Thứ Năm, 28/11/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 29/4/2017 21:51'(GMT+7)

Kỷ niệm 42 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017)

Ông Nguyễn Tăng Cao Muôn. Ảnh VGP/Hồng Hạnh.

Ông Nguyễn Tăng Cao Muôn. Ảnh VGP/Hồng Hạnh.

Ông Nguyễn Tăng Cao Muôn sinh năm 1950, hiện trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Là con một, cha lại hy sinh khi làm nhiệm vụ, nên ông Muôn thuộc diện được miễn kêu gọi nhập ngũ và được tập kết ra miền Bắc học tại Trường học sinh miền Nam Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).

Trong những ngày đất nước sục sôi, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, năm 1972, ông Muôn xung phong vào "tuyến lửa" B5 Quảng Trị, sát cánh cùng đồng đội ở Đại đội C20, Trung đoàn E66, Sư đoàn 304 Anh hùng.

Ông Muôn bồi hồi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về các chàng trai, cô gái đã không tiếc máu xương hy sinh vì sự thống nhất của Tổ quốc. Gia đình ông còn có 3 anh em con chú, con bác xung phong đi bộ đội và các anh đều hy sinh tại chiến trường Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) trong trận giải phóng Thịnh Đức năm 1974.

Vào tháng 3/1975, ông Muôn cùng đồng đội tiến đánh giải phóng Đà Nẵng, rồi lần lượt giải phóng thị xã Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và thị xã Hàm Tân (tỉnh Bình Tân). Đơn vị ông tiến nhanh về phía nam.

Trong chiến dịch thần tốc ấy, ký ức về những người đồng đội ngã xuống chưa bao giờ thôi khắc khoải trong tim người cựu chiến binh già, cũng như lòng biết ơn đối với tình nghĩa sâu nặng của đồng bào khi bộ đội đi qua.

Ông Muôn nhớ lại chi tiết vào 23h ngày 28/3/1975, khi đại đội của ông đang tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng, một đồng đội của ông là Cao Xuân Chén (quê ở Hà Nam) đã hy sinh tại Ái Nghĩa (tỉnh Quảng Nam). Yêu cầu của chiến dịch là thần tốc, nên đại đội đã rất lúng túng vì không còn kịp thời gian chôn cất cho đồng đội. Gia đình một người dân ở Ái Nghĩa đã dỡ ván nhà làm hòm để anh Chén yên nghỉ sau vườn.

Sau giải phóng, nhiều lần gia đình liệt sĩ Chén vào tìm lại gia đình người dân nói trên nhưng không gặp. Sau 34 năm thất lạc thông tin, vào năm 2009, gia đình anh Chén mới tìm được phần mộ và dời vào nghĩa trang thị trấn Ái Nghĩa.

 


Bức ảnh ghi lại thời điểm các chiến sĩ Trung đoàn 66 tại Dinh Độc Lập được ôngMuôn treo trang trọng trong nhà mình. Ảnh VGP/Hồng Hạnh.

Trong ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau khi tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, theo kế hoạch, đơn vị của ông Muôn trong đội hình Sư đoàn 304 đã tiến vào Sài Gòn theo hướng ngã ba Biên Hòa. Cùng với các đồng đội, ông Muôn là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 66 có mặt Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4 lịch sử. 

Nhắc lại giây khắc chứng kiến lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, ông Muôn xúc động: “Anh em ai nấy đều khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc. Chúng tôi thật sự may mắn hơn nhiều đồng đội khi được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc”.

Từ trên tầng hai Dinh Độc lập nhìn xuống đoàn quân giải phóng và người dân đang hò reo, ông như không tin vào mắt mình: Trời ơi, độc lập đây rồi!./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất