Với truyền thống, thế mạnh vốn có của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả
nước, với sự đồng thuận của nhân dân và sự nỗ lực cao nhất của cả hệ
thống chính trị, chắc chắn kinh tế thành phố sẽ phục hồi và phát triển
với một vị thế mới.
Đó là đánh giá của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, diễn ra chiều 8/12.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi
cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2021, thành phố có mức tăng
trưởng GRDP âm 6,78%, đây là điều chưa từng xảy ra trong 35 năm qua. Tuy
nhiên, trong hoàn cảnh đó cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân
sách ước trên 370.000 tỷ đồng, đạt 101,3% so với dự toán, hoạt động tín
dụng-ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định; lượng kiều hối ước đạt
6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; chỉ số VN-Index vượt mốc 1.500
điểm...
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng thực tiễn cho thấy, tổng thể kinh tế thành
phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để có thể vực
dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, đạt mức tăng trưởng
bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm tới.
Bên cạnh những hệ quả về kinh tế-xã hội, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ
ra 3 vấn đề lớn mà thành phố cần đặc biệt quan tâm là vấn đề quản trị
thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên
thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành
phố; đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng
trưởng thành phố trong tương lai.
Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở
ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn
và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho rằng với truyền thống năng
động, sáng tạo vốn có của Thành phố; với lực lượng doanh nghiệp chiếm
gần 40% cả nước; với hạ tầng kinh tế sẵn có của một trung tâm kinh tế
lớn, với sự đồng thuận của nhân dân; sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống
chính trị, chắc chắn kinh tế Thành phố sẽ phục hồi và phát triển với một
vị thế mới. Đây cũng là quyết tâm chính trị để đưa Thành phố Hồ Chí
Minh trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực
phía Nam và cả nước.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố liên quan
đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đánh
giá hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và doanh nghiệp rất
cần nhất ở chính quyền hiện nay là sự thấu hiểu, kịp thời tháo gỡ khó
khăn trước mắt từ chính quyền thành phố và thành phố sẽ nỗ lực thực hiện
nội dung này thời gian tới.
Với khó khăn hiện nay của doanh nghiệp liên quan đến nguồn lao động, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố đã làm việc với các
hiệp hội, các tỉnh, thành phố nơi có đông người lao động rời Thành phố
trở về quê khi giãn cách. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine,
hỗ trợ chỗ ở cho người lao động ngoại tỉnh, đẩy mạnh kết nối cung cầu
lao động; thúc đẩy các trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người lao
động.
Liên quan đến công tác an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành
phố thừa nhận, trong thời gian trước, diễn biến dịch bệnh nhanh, khó
lường, trong khi thành phố chưa chuẩn bị kịch bản an sinh xã hội nên đã
bị động, lúng túng, dẫn đến quá trình thực hiện còn hạn chế.
Thời gian tới, Thành phố nghiên cứu bố trí đủ ngân sách để thực
hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã ban hành. Các ngành chức năng
thành phố và quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục rà soát để cấp
phát cho người dân nhằm đảm bảo đối tương khó khăn tiếp cận được gói an
sinh, giúp người dân phần nào giải quyết được khó khăn do tác động của
dịch bệnh.
Bà
Lê Thị Ngọc Thanh, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố chất vấn Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về công tác hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố về hoạt
động khai thác nguồn vốn cho các dự án phát triển của thành phố trong
thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết thành phố nhận thức nguồn lực
xã hội là cực kỳ lớn và rất quan trọng nên cần cải thiện môi trường đầu
tư, giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm
khơi thông nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm, Thành phố sẽ
rà soát, phân loại để tiến hành kêu gọi đầu tư với những dự án có thể
đầu tư tư nhân hoặc hợp tác công tư. Thành phố sẽ cải cách hành chính,
đồng hành với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, thu hút nhiều hơn đầu
tư tư nhân, bổ sung nguồn lực phát triển cho thành phố.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cũng tiến hành chất vấn đối
với Giám đốc Sở Y tế Thành phố; Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư; Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân quận 7.
Nội dung chất vấn của các đại biểu tập trung vào những vấn đề quan
trọng được cử tri quan tâm như: công tác phòng, chống dịch COVID-19;
hoạt động giải ngân các dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn; các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong
giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế thành phố./.
Xuân Khu (TTXVN)