Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 19/6/2010 22:2'(GMT+7)

Là báo chí cách mạng...

Tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và là người trực tiếp biên tập ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời do nhu cầu tất yếu của cuộc cách mạng đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta.

Trong suốt 85 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành với lịch sử dân tộc, là một bộ phận không thể thiếu của các lực lượng đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc đấu tranh ấy, hơn 400 nhà báo đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cho những thành tựu cách mạng của dân tộc.

Suốt 85 năm lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng nước ta, báo chí đã thực sự giữ vai trò người tuyên truyền, cổ động, người tổ chức tập thể, một trong những động lực của phong trào cách mạng, đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Hàng ngàn nhà báo đã nêu những tấm gương sáng về bản lĩnh, tinh thần chiến đấu, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Ngày nay, công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đang đòi hỏi nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, những nhà báo nói riêng phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện mới.

Trung thành và kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp sáng tạo, có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước

Báo chí là công cụ đắc lực tuyên truyền sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, củng cố nền tảng, hệ tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Báo chí thông tin chính xác, kịp thời về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Báo chí cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện biểu dương những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt.

Đặc biệt, báo chí chủ động tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang là nguy cơ lớn đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Hơn bao giờ hết, báo chí thể hiện bản lĩnh, phẩm chất, vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ các thành quả cách mạng của Đảng.

Báo chí phản ánh một cách trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng như những người bao che, dung túng, tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ấy. Báo chí cách mạng góp phần với Đảng đấu tranh tự phê bình và phê bình với những tư tưởng đạo đức suy thoái, về chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, tham địa vị, ham chức tước, mất đoàn kết,… làm cho Đảng ngày thêm trong sạch, vững mạnh như Bác Hồ dạy.

Làm điều đó, báo chí góp phần tích cực và thiết thực giữ gìn ổn định xã hội, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, các cấp, củng cố lòng tin của nhân dân.

Báo chí đóng góp tích cực vào đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực và trong các đối tượng mà các thế lực nhằm lôi kéo, chuyển hóa. Đây cũng đang là vấn đề mà Đảng mà nhân dân ta rất quan tâm, lo ngại.

Góp phần tích cực nâng cao dân trí, phát triển văn hóa -xã hội đất nước

Ngày nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, báo chí nước ta đã phát triển rất đa dạng về loại hình các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó tạo lợi thế lớn cho các hoạt động cập nhật thông tin, truyền bá kiến thức, nâng cao dân trí các tầng lớp nhân dân.

Báo chí tạo các hình thức giáo dục từ xa, tự nhiên, với nhiều cách hấp dẫn, lôi cuốn sự theo dõi của nhân dân. Báo chí tuyên truyền lối sống, các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc góp phần hình thành con người Việt Nam hiện đại.

Báo chí phê phán những du nhập văn hóa lai căng, lối sống thực dụng, xa rời các truyền thống và bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Trong xã hội công nghiệp, nền kinh tế thị trường sôi động và căng thẳng, báo chí còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu thông tin, văn hóa, giải trí của nhân dân.

Gắn bó với nhân dân, bám sát thực tiễn, lấy nhân dân làm mục đích phục vụ

Hoạt động thực tế của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên các sự kiện thời sự chủ lưu có ý nghĩa quyết định đối với nội dung báo chí cách mạng.  Nhân dân cũng là đối tượng phục vụ trực tiếp, lâu dài của báo chí.

Nhân dân cũng là người thẩm định, đánh giá báo chí qua thái độ tiếp nhận thông tin. Nhân dân lại là người sáng tạo ra lịch sử, thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân dân là đối tượng phản ánh của báo chí. Vì thế gắn bó với nhân dân, bám sát cuộc sống của nhân dân là lẽ tồn tại của báo chí.

Báo chí tồn tại và phát triển trên “miếng đất màu mỡ” là nhân dân, trung thành với lợi ích của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ. Nhân dân lại là người đánh giá về tinh thần, kết quả, thái độ phục vụ của báo chí.

Bác Hồ làm việc với báo Sự thật tại Việt Bắc. Ảnh tư liệu (Nguồn: KTNN)

Giữ vững tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng chung của đất nước

Ngày nay, báo chí nước ta đã phát triển tới mức sâu, rộng, phong phú, đa dạng, đi sâu vào các lĩnh vực, các khía cạnh của cuộc sống. Mỗi cơ quan báo chí đều có chỗ đứng riêng, có đối tượng và phạm vi hoạt động rõ ràng tạo nên sự hoàn thiện, sức mạnh chung của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó chính là lẽ tồn tại của từng cơ quan báo chí cụ thể. Đó cũng là nhu cầu khách quan của cuộc sống đòi hỏi sự đóng góp của từng cơ quan báo chí.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, đã không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, đã dần dần tự đánh mất thương hiệu của mình được xây dựng từ nhiều năm. Họ  vì lợi ích kinh tế thuần túy mà xa rời nhiệm vụ cụ thể của mình bằng cách ra những ấn phẩm, chuyên san, chuyên đề để câu khách, không liên quan tới nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí.

Trong khi đó, cuộc sống, yêu cầu của Đảng lại rất cần cơ quan báo chí ấy đi vào chiều sâu, có đóng góp cụ thể thiết thực trên lĩnh vực cụ thể của mình. Do xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà những cơ quan báo chí như vậy không đáp ứng được yêu cầu. Họ đã làm mất đi bản sắc riêng, làm nhạt nhòa gương mặt tờ báo; tạp chí; phá vỡ trật tự hệ thống báo chí cả nước.

Đảng ta xác định báo chí cách mạng làm cho quần chúng hiểu biết mục đích của Đảng, ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra. Từ đó, nhân dân tin tưởng, đồng tình và đi theo Đảng. Điều đó đặt ra cho mỗi cơ quan báo chí, bằng tôn chỉ, mục đích của mình thể hiện lập trường, bản lĩnh đóng góp theo yêu cầu trên cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng.

Báo chí không thể lợi dụng kinh tế thị trường để ngụy biện cho việc xa rời tôn chỉ mục đích của mình. Mặc dù trong kinh tế thị trường, mỗi cơ quan báo chí phải chăm lo hạch toán để duy trì hoạt động cho tờ báo. Song đó chỉ là điều kiện, còn mục đích của báo chí là phục vụ cách mạng trên phạm vi, lĩnh vực cụ thể của mình được xác định ở vị trí, vai trò, tôn chỉ mục đích cụ thể.

Cuộc sống muôn màu, phong phú, đa dạng và báo chí cũng muôn màu, đa dạng. Mỗi tờ báo, tạp chí cần tô đậm sắc màu riêng của mình, không pha trộn sao chép, lấn sân vì lợi ích kinh tế trước mắt. Có như vậy, mới tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền báo chí cách mạng hiện nay.

Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo chí về phẩm chất và năng lực

Báo chí cách mạng nước ta ngày càng đối mặt với những thách thức của sự phát triển báo chí cũng như xã hội hiện đại. Đồng thời, cũng là thời cơ thuận lợi cho sự phát huy vai trò của báo chí trong điều kiện mới.

Trước tình hình đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí là nhân tố quyết định cho nên Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có năng lực và trình độ làm báo thành thạo.

Người làm báo có vai trò định hướng dư luận xã hội, phản ánh tình trạng xã hội bằng các tác phẩm báo chí của mình. Bởi vậy, mỗi tác phẩm báo chí đều có trách nhiệm xã hội lớn lao thể hiện phẩm chất và năng lực của nhà báo. Nhà báo phải trung thực, khách quan, có bản lĩnh khi phản ánh cái đúng, cái sai với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân và dư luận xã hội.

Cho nên, các cơ quan quản lý, lãnh đạo không thể xem nhẹ việc bồi dưỡng đào tạo về phẩm chất, năng lực những người làm báo. Đặc biệt mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên tự rèn luyện trong hoạt động nghề nghiệp của mình để trở thành một nhà báo tâm thành, minh trí, vừa có tâm vừa có tầm. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chế tài phù hợp để quản lý, xử lý nghiêm với trường hợp vi phạm. Công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ, trong hoạt động báo chí, luôn là đòi hỏi khách quan hiện nay của lãnh đạo và quản lý báo chí; là điều kiện để báo chí phát triển./.

PGS. TS Trần Quang Nhiếp

Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất