Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 25/6/2011 9:39'(GMT+7)

Kinh tế biển, chủ quyền và thực lực

Tàu nhận hàng tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Tàu nhận hàng tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Việc xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng biển và đảo, quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu nhằm sử dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái biển theo yêu cầu đặt ra.

Hướng ra biển

Với vị trí địa lý - kinh tế  thuận lợi, cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển của khu vực Ðông-Nam Á, đồng thời là khu vực thuận lợi cho việc hình thành các cảng biển lớn quốc tế. Vị trí địa lý chiến lược quan trọng đó đã góp phần giúp Hải Phòng liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và trở thành một địa điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Cũng như Hải Phòng, nhiều địa phương ven biển khác trong cả nước đã và đang hướng ra biển với những tiềm năng to lớn từ kinh tế biển. Dọc theo trục bờ biển cả nước có gần 200 KCN được thành lập với tổng diện tích gần 50 nghìn ha. Mặt khác, biển Việt Nam được bao bọc bởi mười nước và vùng lãnh thổ nên rất có lợi thế về giao lưu thương mại quốc tế giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương.

Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), kinh tế biển đã và đang đóng góp một phần rất lớn cho nền kinh tế đất nước. GDP biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 đến 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế 'thuần biển' đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển...

Ðến nay, hầu hết các tập đoàn khai thác cảng biển và vận tải biển hàng đầu thế giới với nhiều dự án xây dựng và khai thác cảng công-ten-nơ đã có mặt tại Việt Nam. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã có khoảng 10 cảng công-ten-nơ lớn đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài, trong đó có những tập đoàn với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm quản lý đứng hàng đầu thế giới cũng đã và đang có những bước chuyển vào hoạt động cảng biển ở Việt Nam. Ðây là tín hiệu tốt cho hoạt động cảng biển Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước chủ yếu bằng đường biển với mức tăng khoảng 20%/năm, trong đó hàng công-ten-nơ tăng 25%/năm. Dải đất miền trung có hơn 600 km bờ biển và nhiều vũng, vịnh thuận lợi để xây dựng cảng biển, nhất là cảng nước sâu. Ngoài những cảng lớn như Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, còn xuất hiện nhiều cảng tiềm năng như Vân Phong (Khánh Hòa), Kỳ Hà (Quảng Nam), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế)... Ở khu vực phía bắc, ngoài cảng Hải Phòng, thời gian qua, nhiều cảng mới ra đời như Vật Cách, Ðoạn Xá, Ðình Vũ, Greenport, liên doanh Transvina, Lê Quốc...

Du lịch biển cũng là một tiềm năng kinh doanh lớn. Tuy nhiên, ngành du lịch biển vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế, chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản vốn là lĩnh vực kinh tế đặc trưng của biển đã đóng góp khoảng hơn ba tỷ USD trong tổng giá trị thủy sản xuất khẩu hằng năm và tạo việc làm cho hơn một triệu lao động trực tiếp và 50 vạn lao động liên quan.  

Khó khăn và thách thức

Có thể nhận định một cách khái quát rằng, sự phát triển của kinh tế biển còn nhỏ bé. Quy mô kinh tế biển Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD (trong khi sản lượng kinh tế biển của Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD). Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, thiết bị còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 1/140 của Xin-ga-po, 1/7 của Ma-lai-xi-a và 1/5 của Thái-lan). Khai thác biển đã đem lại những lợi ích KT-XH bước đầu quan trọng, nhưng việc sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững, trình độ khai thác biển vẫn đang ở tình trạng lạc hậu. Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay, chúng ta vẫn chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Không riêng Hải Phòng, trong phát triển kinh tế biển của cả nước nói chung, những thách thức có thể nhận thấy rõ nhất là quy hoạch bất cập, đặc biệt là quy hoạch không gian biển, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển - ven biển chưa hợp lý...

Từ góc độ nhà quản lý, ông Trần Duy Ðông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) nhận xét, các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động, mặc dù một số khu kinh tế có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối để hình thành mối quan hệ này. Ngoài ra, một số công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển nước sâu, nhà máy điện, nhà máy thép... đã không được tính toán để có sự chia sẻ trong quá trình đầu tư.

Trên thực tế, một số ngành kinh tế biển quan trọng như đóng tàu, khai thác khoáng sản, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ cảng và vận tải biển, du lịch biển chưa có những sản phẩm cạnh tranh quốc tế, công nghệ còn lạc hậu; đặc biệt những ngành có lợi thế cạnh tranh trong tương lai như thăm dò, khai thác tài nguyên đáy biển, dầu khí, điện sức gió, năng lượng mặt trời... chưa được đầu tư nghiên cứu thỏa đáng. Vấn đề quản lý và khai thác tài nguyên vùng bờ hiện nay chủ yếu quản lý theo ngành; chính sách pháp luật thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển... 

Phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh

Tại Diễn đàn kinh tế Biển Việt Nam 2011 diễn ra mới đây trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam 2011, nhiều nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó về tổng thể các ý kiến đều cho rằng cần định hình chiến lược kinh tế biển theo tư duy mới, thực hiện tổng thể ở ba phương diện: khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực hậu cần cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.

TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hiện diện với tư cách một cường quốc về biển (có chủ quyền và có thực lực). Tức là phải có tàu lớn và doanh nghiệp lớn; công nghiệp đóng tàu và ngành vận tải biển (cảng và hàng hải) phải lớn mạnh; kinh tế 'mặt tiền' - đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) phải phát triển mạnh. Chiến lược biển cần được cụ thể hóa hơn nữa để thực thi thuận lợi.

Về tổng thể, cần có đột phá về tư duy kinh tế để đánh giá một cách đầy đủ về các nguồn lực đầu tư, con người, khoa học công nghệ, từ đó ưu tiên các mục tiêu đầu tư cho kinh tế biển. Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra những lợi thế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư nối cánh tay dài, chung tay cùng đất nước, tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo, để biển, đảo mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo Phạm Thanh Hương/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất