Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 19/7/2022 17:30'(GMT+7)

Kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng phát triển văn học nghệ thuật cho vùng Tây Nguyên

Vòng xoang đêm hội của người Ba Na (Ảnh Thái Bana)

Vòng xoang đêm hội của người Ba Na (Ảnh Thái Bana)

NỖ LỰC PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VÙNG TÂY NGUYÊN

Đắk Lắk là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm ở trung tâm cao nguyên Trung bộ, dân số khoảng 1,9 triệu người (chiếm 34% dân số Tây nguyên), với 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đắk Lắk có vị trí địa lý, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; là tỉnh có đường biên giới dài hơn 71 km với nước Campuchia, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vùng biên kết hợp với bảo vệ an ninh quốc phòng cả nước. Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về giá trị địa lý, kinh tế, Đắk Lắk còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc thù, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc như Kinh, Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Lào Khmer, Tày, Nùng, Mông, Thái...; là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai với những lễ hội truyền thống, trong đó “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với những điều kiện về kinh tế, văn hóa, địa hình như trên, VHNT tại tỉnh Đắk Lắk có được nền tảng văn hóa truyền thống khá thuận lợi. Sắc thái các dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền đất nước cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ của yếu tố văn hóa. Trong tổng số 332 hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk, có rất nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số, có nhiều tác phẩm sáng tác về người thiểu số và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tạp chí Chư Yang Sin, cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Đắk Lắk trong suốt 32 năm qua cũng đã phát huy được sứ mệnh của mình, là tiếng nói, là sự nối kết giữa VHNT các dân tộc thiểu số với văn nghệ sĩ, công chúng yêu VHNT trên địa bàn tỉnh và khắp cả nước.

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội lần thứ VIII của Hội VHNT Đắk Lắk diễn ra vào tháng 12/2020, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội VHNT Đắk Lắk đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động triển khai theo phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị. Trên cơ sở bài phát biểu quan trọng chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hướng dẫn số 41-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa - văn nghệ năm 2022, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sát sao của Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan ban ngành liên quan, Hội VHNT Đắk Lắk đã triển khai các chỉ thị, nghị quyết, văn bản về phát triển văn hóa đến toàn thể thành viên Ban Chấp hành, hội viên và phổ biến đến công chúng yêu VHNT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phổ biến tinh thần Nghị quyết 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” bằng nhiều hình thức như kết hợp phổ biến tuyên truyền trong các cuộc họp Ban Chấp hành Hội, các hoạt động chuyên môn, phong trào do Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức, qua tạp chí Chư Yang Sin của Hội và nhiều hình thức tuyên truyền chính thống khác.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở Đắk Lắk góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc. Hội VHNT đã tổ chức các triển lãm ảnh về con người, vùng đất và các dân tộc Tây Nguyên; đưa nhiều hoạt động văn hóa dân gian như kể Khan, hòa tấu nhạc cụ dân tộc biểu diễn ở đường phố, tổ chức các tọa đàm về tác phẩm văn học đề tài kháng chiến cách mạng cho thanh niên; tọa đàm trực tuyến về văn học tây nguyên, viết về nhà giáo qua hình thức trực tuyến trên các kênh mạng xã hội,… Nhân Ngày Sách Việt Nam năm 2022, Hội VHNT Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức hoạt động giới thiệu sách “Di sản Hồ Chí Minh - Thư gửi thanh niên” kết hợp với trưng bày ảnh nghệ thuật về tình yêu với sách của các dân tộc cho học sinh, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Với tinh thần phát huy tính giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ngay trong thời điểm đất nước diễn ra đại dịch COVID-19, Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức nhiều chương trình trực tuyến qua internet như tọa đàm văn học nghệ thuật, giới thiệu tạp chí với tác phẩm sáng tác có nội dung tích cực, lạc quan, động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ trên mặt trận phòng chống COVID-19….

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thành ủy Đà Nẵng và Quân khu 5 tổ chức gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật miền Trung, Tây Nguyên.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thành ủy Đà Nẵng và Quân khu 5 tổ chức gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật miền Trung, Tây Nguyên.

KHÔNG NGỪNG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CÔNG TÁC CÁC HỘI VHNT TÂY NGUYÊN

Hội VHNT Đắk Lắk luôn xác định công tác xây dựng tổ chức Hội muốn vững mạnh và phát triển toàn diện phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, luôn giữ vững tôn chỉ mục đích của Hội và của tạp chí trực thuộc Hội. Đây không chỉ là kim chỉ nam của riêng Hội VHNT Đắk Lắk mà còn là mục tiêu chung của các Hội VHNT khu vực Tây Nguyên.

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Hội VHNT khu vực Tây Nguyên đã nỗ lực không ngừng. Thông qua hoạt động sáng tạo đã sáng tác nên các tác phẩm về quê hương, vùng đất. Góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp, quảng bá về hình ảnh và con người của vùng đất đến với công chúng yêu VHNT trong vùng và khắp cả nước.

Mặc dù vậy, mô hình tổ chức các Hội VHNT khu vực còn có một số bất cập nhất định. Biên chế làm việc của các Hội rất ít (trung bình từ 6 đến 9 người). Không đủ để lập 2 phòng/ ban theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ. Vì thế viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan hội phải kiêm nhiệm nhiều việc (công tác Văn phòng và Tạp chí). Đồng thời, cán bộ viên chức làm việc tại Hội không được xác định là công chức hoặc viên chức mà là viên chức khác, không được hưởng phụ cấp công vụ cũng như phụ cấp ưu đãi của ngành. Vì thế, khó thu hút được người trẻ tuổi, có tài, đủ điều kiện tiêu chuẩn, giỏi về chuyên môn, uy tín về đảm nhiệm công tác chuyên trách tại các Hội VHNT.

Đời sống của văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ vùng sâu vùng xa tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều văn nghệ sỹ không trụ lại lâu dài với niềm đam mê VHNTvì gánh nặng của cuộc sống. Những khó khăn ấy đã tác động không nhỏ đến tinh thần, cuộc sống, sự nhiệt tình sống hết mình vì nghệ thuật của văn nghệ sĩ.

Đối với công tác xuất bản Tạp chí của các Hội VHNT, đây là cơ quan ngôn luận, đăng tải các sáng tác nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật, đưa tác phẩm VHNT được công bố, đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, tạp chí VHNT là nơi phát hiện những nhân tố có tài năng VHNT trẻ. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế của báo chí nói chung, tạp chí ở các Hội VHNT tại khu vực Tây nguyên gặp không ít khó khăn như: thiếu hụt trầm trọng đội ngũ chuyên trách thực hiện làm tạp chí, không có hoặc nếu có thì rất ít biên chế. Kinh phí hoạt động thường xuyên hạn hẹp, nhuận bút thấp, công tác phát hành còn hạn chế, tạp chí in ra không phát hành được tới đông đảo công chúng.

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Để làm tốt sứ mệnh, vai trò của VHNT trong sự phát triển của đất nước, trong thời gian tới, cần có sự chỉ đạo về việc tăng cường nhận thức vai trò quan trọng của VHNT trong tình hình mới đến các cấp, các ngành, các địa phương. Đặc biệt, tăng cường nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ về ý thức trách nhiệm với đất nước, nỗ lực sáng tạo tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.

Các cơ quan, ban ngành của Trung ương tạo nhiều điều kiện tốt nhất về kế hoạch kinh phí hỗ trợ sáng tạo VHNT từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ cho hoạt động báo chí VHNT theo Đề án mới thực hiện Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Cần có cơ chế, chính sách cụ thể với các hội VHNT tại các địa phương về hưởng các chế độ phụ cấp công vụ như các đối tượng khác tại các cơ quan nhà nước. Cần có chế tài thu hút người tài giỏi, có năng lực quản lý về công tác tại các cơ quan Hội VHNT, tạp chí văn học nghệ thuật; có các chính sách, chế độ đãi ngộ với văn nghệ sỹ tài năng (nhất là động viên văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số) để kích thích tinh thần sáng tạo, gắn bó và đóng góp cho quê hương, xứ sở.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tạp chí văn nghệ, các Hội VHNT cần tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật; tập trung kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tạp chí, ban biên tập; nâng cao chất lượng chất lượng xuất bản tạp chí của Hội, kết nối tốt với cộng tác viên, hội viên; thực hiện nhiều phương thức quảng bá tác phẩm đăng tải trên tạp chí trên các kênh thông tin đa dạng, phong phú trên internet, website, các mạng xã hội…/.

Nhà văn Niê Thanh Mai 
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất