Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí
Minh cho thấy, quy mô nền kinh tế số lõi của Thành phố năm 2021 ước đạt
8,27 tỷ USD, chiếm hơn 14% GRDP, dự kiến năm nay đóng góp khoảng 15%
GRDP. Đã có đủ cơ sở để tin rằng, mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng
25% GRDP của Thành phố vào năm 2025 và tăng lên 40% trong năm 2030 hoàn
toàn hiện thực.
THUẬN LỢI, THÁCH THỨC ĐAN XEN
Từ đơn vị đi đầu cung cấp các giải pháp về chuyển đổi số, Giám đốc
Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Misa tại Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hữu
Nguyên cho rằng, việc Thành phố thúc đẩy mạnh kinh tế số là cơ hội
không chỉ cho Misa mà còn cho tất cả các doanh nghiệp ngành công nghệ
thông tin. Đó cũng là cơ hội rất lớn cho cả các doanh nghiệp ngoài công
nghệ thông tin, bởi khi áp dụng công nghệ số vào quản lý, chắc chắn
doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí và đội ngũ nhân sự. Qua đó, năng lực
cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và có thể cạnh tranh được với các
doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế số không chỉ đóng góp về
tăng trưởng mà còn giúp tăng năng suất lao động, cơ hội kinh doanh mới,
tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế, giúp Thành phố phát triển nhanh và bền
vững, người dân giàu có hơn trong tương lai. Đây không phải nhận định
“suông” mà dựa trên cơ sở Thành phố là cái nôi của khoa học và công nghệ
cả nước, có nhiều yếu tố thúc đẩy kinh tế số, nhất là nguồn nhân lực,
các doanh nghiệp công nghệ thông tin, sử dụng kho dữ liệu chuyển đổi số
lớn nhất cả nước.
Thành phố cũng là địa phương đi đầu về ứng dụng thông minh trong
nhiều lĩnh vực, trong xây dựng chính quyền điện tử. Tại Thành phố Hồ Chí
Minh, các công nghệ số mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân
tích dữ liệu lớn và internet vạn vật có thể tạo ra bước nhảy vọt về cơ
sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics đang
phát triển, trở thành xu thế chủ đạo với động lực ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Quản trị (Trường
đại học RMIT Việt Nam), ngoài hạn chế về nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ
thuật số, hiện doanh nghiệp trên địa bàn cũng như cả nước đang đối mặt
nhiều khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang chiếm tỷ
trọng áp đảo. Trong tổng số doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa
(chiếm tới 97% trong tổng số doanh nghiệp) thì doanh nghiệp vừa chỉ
chiếm khoảng 2%, số còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ (75%) và nhỏ (23%).
Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp phần lớn vẫn lạc hậu và chưa đáp ứng
được yêu cầu của các doanh nghiệp dẫn đầu trong chuỗi giá trị, khả năng
đổi mới sáng tạo còn hạn chế,… Hệ quả của các thách thức nêu trên là ảnh
hưởng rất lớn đến năng suất, năng lực cạnh tranh và khả năng chuyển đổi
mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; là lực cản rất lớn trong việc hội
nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo GS. TS. Nguyễn Thị Cành, cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu
kinh tế và tài chính, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), dù Thành phố đã bước đầu xây dựng một khuôn khổ
pháp lý cho phát triển kinh tế số thông qua một số chương trình, đề án
phát triển nhưng chính sách cụ thể thu hút nguồn lực vẫn còn nhiều bất
cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trụ cột quan trọng của kinh
tế số là nguồn nhân lực còn mỏng và trình độ không đồng đều, chưa đáp
ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số ở quy mô rộng khắp. Phát triển
công nghệ số, hạ tầng số còn hạn chế về thể chế và nguồn lực tài chính.
NGUỒN NHÂN LỰC - VAI TRÒ QUAN TRỌNG
GS. TS. Nguyễn Thị Cành dự báo, nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh
tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 5 đến 10 năm tới sẽ dịch chuyển theo
hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Như vậy, nhân lực của Thành phố
sẽ chiếm vị trí cao trong khu vực dịch vụ, các ngành cần đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao phải gắn với kinh tế số và quản lý đô thị thông
minh; trong đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành thương
mại điện tử và công nghệ thông tin cả cho khu vực quản lý nhà nước, khu
vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp; nhân lực cho tài chính - ngân hàng
số; nhân lực công nghệ tài chính (Fintech),…
Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Phạm
Bình An, để phát triển kinh tế số, Thành phố đã đề ra các nhóm nhiệm vụ
về nâng cao nhận thức và kỹ thuật số; phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ
liệu và ứng dụng kinh tế số; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh
mới; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực công nghệ, xây dựng hệ
sinh thái số cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước về phát triển kinh tế số; phát triển kinh tế số trong các ngành,
lĩnh vực,…
Cùng với đó, thành phố xác định tập trung ưu tiên chuyển đổi số tại
10 ngành gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du
lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân
lực; phát triển hạ tầng băng thông rộng đến năm 2025 phủ hơn 95% hộ gia
đình, 100% xã, đến năm 2030 phủ toàn Thành phố và phổ cập 5G.
Là đơn vị trực thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, giữ vai trò
trung gian trong hệ sinh thái chuyển đổi số, hệ sinh thái phát triển
kinh tế số của thành phố, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi
số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) Phan Phương Tùng cho hay, DXCenter
đang chuẩn bị sẵn sàng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ thông tin và
truyền thông (ICT) để cùng với sự hỗ trợ của các hiệp hội, cơ quan, ban,
ngành của Chính phủ triển khai các hoạt động thúc đẩy kinh tế số đi vào
thực tiễn.
Hiện, Thành phố đã tạo điều kiện khá tốt cho kết nối giao thương,
thúc đẩy tăng trưởng phạm vi chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế
số. Chuyển đổi số là vấn đề rộng lớn, để triển khai thành công, ngoài
vấn đề về chi phí, công nghệ, quan trọng nhất chính là sự phù hợp và
hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đơn vị.
Trước mắt, chúng ta cần đặt ra bài toán doanh nghiệp cần những hoạt
động nào để hỗ trợ họ thúc đẩy quá trình điều hành, hoạt động sản xuất
thường ngày. Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Misa tại Thành
phố Hồ Chí Minh Lê Hữu Nguyên chia sẻ, áp dụng công nghệ số cần giải
quyết vấn đề nhỏ trước, không nên làm một cách đồng loạt bởi chuyển đổi
số còn đi kèm theo chi phí, nhận thức của đội ngũ. Nếu doanh nghiệp
không “liệu cơm gắp mắm”, không áp dụng khéo léo thì sẽ khó thành công.
Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu cả nước về nguồn nhân lực công nghệ thông
tin, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Thành phố cần có giải pháp kết
nối được nguồn lực của các doanh nghiệp này với chính quyền thành phố để
giải quyết các bài toán cụ thể, thúc đẩy kinh tế số Thành công.
GS Jason Potts, Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới Blockchain,
Trường đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Dù Thành phố Hồ Chí Minh có lợi
thế hơn các địa phương khác về nguồn cung nhân lực được đào tạo qua các
kênh khác nhau, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực và cơ cấu đào tạo
vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển doanh nghiệp, nền kinh tế số
hiện tại.
Bên cạnh đẩy mạnh các đề án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây
dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng đề án quy
hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số đến năm
2030; trong đó, cần tái cấu trúc hệ thống cơ sở đào tạo nghề nghiệp do
thành phố quản lý và phân loại, sắp xếp các cơ sở đào tạo theo ngành mà
Nhà nước phải đầu tư phục vụ phát triển kinh tế số và dịch chuyển cơ cấu
kinh tế,…
Chuyển đổi số doanh nghiệp có thể mang lại tác động tích cực trong việc tìm lời giải cho các bài toán về năng suất, năng lực cạnh tranh và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta không nên huyễn hoặc về vai trò của chuyển đổi số và từ đó triển khai theo trào lưu như một mốt thời trang để nhận kết cục thất bại. Chuyển đổi số là hành trình gian nan với bất kỳ tổ chức nào, tỷ lệ thành công thường dao động từ 60 đến 80%, vì vậy đơn vị, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng mới hy vọng chuyển đổi thành công.
PGS. Nguyễn Quang Trung, Trường đại học RMIT Việt Nam
|
Cao Tân (nhandan.vn)