Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 14/5/2019 8:43'(GMT+7)

Phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học

Cán bộ làm việc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội).

Cán bộ làm việc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội).

TĂNG CÔNG BỐ KHOA HỌC TRÊN TẠP CHÍ QUỐC TẾ

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), những năm qua, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học đã có bước chuyển biến tích cực. Trong đó, các trường đại học chú trọng khuyến khích và tạo điều kiện để hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu. Vì vậy, các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của hệ thống ISI, Scopus (công bố quốc tế) của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tăng không ngừng trong những năm qua, góp phần đưa xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường đại học tăng lên đáng kể. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” cho biết, qua khảo sát 142 trường đại học trên cả nước đã hình thành được 945 nhóm nghiên cứu (trung bình mỗi trường đại học có gần bảy nhóm). Đóng góp lớn nhất của các nhóm nghiên cứu trong 5 năm qua là tạo ra sự đột phá về chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu. Đến nay, 80% các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh), Duy Tân (Đà Nẵng) trưởng thành trong các nhóm nghiên cứu, khi bảo vệ luận án đều có các công bố quốc tế. Đáng chú ý, qua khảo sát cho thấy, có 65,3% giảng viên tham gia các nhóm nghiên cứu đã có các công bố quốc tế; giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có 10.034 công bố quốc tế thì từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm 2018, công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu cả nước đã là 10.515 bài.

PGS, TS Trần Quốc Bình (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, để phát triển các nhóm nghiên cứu, thời gian qua, trường có nhiều thay đổi trong cơ chế, chính sách. Ngoài nguồn lực từ các đề tài, dự án, trường hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm là 30 triệu đồng cho mỗi nhóm nghiên cứu mạnh và 20 triệu đồng cho mỗi nhóm nghiên cứu tiềm năng; hỗ trợ phòng làm việc, máy tính cho các nhóm... Vì vậy, trong những năm qua, trường đã xây dựng được 10 nhóm nghiên cứu mạnh và một nhóm nghiên cứu tiềm năng với trung bình mỗi nhóm có 4, 5 công bố quốc tế mỗi năm. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu đã tạo ra 11 sản phẩm ứng dụng và ký kết bảy hợp đồng chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm; Trường đại học Khoa học tự nhiên đã được cấp tám bằng sở hữu trí tuệ... Trong khi đó, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang và cộng sự cho biết, nhờ chú trọng xây dựng các nhóm nghiên cứu, từ năm 2017 đến nay, trường đã có 333 công bố quốc tế, tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2011 - 2016. Đáng chú ý, tháng 12-2018, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã thành lập được năm trung tâm nghiên cứu xuất sắc về lĩnh vực khoa học sức khỏe tạo nên hệ sinh thái nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

Thực tế hiện nay các trường đại học vẫn thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt các nhóm nghiên cứu. Nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế, trong khi cơ sở vật chất, thiết bị cho nghiên cứu hiện nay không có hoặc thiếu, không đồng bộ. Theo GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, hiện nay chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành, phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường đại học. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ GD và ĐT cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ việc phát triển mô hình này. Các chính sách cần được xây dựng theo hướng quy định tiêu chí để phân loại các nhóm nghiên cứu; khi ban hành các tiêu chí, xem xét mức đầu tư cần quy định phù hợp với từng đối tượng, cấp độ để bảo đảm không lãng phí, tránh cào bằng, đạt hiệu quả cao nhất.

Theo PGS, TS Trần Quốc Bình, việc phát triển các nhóm nghiên cứu, nhất là nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học, cần thực hiện song song với phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm. Ngoài ra, cần ưu tiên chỉ tiêu và học bổng cho các suất đào tạo sau đại học trong các nhóm nghiên cứu, đi kèm với yêu cầu cao hơn về số lượng và chất lượng sản phẩm khoa học của người học. PGS, TS Đỗ Đức Minh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lãnh đạo các trường đại học cần có chiến lược phát triển và chính sách thỏa đáng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu. Kịp thời phát hiện những nhân tố mới, nhà khoa học trẻ và nhóm nghiên cứu tiềm năng để quan tâm, bồi dưỡng và đầu tư cho nghiên cứu. Các trường đại học cũng cần quan tâm đầu tư bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các nhóm nghiên cứu, nhất là nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy sự thành công trong hoạt động khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Theo Bộ GD và ĐT, những năm qua, nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học đã có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và ý thức về vai trò khoa học công nghệ trong phát triển các trường đại học còn hạn chế. Vì vậy, để phát triển nghiên cứu khoa học, nhất là thực hiện được mục tiêu lấy khoa học nuôi khoa học và tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, Bộ GD và ĐT đang triển khai xây dựng các quy định liên quan phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu... nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.

Mạnh Xuân, Giang Sơn (Báo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất