Dạng đề mở, nghị luận xã hội - môn ngữ văn trong đề thi tốt nghiệp quốc
gia năm 2015 tuy không mới nhưng là một thử thách không nhỏ đối với thầy
và trò.
LTS: Lo lắng cho kỳ thi quốc gia, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc
một lần nữa có góp ý. Lần này, ông mong muốn thầy trò cùng vượt qua thử
thách với loại hình đề mở...
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí
& kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, trong kỳ thi “hai trong
một” năm nay, Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan.
Thực ra, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã không ban hành cấu trúc đề thi mà
ban hành hướng dẫn ôn tập. Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá
năng lực, do vậy các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như
trước đây.
Về lâu dài, đề thi sẽ theo hướng kiểm tra năng lực của thí sinh phù
hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng
lực và phẩm chất của người học. Những kinh nghiệm tốt trong công tác đề
thi những năm gần đây sẽ tiếp tục được phát huy.
Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT
và tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước nên thí sinh có thể tham khảo các đề thi
này. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích
là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản
(thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để
tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công
tác tuyển sinh ĐH, CĐ).
Có thể nói, cách ra đề thi những năm gần đây, nhất là đề thi các môn
Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều cải tiến, đổi mới, đi theo hướng mở
để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và
vốn sống của mình vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có
kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình
trạng học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc, được giới chuyên
môn, thầy cô giáo, học sinh và dư luận xã hội đánh giá cao.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi, những người thầy cô giáo đang
trực tiếp dạy học môn Ngữ Văn có một số trao đổi, chia sẻ với độc giả về
cấu trúc đề thi, việc dạy và học môn Ngữ văn.
Theo tinh thần đó, đề thi môn Ngữ văn năm nay tiếp tục cũng sẽ có hai
phần: đọc – hiểu và viết. Cụ thể, kiểm tra kiến thức về tiếng Việt như
chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic…; yêu cầu tóm tắt ý chính
của một đoạn văn cho trước; chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và
tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn văn, thơ cho sẵn.
Phần kiểm tra năng lực viết sẽ đưa ra hai yêu cầu, một câu là viết
bài nghị luận xã hội, một câu là viết nghị luận văn học. Ở câu nghị luận
xã hội, câu hỏi và đáp án có tính mở, có tính chất tích hợp các kiến
thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hoá.
Câu nghị luận văn học thì đáp ứng yêu cầu phân hoá cao, hướng tới
tuyển sinh ĐH. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến
thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác
bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn.
Đáng chú ý, phần đọc hiểu, ngữ liệu của đề thi sẽ nằm ngoài văn bản sách
giáo khoa. Còn phần viết nghị luận văn học, có thể đụng đến những văn
bản văn học không được đưa vào sách giáo khoa.
Cách ra đề thi theo hướng mở và tích hợp như thế, có nhiều cái lợi:
chống được tình trạng học tủ, học vẹt, học thuộc lòng, lạm dụng sách văn
mẫu; đánh giá được năng lực học sinh, phát huy tốt khả năng thông hiểu,
vận dụng, kể cả năng lực phân tích, đánh giá, sáng tạo ở người học.
Có thầy, cô giáo cho rằng thay đổi như vậy là bất ngờ, gây khó khăn
với nhiều học sinh. Nhưng thực ta, thì phần đọc- hiểu, phần nghị luận
xã hội từ lâu đã thể hiện khá “ đông đặc” trong chương trình, sách giáo
khoa mà đối với đại bộ phận giáo viên môn ngữ văn không hề xa lạ về nó.
Hơn nữa, đề kiểm tra, đề thi môn văn các năm gần đây học sinh và giáo
viên đã quá quen với kiểu đề mở, đề tích hợp, đề xã hội rồi.
Đối với người thầy, càng dạy, mới thấy dạy dạng đề mở, kết hợp giữa
văn học và xã hội, đề về xã hội, đời sống, ngoài sách giáo khoa khó hơn
dạng đề văn học, mang tính khuôn mẫu trước đây. Văn bản, nghị luận văn
học, mọi cái gần như có sẵn trong sách, giáo án hết. Còn dạng đề mở, đề
kết hợp, nghị luận xã hội lại mông lung, mỗi đề có yêu cầu riêng, dường
như không có mẫu số chung.
Ngoài kỹ năng, phương pháp, muốn dạy tốt dạng đề mở, đề xã hội, người
thầy cần trải nghiệm, tìm hiểu, huy động nhiều từ vốn sống thực tế và
các phương diện của đời sống. Giáo viên nào, nếu chủ quan, ít chịu khó
đọc, tìm hiểu, sẽ gặp khó khăn trong giảng dạy.
Qua thực tế dạy học, chúng tôi thấy được cái "bí" của học trò, cái
khó của thầy giáo khi "đụng" vào dạng đề mở, đề tích hợp, đề nghị xã
hội. Kể cả, đến lúc đi chấm thi, câu đề mở, đề xã hội cũng là câu khiến
các giám khảo "đau đầu" và "sợ nhất" khi đánh giá, cân nhắc cho điểm.
Đọc nhiều bài làm tốt nghiệp THPT năm vừa rồi của học sinh về câu 1,
phần đọc- hiểu đoạn văn liên quan đến giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm
lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, từ đề thi môn Ngữ văn, các vị giám khảo
chúng tôi từng bất ngờ, ngạc nhiên về những thông tin cập nhật, thời
sự, những ví dụ, số liệu mới lạ của các em đưa vào trong bài.
Về cách hiểu và làm bài dạng đề mở, nghị luận xã hội của học sinh, chúng
tôi nhận thấy, hầu hết thí sinh rất thoải mái, tự tin khi làm dạng đề
đó, bởi lẽ từ chương trình học lớp 6 đến lớp 12, học sịnh đã được học và
thực hành khá nhiều.
Hơn nữa, dạng đề mở, đề xã hội, các em ít bị áp lực phải thuộc nhớ
dẫn chứng, chi tiết cụ thể, chính xác như trong nghị luận văn học. Tuy
nhiên, nó cũng đòi hỏi thí sinh phải biết tư duy, vận dụng, chọn lọc dẫn
chứng, cách thể hiện cho phù hợp với yêu cầu của từng đề mới có được
điểm cao.
Đánh giá về chất lượng làm bài đọc- hiểu, câu hỏi mở, kết hợp nghị
luận văn học và nghị luận xã hội của thí sinh, thầy Bùi Tấn Nam ( thành
phố Quảng Ngãi) giáo viên lâu năm, từng tham gia coi thi, chấm thi tốt
nghiệp, tuyển sinh đại học nhiều lần, nhận xét: "Trong kiểm tra bài viết
tại lớp, lẫn thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, tôi nhận thấy, phần
lớn, các em làm hoàn thành nhanh dạng câu đọc- hiểu, nghị luận xã hội
này trong khoảng 50-60 phút. Tuy nhiên, khi chấm thi, lại thấy ít có
bài viết tốt, hoàn chỉnh. Nhiều bài, thí sinh viết rất lung tung, luận
điểm, ý tứ rời rạc, dẫn chứng quá vụn vặt, so sánh khập khiễng không phù
hợp.
Đặc biệt có nhiều bài rơi vào tình trạng nói chung chung, toàn hô
khẩu hiệu, thiếu những ví dụ, dẫn chứng cụ thể, sinh động, xác đáng. Có
lẽ, nhiều thí sinh, chưa được rèn luyện tốt về kỹ năng và kiến thức đời
sống, thực tế còn hạn hẹp và ở trường, lớp, một số giáo viên dạy văn
chưa có phương pháp tối ưu để hướng dẫn học sinh luyện tập dạng bài đề
mở, đề tích hợp văn học và xã hội.”/.
Theo GDVN