Thứ Ba, 15/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 26/1/2010 21:14'(GMT+7)

Kinh tế xã hội tháng đầu năm 2010: Nhiều con số lạc quan

Khởi đầu năm 2010, kinh tế có dấu hiệu khả quan

Khởi đầu năm 2010, kinh tế có dấu hiệu khả quan

Bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội tháng đầu năm đã được đưa ra tại Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư cả nước tháng 1/2010 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Công nghiệp tăng trưởng mạnh

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những tín hiệu hết sức khả quan trong tháng 1.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2010 ước đạt gần 63 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ bằng 95,4% so với tháng 12/2009 nhưng lại tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2009.

Những dấu hiệu khả quan ở ngành công nghiệp còn thể hiện qua việc nhiều địa phương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước như Vĩnh Phúc tăng tăng 92,7%; Phú Thọ 90,1%; Đà Nẵng tăng 66,1%.

Mức tăng trưởng thấp nhất là của Cần Thơ nhưng cũng tăng tới 14,9% so với cùng kỳ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, tháng 1 năm ngoái, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và thêm vào đó là nhiều ngày nghỉ Tết. Năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên trong tháng 1, các ngành công nghiệp đều tập trung sản xuất vào phục vụ cho Tết và các đơn hàng đầu năm.

Nhu cầu tiêu dùng cho Tết Nguyên đán cũng tạo động lực cho ngành dịch vụ, khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 1/2010 ước đạt 121 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng 12/2009.

Ngoài ra, trong hoạt động ngoại thương tháng 1/2010, cả xuất và nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu phục vụ Tết cũng là một nguyên nhân khiến nhập siêu ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Trên lĩnh vực nông nghiệp, đợt mưa khá lớn vừa qua đã phần nào giải "cơn khát" cho sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm đáng kể cho ngân sách để chống hạn cho cây trồng.

So với cùng kỳ năm trước, diện tích gieo cấy lúa đông xuân đã tăng 3,2%, khoai lang tăng 20%, đậu tương tăng 28%, lạc tăng 6%, rau đậu tăng 7,6%. Khai thác thủy sản cũng tăng, với mức tăng 5,6 % và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 4,2%

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số khó khăn do hạn hán, thời tiết rét đậm, dịch hại… Do vậy, các địa phương và ngành liên quan cần tiếp tục các biện pháp cần thiết để đảm bảo sản xuất và giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Ngoài ra, các con số đáng chú ý khác của hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 1 như thu ngân sách đạt khá cao, hơn 41 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9 % kế hoạch năm, lượng khách du lịch đến Việt Nam ước đạt 416 nghìn lượt, tăng 10,6% so với tháng 12/2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

 CPI tăng 1,35%, giá vàng và USD đồng loạt giảm

Đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1 đã tăng 1,36% so với tháng 12/2009, tăng 7,62% so với tháng 1/2009.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI tháng 1 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nhóm hàng hoá và dịch vụ khác với mức tăng 2,24%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,11%; trong đó lương thực tăng tới 4,41%, thực phẩm tăng 1,65%.

Đáng chú ý, trong khi hầu hết các mặt hàng tăng giá thì cả vàng và USD đều giảm giá. Cụ thể, giá vàng đã giảm 2,94% so với tháng 12/2009,  USD giảm 0,11% so với tháng 12/2009.

Theo các chuyên gia kinh tế, những lực đẩy chính của CPI trong tháng 1 bao gồm sự tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần và  việc xăng dầu đồng loạt tăng giá kể từ ngày 14/1 (thời điểm sát Tết khi mà nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng mạnh).

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ phó Vụ Thương mại Giá cả TCTK, mặc dù các tỉnh thành trong cả nước đã có chính sách trợ giá cho một số doanh nghiệp trữ hàng từ hơn một tháng nay nhằm bình ổn thị trường nhưng theo quy luật tiêu dùng “nóng” cuối năm, dự kiến mức tăng giá tiêu dùng tháng 2 sẽ từ 2-2,5%.

Thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với 40 dự án được cấp chứng nhận đầu tư và 3 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, trong tháng 1/2010, cả nước đã thu hút thêm 3,18 tỷ USD FDI, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, vốn FDI thực hiện ước tính đạt 400 triệu USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ.

Dấu hiệu phục hồi trong sản xuất kinh doanh của khu vực FDI cũng ngày một rõ rệt. Trong tháng 1/2010, nếu không kể dầu thô, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 2,1 tỷ USD, tăng 35,4%.

Tuy nhiên, mức nhập khẩu của khu vực FDI cũng tăng cao đáng kể, đạt 2,35 tỷ USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, khu vực FDI đứng thứ 2 (sau khu vực ngoài quốc doanh) về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 29,1% so với cùng kỳ.

Với các con số trên, các chuyên gia hy vọng, kết quả thu hút và giải ngân vốn FDI năm nay sẽ tốt hơn hẳn so với năm 2009.

Một số chỉ số kinh tế - xã hội tháng 1/2010

Các chỉ số

Công nghiệp

Dịch vụ

CPI

FDI

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Giá trị

63.000 tỷ đồng

121.000 tỷ đồng

Tăng 1,35%

so với tháng 12/2009

3,18 tỷ USD

4,9 tỷ USD

6,2 tỷ USD

Tăng

28,4%

(so với cùng kỳ 2009)

3,8%

(so với tháng 12/2009)

71,9%

(so với cùng kỳ 2009)

28,1%

(so với cùng kỳ 2009)

86,6%

(so với cùng kỳ 2009)


(chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất