Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 3/1/2017 17:25'(GMT+7)

Kon Tum coi trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị

Một lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và quần chúng ưu tú của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Một lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và quần chúng ưu tú của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Khép lại năm 2016, cùng với những kết quả đạt được trong các lĩnh vực công tác tuyên giáo, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả đáng mừng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, nhận thức chính trị cho cán bộ đảng viên ở cơ sở.

Thực hiện hướng dẫn số 01-HD/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum về công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2016, ngay từ đầu năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố và ban tuyên giáo/tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban đảng, ngành, đoàn thể xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Trên cơ sở những nội dung cơ bản do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề ra, với kế hoạch khoa học, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, gắn với đặc thù và nội dung cụ thể của mỗi địa phương, ngành, năm 2016, các trung tâm bồi dưỡng chính trị và ban tuyên giáo/tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Kon Tum đã mở được 173 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho tổng số trên 12.192 lượt học viên.

Theo đánh giá chung, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được thực hiện nghiêm túc về nội dung, thời gian và đối tượng học viên. Hầu hết những nội dung giảng dạy đều được giảng viên cập nhật với những nội dung mang tính thời sự, gắn với các quan điểm, chủ trương liên quan đến Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương. Cùng với đó, những vấn đề lý luận mới được Trung ương đề ra, gắn với nhiệm vụ cụ thể của địa phương, ngành, đơn vị cũng được lồng ghép, truyền đạt tới học viên.

Trong quá trình học tập, một số đơn vị cũng đã tạo điều kiện để học viên được đi thực tế, qua đó giúp cho học viên dễ tiếp thu và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, kịp thời cập nhật những nội dung trong khi chờ Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn tài liệu mới, đội ngũ giảng viên đã chủ động lựa chọn đưa vào bài giảng những nội dung phù hợp trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề nổi cộm của địa phương, đơn vị. Nhờ vậy, các bài giảng tăng tính thuyết phục, tạo hứng thú học tập cho học viên; đồng thời đảm bảo giữ đúng định hướng chính trị trong giảng dạy và học tập.

Mặc dù đã được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng trụ sở phục vụ việc học tập tại một số trung tâm bồi dưỡng chính trị vẫn còn thiếu hoặc xuống cấp; hệ thống giao thông đi lại rất khó khăn... Năm 2016, khắc phục những khó khăn này, các trung tâm đã chủ động tăng cường mở lớp bằng hình thức tổ chức học theo cụm xã, để vừa tiết kiệm kinh phí và thời gian đi lại của học viên, vừa linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp lịch học, lớp học... Nhờ phương pháp tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, nên các lớp đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã đảm bảo được thời gian, tiến độ và duy trì được chất lượng dạy và học.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ cơ sở chủ yếu trưởng thành qua thực tiễn, tuy nhiên lại chưa được đào tạo bài bản về trình độ lý luận chính trị. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch, không đồng đều về trình độ nhận thức của học viên. Trước tình hình ấy, một số địa phương đã chủ động phân rã đối tượng học viên, soạn giáo án và xây dựng các bộ đề thi - kiểm tra với hệ thống câu hỏi phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên. Nhờ vậy, quá trình dạy và học đã khắc phục được sự “vênh” về mặt trình độ trong học viên, khả năng tiếp thu của người học được nâng cao hơn trước. Kết quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong tỉnh năm 2016 đã được nâng lên một bước, tỷ lệ học viên đạt loại khá, giỏi khá cao, không có học viên yếu kém. Hầu hết cán bộ, đảng viên cơ sở sau khi tham gia các lớp học đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào trong quá trình công tác; tăng cường nhận thức đúng đắn và niềm tin tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; là hạt nhân tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng tới mọi người dân.

Chất lượng đội ngũ giảng viên chính là một trong những nhân tốt quan trọng nhất góp phần nâng cao kết quả công tác giáo dục lý luận chính trị ở Kon Tum năm 2016. Cùng với chú trọng đổi mới chất lượng, phương pháp giảng dạy - truyền đạt của giảng viên chuyên trách, nhiều đơn vị đã chủ động tham mưu và được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện mời các giảng viên kiêm chức có trình độ kiến thức chuyên môn cao, phương pháp giảng dạy khoa học, nắm vững phong tục tập quán và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương… Do đó, chất lượng nghiên cứu, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình dạy và học đã được nâng cao hơn, có sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, tạo hứng thú cho người học. Một số trung tâm thường xuyên tiến hành dự giờ để qua đó đánh giá, trao đổi, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Tổng số biên chế của trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trong tỉnh năm 2016 là 48 đồng chí. Số biên chế trực tiếp giảng dạy là trên 43%. Tất cả các huyện ủy, thành ủy đều đã thành lập tổ giảng viên kiêm chức với số lượng từ 8 đến 24 đồng chí. Các đảng ủy trực thuộc cũng xây dựng được đội ngũ báo cáo viên đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy khi tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Nhìn chung đội ngũ báo cáo viên, giảng viên chuyên trách và kiêm chức trong tỉnh đều có trình độ chuyên môn cao, trên 95% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị và dày dặn kinh nghiệm thực tiễn...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị của Kon Tum trong năm 2016 vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trước hết là công tác phối hợp giữa một số trung tâm bồi dưỡng chính trị với các ngành, đoàn thể trong việc mở lớp còn hạn chế, số lượng học viên tham gia lớp thường ít hơn so với số đăng ký. Bên cạnh đó, như đã nêu ở trên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhiều trung tâm bồi dưỡng chính trị vẫn còn thiếu hoặc xuống cấp; kinh phí dành cho đào tạo chưa đảm bảo; trình độ học viên không đồng đều... khiến cho công tác dạy và học lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ gặp nhiều bất cập...

Xác định giáo dục lý luận chính trị nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, năm 2017, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn Kon Tum sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản như: tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ chủ chốt cấp xã, phường về công tác giáo dục lý luận chính trị tình hình mới; nâng cao hơn nữa chất lượng mở lớp, thực hiện chiêu sinh đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo; gắn việc đánh giá ý thức, thái độ học tập của học viên với việc đánh giá chất lượng rèn luyện tư tưởng chính trị; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trung tâm cấp huyện đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị. Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng giảng viên kiêm chức; đổi mới và đa dạng hóa các nội dung bồi dưỡng cho từng chức danh và đối tượng học viên; tăng cường đi nghiên cứu thực tế; kiến nghị, đề xuất tăng cường sự quan tâm chỉ đạo khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất…/.

Đào Thị Hiền
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất