Thứ Ba, 24/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 14/4/2009 7:28'(GMT+7)

Làm gì để ngăn chặn gian lận thuế?

Ảnh có tính chất minh họa

Ảnh có tính chất minh họa

Liên Bộ Công thương và Tài chính đã truy thu thuế đối với thép nhập khẩu có chứa nguyên tố Bo sau đề nghị của Hiệp hội thép Việt Nam. Bởi thực chất, hàm lượng nguyên tố Bo có hàm lượng thấp, bản chất không khác gì thép xây dựng. Nhìn rộng ra với nhiều mặt hàng khác, thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cán bộ ngành thuế, hải quan và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, tránh thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến vụ thép cuộn nhập khẩu có chứa chất Bo từ Trung Quốc lách thuế nhập khẩu: Sự việc bắt nguồn từ việc một doanh nghiệp tại Hà Nội đã nhập khẩu 26.000 tấn thép chứa chất Bo từ Trung Quốc và khai là thép hợp kim, nhằm hưởng thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, về bản chất, thép này cũng giống như thép xây dựng nhập khẩu thông thường, lẽ ra phải chịu thuế suất 12%. Vụ việc được Hiệp hội thép phát hiện và trình báo cơ quan chức năng điều tra, truy thu thuế. Ngay sau đó liên Bộ Tài chính và Công Thương đã kiểm tra xác minh, phát hiện gian lận và thống nhất truy thu thuế loại thép này ở mức 15% và truy thu cả những lô thép đã nhập khẩu.

Nếu như Hiệp hội Thép Việt Nam không phát hiện thì tình trạng gian lận vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và khi đó hậu quả để lại là thất thu ngân sách Nhà nước. Thông tin đáng lưu ý là theo Bộ Tài chính, với mức bội chi ngân sách năm nay thì nguồn ngân sách đang thiếu hụt lớn và phải mất nhiều năm tiết kiệm chi tiêu mới lấy lại được cân bằng. Một nguy hại khác nữa là việc gian lận thuế này sẽ giúp giá thép nhập khẩu càng rẻ hơn, chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không thể cạnh tranh được, dẫn tới phải ngừng sản xuất sản phẩm này là điều có thể xảy ra.

Từ vụ gian lận thuế thép nhập khẩu nhìn rộng ra các ngành hàng khác cho thấy, khi cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ các hành vi gian lận thuế sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Thứ nhất, ngân sách Nhà nước mất đi nguồn thu rất lớn. Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu với một khoản tiền lớn và nguồn tiền này chủ yếu được lấy từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó nguồn thu về cho ngân sách phần lớn là từ thuế. Nay tình trạng gian lận và thất thu thuế nhiều sẽ dễ làm cho thâm hụt ngân sách tăng cao hơn. Thứ hai, nhiều ngành hàng phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh, nhẹ thì ngành hàng đó sụt giảm lượng bán ra, thu hẹp sản xuất, còn nặng có thể dẫn tới sụp đổ cả một ngành sản xuất trong nước, kéo theo nhiều lao động mất việc làm. Đây là điều rất tai hại.

Câu hỏi được đặt ra là hiện có bao nhiêu mặt hàng bị gian lận thuế? Số tiền từ thất thu thuế này là bao nhiêu? Theo Bộ Tài chính, mỗi năm số tiền mà Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phát hiện sai phạm, truy thu khoản thuế này lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có một phần không nhỏ gian lận thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu. Đây chắc chắn mới chỉ là con số chưa phản ánh đầy đủ về thực tế gian lận thuế hiện nay. Trong nhiều cuộc họp, ngay cả đại diện Tổng cục Thuế và Hải quan đều thừa nhận, tình trạng gian lận thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp. Trong đó gian lận thông qua khai báo mã số và xuất xứ hàng hoá là hai hình thức phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Đây là thực tế đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay. Nước ta đã hội nhập khu vực và nền kinh tế thế giới, theo đó nhiều dòng thuế được cắt giảm và ưu đãi khác nhau. Đây chính là điểm mà các doanh nghiệp làm ăn gian dối lợi dụng để gian lận thuế.

Chính vì thực trạng này mà trong cuộc họp giao ban ngành tài chính mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã yêu cầu ngành thuế và hải quan tăng cường cải cách hành chính thuế; rà soát các khoản thu để thu đúng, thu đủ. Năm nay, thu ngân sách Nhà nước rất khó khăn do giảm nhiều loại thuế hỗ trợ doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu... nên cần siết chặt kiểm tra, tránh gian lận thuế để tạo nguồn thu.

Và tất nhiên để ngăn chặn hiệu quả gian lận thuế, không thể thiếu sự phối hợp và sự chủ động của chính mỗi doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. Bởi hơn ai hết, chính doanh nghiệp, Hiệp hội mới có cơ hội đi sâu, theo sát ngành hàng mình từ đó phát hiện sớm các sai phạm thông báo cơ quan chức năng phối hợp xử lý./.

(Theo VOVnew)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất