán bộ, chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, báo cáo viên của Hội. Xuất bản Thông tin phụ nữ Nam Định và biên soạn tài liệu sinh hoạt hội viên hàng quý, trong đó có nội dung Chỉ thị và các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để tuyên truyền tới hội viên phụ nữ tại chi/tổ phụ nữ. Triển khai các tài liệu của Trung ương Hội ban hành tới các cấp Hội và hội viên phụ nữ cuốn tài liệu “Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về vấn đề đạo đức và giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ”; tài liệu tập huấn cho giảng viên, sổ tay tuyên truyền viên; áp phích cổ động; đĩa DVD về những ca khúc hát ru, hát dân ca, cổ truyền và tuyên truyền về 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” phù hợpvới từng đối tượng phụ nữ (nữ công nhân viên chức; nữ nông dân; nữ trí thức, nữ thanh niên…). Các chuyên đề được biên soạn lại ngắn gọn theo hình thức hỏi, đáp với nội dung dễ hiểu, gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ để tuyên truyền, phổ biến tới các chi hội trong các kỳ sinh hoạt, tập trong dịp sinh hoạt kỷ niệm ngày sinh nhật Bác hàng năm.

Trong 5 năm, Hội LHPN các huyện, thành phố đã tập huấn, quán triệt nội dung Chỉ thị 03 tới 28.727lượt cán bộ Hội cơ sở và cán bộ chi/tổ phụ nữ. Cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và báo cáo viên của Hội đã tuyên truyền tại 100% chi hội/tổ phụ nữ về nội dung Chỉ thị, Di chúc của Bác và phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội, các cấp Hội và ban nữ công các đơn vị trực thuộc đã tổ chức nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: sinh hoạt câu lạc bộ;  tổ chức gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, diễn đàn; nói chuyên đề; tổ chức các hoạt động về nguồn; tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 100% chi/tổ phụ nữ tổ chức sinh hoạt hội viên, hướng dẫn, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện 3 tiêu chuẩn thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; rèn luyện phẩm chất phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu- Đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, Hội LHPN tỉnh phát động cuộc thi viết tìm hiểu Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Cuộc thi đã thu hút 62.873 cán bộ, hội viên phụ nữ, người lao động, nữ lực lượng vũ trang, công an, giáo viên nữ công nhân viên chức tham gia viết bài dự thi.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục “Phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” thu hút đông đảo nữ thanh niên, học sinh/sinh viên tham gia. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt của hệ thống Đoàn các cấp; Đoàn TN các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh, thu hútgần 500 cán bộ đoàn các cấp trong toàn tỉnh; mời tiến sỹ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, Ban Tuyên giáo Trung ương về trực tiếp tuyên truyền và giao lưu với các bạn trẻ về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Tổ chức Hội thi tìm hiểu về “Phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” tại trường Cao đẳng sư phạm Nam Định, thu hút trên 1.000 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh về dự, cổ vũ. Tổ chức 13 buổi tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; tâm lý lứa tuổi, tình yêu, tình bạn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới trong các trường học; tổ chức diễn đàn “Khi tôi 18”;“Thì thầm tuổi Ô Mai”; triển khai chương trình hướng nghiệp cho con; diễn đàn “Hãy hành động vì bé gái”...  tại các trường PTTH; THCS trên địa bàn tỉnh thu hút trên 5.000 thày cô giáo và học sinh tham gia. Tổ chức diễn đàn “Văn hóa ứng xử của phụ nữ Việt Nam thời kỳ hội nhập”; tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về phổ biến, giáo dục pháp luật về tôn giáo” cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội; tổ chức hội nghị “Gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo quản lý các ngành của tỉnh”… Thông qua các hoạt động đã giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy được vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ rèn luyện, giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ trong đạo đức lối sống gia đình đến văn hóa ứng xử với cộng đồng xã hội. Đồng thời, cũng là diễn đàn giúp cho đội ngũ cán bộ nữ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, những khó khăn trong công tác lãnh đạo quản lý góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Hội LHPN tỉnh và các huyện/thành phố thường xuyên phối hợp với Đài phát thanh truyền hình và Báo Nam Định xây dựng phóng sự, chuyên mục “Phụ nữ Việt”, chuyên trang phụ nữ hàng tháng, thông qua đó tuyên truyền những gương tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong 5 năm đã xây dựng được 11 phóng sự, 16 chuyên mục về hoạt động làm theo Bác của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh; viết 1.544 tin/bài tuyên truyền về mô hình/cách làm hay, gương tập thể, cá nhân trong thực hiện Chỉ thị 03 và 4 phẩm chất phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Kết quả là, toàn tỉnh có 100% chi/tổ phụ nữ tổ chức triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có trên 1,2 triệu lượt cán bộ, hội viên phụ nữ được tuyên truyền giáo dục về phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức, thay đổi hành vi, cách ứng xử và lối sống trong cuộc sống thường ngày, đã có nhiều phụ nữ tiêu biểu được phát hiện, biểu dương và tôn vinh.

Đẩy mạnh hoạt động “Làm theo” 

Trong 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ “Học tập” sang “Làm theo”.

Từ phong trào “Làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy tinh thần tương thân tương ái, thực hành tiết kiệm, phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã tập hợp được 87,5% phụ nữ tham gia gắn bó với tổ chức Hội; tích cực rèn luyện phẩm chất phụ nữ Việt nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước: “Tự tin - Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc; thu hút 415.184 cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện PTTĐ, đạt 96,4%. Trong đó có 347.613 người đạt danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến” (đạt 83,7%), có 92.044 cán bộ, hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc” (đạt 27,2%). Có 308.937 gia đình đạt “Gia đình 5 không, 3 sạch”, đạt 82,6%.

Thông qua phát động các phong trào thi đua và các cuộc vận động, đặc biệt là Đợt thi đua đặc biệt“Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” năm 2012; phong trào “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác, giúp nhau giảm nghèo bền vững” năm 2013, toàn tỉnh đã thành lập được 5.210 nhóm phụ nữ tiết kiệm, thu hút 325.524 lượt phụ nữ tham gia, đạt 82,05%, số tiền tiết kiệm là 81,2 tỷ đồng, hỗ trợ 20.924 phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo; vận động phụ nữ ủng hộ xây dựng 383 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo trị giá trên 16 tỷ đồng; trao thưởng 3.376 xuất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trị giá 1.544.500 đồng. Hàng năm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động nữ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,5%.

Trong phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các cấp Hội đã tích cực vận động được trên 40 nghìn phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh lên 64%; phát huy sáng kiến, xây dựng và duy trì hiệu quả 67 mô hình hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tiêu biểu như mô hình: “Hộ gia đình sản xuất sạch”, “Chi hội phụ nữ 3 sạch xây dựng văn minh đô thị”; “Gia đình gương mẫu”, “Gia đình nông thôn mới”, “Gia đình không có người thân vi phạm Luật an toàn giao thông”; “Tổ phụ nữ nòng cốt vệ sinh môi trường”...Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 3.103 tổ tự quản bảo vệ môi trường do phụ nữ đảm nhận (chiếm 87% số Chi hội của tỉnh). Thông qua các mô hình hoạt động của Hội đã tuyên truyền hội viên, phụ nữ ý thức tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đồng ruộng, góp đất, hiến đất tham gia xây dựng các công trình tại địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm 2014, các cấp Hội tích cực tuyên truyền vận động cán bộ hội viên phụ nữ tham gia đợt vận động ủng hộ “Chung sức vì biển đảo quê hương” với số tiền ủng hộ là 1,3 tỷ đồng nộp về Trung ương Hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình thân nhân kiểm ngư, cảnh sát biển, gia đình chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc với tổng số tiền trên 370 triệu đồng. Bên cạnh đó các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia phong trào làm kinh tế giỏi; “Ngày vì người nghèo”,“Phong trào đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”,v.v.. điển hình như mô hình “Bơ gạo tình nghĩa” ủng hộ phụ nữ nghèo của Hội LHPN huyện Ý Yên, tính riêng năm 2012 đã ủng hộ được 126 triệu đồng và 8.514 kg gạo giúp cho 653 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2014, triển khai thực hiện mô hình “Bữa sáng tình nghĩa” hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại bệnh viện đa khoa huyện, trị giá 25 triệu đồng; Hội LHPN huyện Mỹ lộc đã kêu gọi các tổ chức/doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ hết số nhà dột nát cho phụ nữ nghèo, trong 05 năm qua đã xây dựng được 165 mái ấm tình thương, trị giá trên 8 tỷ đồng; Hội LHPN huyện Hải Hậu vận động trên 10 nghìn hội viên tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện góp phần nâng tỷ lệ bao phủ trên địa bàn huyện đạt trên 70%...Năm 2015, Hội LHPN huyện Nam Trực phát động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm ít nhất 3.000 đồng để ủng hộ phụ nữ nghèo; Hội PN Công an đã thực hiện hiệu quả 02 công trình đó là “Tổ chức hoạt động phát cháo tình nguyện tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh” và “ Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lực lượng quyên góp ủng hộ hoạt động từ thiện tặng vé xe bus miễn phí” cho 72 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Công an tỉnh” với số tiền trên 400 triệu đồng…               

Hoạt động “Làm theo” trong khối nữ công nhân viên chức: phát huy phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, nữ công nhân, viên chức đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, gắn việc thực hiện các tiêu chuẩn thi đua của Hội với cuộc vận động xây dựng người công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành nghề, từng đơn vị. Điển hình như  phong trào thi đua: “Phụ nữ CAND học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ cương, sáng tạo vì an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào “Tự học, tự rèn”; phụ nữ ngành giáo dục - đào tạo với phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; phụ nữ ngành y tế thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” và 12 điều y đức...Từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có 1.650 đề tài, sáng kiến do các chị làm chủ, trong đó có 7 đề tài, 1.300 sáng kiến được áp dụng trong thực tế đời sống làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho đơn vị, địa phương; 95 chị được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 87 chị đạt danh hiệu  “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”, trên 5000 chị đạt danh hiệu“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Việc kết hợp thực hiện Chỉ thị 03 với Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết số 33  khóa XI và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đã phát huy được nội lực của hội viên phụ nữ tạo thành phong trào có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn, nổi bật như huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Thành phố Nam Định, Nghĩa Hưng... Học tập và làm theo Bác phù hợp, thiết thực như phát huy dân chủ, nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết kỷ cương, sát dân, gần cơ sở... được cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia, góp phần tăng cường lòng tin của hội viên phụ nữ và nhân dân đối với Đảng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động của Hội, đạt hiệu quả cao...

Tuy nhiên, một số cơ sở Hội công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa sâu rộng, chưa phong phú; việc phát hiện và tuyên truyền, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt chưa nhiều, chưa kịp thời, chưa có tính thuyết phục. Một số đơn vị, việc “Làm theo” còn lúng túng, chưa có giải pháp, chưa phong phú, mới tập trung ở mô hình tiết kiệm, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ. Một cơ sở Hội chưa linh hoạt trong việc gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiên Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, quy định những điều đảng viên không được làm và quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở, do vậy vẫn còn cán bộ Hội chưa gương mẫu.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tỉnh Nam Định tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong từng hoạt động cụ thể; bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên và cấp ủy cùng cấp để triển khai kịp thời, linh hoạt, phù hợp thực tế địa phương, đơn vị; xây dựng mô hình phong phú phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn thể hội viên phụ nữ, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức Hội và phong trào phụ nữ.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội và hội viên, phụ nữ  gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với với thực hiên Nghị quyết TW 4 (khóa XI); Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng- Trung hậu – Đảm đang” và  thực hiện Chỉ thị 03 với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua; cụ thể hóa nội dung PTTĐ “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho phù hợp, thiết thực, đi vào chiều sâu và có hiệu quả cao. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo chủ chốt các cấp Hội, nhất là người đứng đầu phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên. Tiếp tục duy trì, phát triển và xây dựng các mô hình “Làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập hợp, hướng dẫn hội viên phụ nữ tham gia. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; tổ chức sơ/tổng kết biểu dương, khen thưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Trần Mạnh Quân
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất