Pablo Goldberg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của HSBC, nói: "Đây là một phần của giai đoạn hồi phục kéo dài của nền kinh tế toàn cầu".
Cú sốc trong ngành ngân hàng châu Âu và những hệ lụy của nó đang hút luồng vốn đầu tư và tài chính chảy về cựu lục địa, gây ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của thế giới, toàn cầu hóa và cả các nền kinh tế đang phát triển trong nhiều năm tới. Hiện các nhà kinh tế vẫn loay hoay với câu hỏi rằng liệu xu hướng vốn đầu tư "chảy ngược về nguồn" chỉ là một đợt thủy triều xuống nhất thời, hay là sự sụt giảm dài hạn trên thị trường tài chính quốc tế mà có thể khiến tiến trình toàn cầu hóa bị đóng băng.
Trước tình hình trên, các nền kinh tế trên thế giới đã có những động thái để vượt khó.
Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) về phát triển bền vững (Rio+20) đã bế mạc sau ba ngày họp (từ ngày 20 đến 22/6/2012), tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Mặc dù Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận về văn bản chính trị cuối cùng "Vì tương lai chúng ta mong muốn", dài 53 trang.
Văn bản này kêu gọi thế giới thực hiện hàng loạt hành động như: bắt đầu quá trình thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể hóa phương thức nền kinh tế xanh như là công cụ để đạt được phát triển bền vững; thúc đẩy các biện pháp giám sát sự bền vững của các công ty; thực hiện các tiêu chuẩn ngoài tiêu chuẩn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đánh giá tiến bộ của một quốc gia; phát triển chiến lược tài trợ phát triển bền vững, thông qua khuôn khổ tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Lãnh đạo các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussells (Bỉ) ngày 29/6 đã đạt một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, theo đó cho phép áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp để cứu trợ các nền kinh tế trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi cơn bão nợ công (như Italia và Tây Ban Nha).
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết sau cuộc thảo luận diễn ra khá căng thẳng, Eurozone đã đạt được "bước đột phá thực sự" khi cho phép sử dụng các quỹ cứu trợ thường trực theo cách linh hoạt và hiệu quả hơn nhằm ổn định các thị trường và giúp giảm chi phí vay đối với những nước đang gặp khó khăn. Quyết định nhằm trấn an các thị trường tài chính này cũng mở đường cho Quỹ cứu trợ khủng hoảng trị giá 500 tỷ Euro (630 tỷ USD) của Eurozone có thể tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng ốm yếu mà không cần thông qua ngân sách quốc gia tại mỗi nước. Ngoài thỏa thuận trên, các nhà lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên EU đã nhất trí một kế hoạch tổng thể dài hạn nhằm siết chặt quản lý ngân sách và tăng cường đoàn kết chính trị.
Brazil bơm 4 tỷ USD kích thích tăng trưởng
Nhằm kích thích nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính thế giới, ngày 27/6, Chính phủ Brazil công bố một loạt biện pháp, trong đó có gói mua sắm công trị giá hơn 8.400 tỷ real, tương đương 4,1 tỷ USD.
Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên của các nền kinh tế thế giới sau thời gian dài khủng hoảng và trì trệ. Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff tuyên bố kích thích kinh tế này sẽ giúp tăng cường năng lực của chính phủ trong việc duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế. Mặc khác, cũng để kích thích kinh tế, chính phủ sẽ giảm lãi suất tín dụng doanh nghiệp dài hạn từ 6%/năm hiện nay xuống còn 5,5%.
Anh chống chọi suy thoái kép
Nền kinh tế xứ sở sương mù đang phải chống chọi với nhiều khó khăn khi liên tiếp tăng trưởng âm.
Ngày 28/6, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố các số liệu chính thức khẳng định kinh tế Anh bị suy thóai kép với mức tăng trưởng âm 0,4% của quí IV/2011, thấp hơn mức dự báo trước đó là 0,3%. Đồng thời tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tiếp tục tăng trưởng âm 0,3% trong quí I/2012, đúng như đã dự báo.
Hiện Anh đang phải thực hiện chương trình cắt giảm ngân sách công mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và phải đối phó với tình hình đang leo thang trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Nhiều nước phải "thắt lưng buộc bụng"
Quốc hội Tây Ban Nha vừa thông qua dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" năm 2012, với mục tiêu tiết kiệm khoản kinh phí kỷ lục 27 tỷ Euro nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ mức 8,9% hồi năm ngoái xuống còn 5,3% trong năm nay và phấn đầu giảm tiếp xuống mức quy định 3% của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013.
Theo ngân hàng trên, sau khi đã sụt giảm 0,3% trong quý đầu năm nay, kinh tế Tây Ban Nha đang tiếp tục suy giảm với tốc độ nhanh hơn trong quý II. Lòng tin tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang giảm, trong bối cảnh người dân Tây Ban Nha tăng cường "thắt lưng buộc bụng" khiến doanh số bán lẻ tụt dốc mạnh.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thừa nhận kinh tế nước này đang tiến tới giai đoạn "thời tiết bất thường", trong đó nhịp độ tăng trưởng GDP đang chậm lại và tỷ lệ lạm phát đứng ở mức cao.
Theo các số liệu chính thức của Chính phủ Ấn Độ, trong 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế nước này suy giảm nghiêm trọng. Mức tăng trưởng GDP của quý IV tài khoá 2011-2012 (kết thúc vào ngày 31/3/2012) chỉ đạt 5,3% (mức thấp nhất trong 9 năm qua), và tăng trưởng GDP trong toàn tài khoá 2011-2012 là 6,5% (mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây), so với 8,4% của tài khoá 2010-2011.
Trước tình hình cấp bách trên, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, nhằm cắt giảm 10% chi tiêu và kiềm chế thâm hụt ngân sách từ mức 5,76% xuống 5,1%. Các biện pháp này bao gồm cấm bổ nhiệm các chức vụ mới, cấm tổ chức các cuộc họp chính phủ tại các khách sạn năm sao, cấm mua sắm xe mới, hạn chế các quan chức đi nước ngoài cũng như rút ngắn thời gian công tác nước ngoài "đến mức tối thiểu", và hạn chế tổ chức các cuộc triển lãm, hội nghị hội thảo. Tuy nhiên, khoản cắt giảm này không liên quan đến các lĩnh vực như thanh toán lãi suất, lương, trợ cấp hưu trí, mua sắm quốc phòng.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn đưa ra một số biện pháp như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích kiều hối, RBI bán USD trực tiếp cho các nhà nhập khẩu, tăng thuế nhập khẩu vàng, cấm các ngân hàng cho các nhà nhập khẩu vàng vay tiền nhằm hạn chế nhập siêu...
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 25/6/2012, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã công bố một loạt biện pháp mới, nhằm ngăn chặn đà trượt giá của đồng rupee./.
(Lam Chi/VGP News)