Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 30/12/2011 22:30'(GMT+7)

Kỹ nghệ ăn cắp!

(Hình minh hoạ).

(Hình minh hoạ).

Doanh nghiệp nhà nước nào cũng đều có một sức vươn để trở thành cơ quan đầu ngành, hay đầu tàu trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại. Đi kèm với việc đó là mua sắm trang thiết bị và tuyển dụng lao động nhằm tạo ra mối tương thích cho một nền kinh tế công nghệ cao và số hoá. Nhưng đây cũng chính là “lỗ hổng công nghệ” chết người nhất trong các doanh nghiệp khi vấn đề quản lý lao động và phương pháp điều hành vẫn ám ảnh bởi tập quán gia đình. Nhiều doanh nghiệp đang bị “đánh cắp” từ bên trong, dễ nhận thấy nhất là các lĩnh vực: thời gian, viễn thông, internet…. Những yếu tố này kết hợp với ý thức lao động sẽ tạo ra một “kỹ nghệ ăn cắp” trong thời buổi kinh tế hiện đại.

Thật khó hình dung khi các cán bộ ngồi trước máy tính không phải là soạn thảo hợp đồng kinh tế cho cơ quan, nghiên cứu đề án khả thi của dự án, tìm kiếm thông tin cho công việc… mà là truy cập internet để tán gẫu, buôn bán chứng khoán qua mạng, tải các tệp tin, dữ liệu, hay các tác phẩm kinh điển hoặc hiện đại có dung lượng đến hàng ngàn mê-ga-bai cho những mục đích cá nhân.

Điện thoại cơ quan cũng là công cụ, phương tiện được tận dụng nhiều nhất cho những mục đích kinh doanh, hỏi thăm và nói những chuyện trên trời dưới bể, nhìn chung rất vô bổ. Máy tính, máy in - những công cụ gần gũi nhất mà con người ngày nay luôn bị phụ thuộc cho công việc cũng đang bị lợi dụng không thương tiếc, đó là những hành trình in ấn vô tội vạ, in không tiếc giấy của cơ quan. Chẳng mấy thời gian máy móc cũng đi vào suy kiệt, nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng vì tất cả các tài sản đều đang thuộc tập thể quản lý, khai thác và sử dụng, chúng tồn tại theo chu kỳ: hoạt động, thanh lý và mua sắm mới.

Và thời gian, thứ được coi là rất quý cũng đang bị con người nỗ lực đánh cắp, ngoài những chuyện như nêu trên, nhiều người đang coi công sở như nhà mình, bỏ giờ làm việc đến các sàn giao dịch chứng khoán, đi mua sắm, đi shopping, đi lễ đền… không còn là chuyện hiếm.

Xem ra, Nghị định của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí đang bị (hay được) cố tình “vận dụng linh hoạt” hoặc làm cho nó sai lệch đi. Mặc dù bây giờ việc biếu xén phong bì, quà cáp, hay sử dụng rượu ngoại cho tiệc tùng cũng đã giảm, hoặc kín đáo hơn, nhưng mấy ai hiểu rằng phong bì, rượu ngoại chỉ được mang ra sử dụng khi có cơ hội, có dịp (lễ, tết…), còn thời gian, điện thoại, máy tính, internet…được sử dụng hàng ngày, sử dụng đến vô biên, đó mới thật là lãng phí.

Đã đến lúc các doanh nghiệp phải thay đổi dứt điểm cách quản lý lao động, bố trí và sắp đặt lao động cho đúng nghiệp vụ, công việc nhằm tránh dư thừa và lãng phí, quản lý tốt nhất cần tiến hành từ các phòng ban về giờ giấc, đầu việc nhằm phân bổ công việc cho hợp lý, nguyên tắc lao động cần nhất quán để tạo ra ý thức lao động.

Nếu vẫn buông lỏng quản lý, chúng ta khó kiểm soát nổi những “kỹ nghệ ăn cắp” của giới cán bộ trẻ hiện nay. Nhưng, thất thoát lớn nhất cho Nhà nước chính là đội ngũ lao động cốt cán đang dần bị “đánh cắp” ý thức, mà vươn ra biển lớn bằng “một nền kinh tế thiếu ý thức” thì thật khó để lớn lên!./.

Lê Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất