Nhiều nơi căn cứ vào đặc thù và nguyện vọng đăng ký dự thi của học sinh nên lựa chọn phương án tổ chức 2 cụm thi.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
hôm nay (5/3) là hạn cuối cùng Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương
phải gửi phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 về Bộ. Theo
khảo sát của phóng viên cho thấy, năm nay nhiều địa phương lựa chọn
phương án tổ chức 2 cụm thi: Một cụm xét tốt nghiệp và một cụm vừa xét
tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thống kê sơ bộ ban đầu
cho thấy, năm nay, số học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ
nhiều hơn số thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, nhất là
những địa phương có các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa, nhu cầu xét
tuyển Đại học, cao đẳng rất ít.
Tại tỉnh Hà Giang, kỳ
thi THPT quốc gia có 1.800 học sinh trên tổng số 6 nghìn 700 học sinh dự
thi với mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng;
còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp. Tại tỉnh Hòa Bình, sơ bộ có trên
60% số học sinh sẽ chỉ thi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh,
Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào
tạo Hòa Bình cho biết: “Theo dự kiến, báo cáo tỉnh và báo cáo Bộ, Hòa
Bình sẽ tổ chức hai cụm thi. Một cụm thi chỉ dành cho học sinh vừa xét
tuyển vừa tốt nghiệp do các trường đại học chủ trì. Còn một cụm thi do
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ thi xét tốt nghiệp thôi. Với một số
trường báo cáo sớm, hiện nay tỉnh Hòa Bình khoảng trên dưới 40% học sinh
đăng ký vừa tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học. Còn 60% chỉ để dự thi để
tốt nghiệp. Bởi vì là tỉnh miền núi nên các cháu nhu cầu mà đi học đại
học, cao đẳng không phải là nhiều”.
Việc tổ chức 2 cụm thi
sẽ giúp thí sinh bớt vất vả khi phải di chuyển hàng trăm km, vì năm nay
không tổ chức thi liên tỉnh nên số lượng các cụm thi Đại học sẽ hạn chế.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết: “Năm nay, theo tinh thần chỉ
đạo của Chính phủ và của Bộ thì học sinh thi tại địa phương có nhiều
thuận lợi. Trước đây các em phải đi hơn 150 km, rồi lại ăn, ngủ và rất
nhiều các thầy cô giáo phải đi cùng. Bây giờ các em thi tại địa phương
thì ở trong nội tỉnh chứ không phải đi ra ngoài tỉnh nữa. Việc di chuyển
đỡ đi rất nhiều và đương nhiên vợi đi rất nhiều khó khăn. Với phương
châm này, chúng tôi vẫn tiếp tục dành cho học sinh những thuận lợi
nhất. Mỗi một huyện, thành phố chúng tôi đặt một điểm thi. Địa phương
nào có nhiều trường THPT thì tổ chức hai điểm và dự kiến của chúng tôi
có khoảng 14 điểm thi”.
Sau khi lựa chọn phương
án tổ chức thi, các địa phương đang chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và
Đào tạo về cách thức tổ chức kỳ thi, nhất là những địa phương không có
trường đại học cần có sự hướng dẫn cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho thí sinh./.
Theo VOVnews