Những ngày này, ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp khốn khổ, chạy đôn, chạy đáo tìm nhà in, đặt in hóa đơn, vì nhà in quá tải, in số lượng ít thì nhà in không nhận.
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với từng lĩnh vực của nền kinh tế, rất nhiều chính sách ra đời, được triển khai và đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, nhiều quy định quản lý do các bộ, ngành, địa phương đưa ra thiếu tính thực tiễn, hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến lúng túng cho cả cơ quan quản lý lẫn đối tượng thực thi chính sách.
Cập rập chuyện in hóa đơn
Chỉ còn non nửa tháng nữa là đến thời điểm các doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in, không phải mua của cơ quan thuế như trước nữa. Lẽ ra đây phải là niềm vui lớn đối với các doanh nghiệp, vì không còn phải chạy vạy mua hóa đơn của cơ quan thuế, giảm được rất nhiều thời gian, công sức, và có hóa đơn tự in, doanh nghiệp có được sự chủ động trong sử dụng hóa đơn khi kinh doanh. Về phía Nhà nước, đây là sự cải cách quan trọng, giảm thủ tục hành chính về thuế và chống được nạn mua bán hóa đơn, gian lận thương mại, trốn thuế. Ấy vậy nhưng thực tế hành trình doanh nghiệp tự in hóa đơn không hề đơn giản.
Một lãnh đạo Cục thuế TP HCM thừa nhận, hiện có 48 nhà in trên địa bàn thành phố đăng ký với cơ quan thuế đủ điều kiện nhận in hóa đơn cho doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, con số này ít hơn rất nhiều, bởi có nhiều cơ sở in dù đã đăng ký nhận in hóa đơn nhưng lại chưa trang bị máy móc, thiết bị, nên chắc chắn rằng nếu doanh nghiệp nào giờ mới đi đặt thiết kế, in hóa đơn thì sẽ khó có hóa đơn dùng ngay từ ngày 1/1/2011 như quy định.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp bị động, “nước đến chân mới nhảy”. Bởi lẽ, Nghị định 51 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được ban hành ngày 14/5 năm nay, mãi đến cuối tháng 9 vừa rồi mới có thông tư hướng dẫn. Với một khoảng thời gian ngắn chỉ vài tháng, quá trình từ việc triển khai hướng dẫn từ cơ quan thuế tới doanh nghiệp, cho tới việc doanh nghiệp chủ động mua thiết bị, phần mềm tự in, hoặc đặt in hóa đơn rất cập rập.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 350.000 doanh nghiệp thuộc diện tự in hoặc đặt in hóa đơn. Trong đó chỉ có khoảng 10.000 doanh nghiệp đã quen với tự in và đặt in hóa đơn, theo quy định về các loại hóa đơn đặc thù. Phần lớn còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Doanh nghiệp có vốn pháp định từ 5 tỷ đồng trở lên đã thuộc diện phải tự in hóa đơn. Còn các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể được tiếp tục mua hóa đơn, nhưng đến hết năm 2012 cũng phải tự lo hóa đơn! Với mức xử phạt về vi phạm trong sử dụng hóa đơn theo Nghị định 51 rất nặng, nhiều nỗi lo đặt lên vai doanh nghiệp, từ việc bảo mật thông tin in ấn, đến việc quản lý sử dụng hóa đơn của chính doanh nghiệp mình.
Sự cập rập trong triển khai Nghị định 51 đã đặt cả cơ quan thuế và doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, khi thời hạn triển khai không thể trì hoãn. Và rồi một quyết định đặng chẳng đừng của cơ quan quản lý cũng phải được đưa ra: Ngày 14/12 vừa qua, Bộ Tài chính ra chỉ thị cho cơ quan thuế tiếp tục bán hóa đơn cho doanh nghiệp đủ dùng tới 31/03/2011, trong thời gian các doanh nghiệp “xếp hàng” chờ in hóa đơn.
Và ngẫm chuyện hôm qua…
Việc quá tải người giao dịch tại các chi cục thuế, các nhà in khi triển khai Nghị định doanh nghiệp tự in hóa đơn những ngày qua khiến người ta liên tưởng tới tình trạng tắc nghẽn giao thông khi tiến hành quy định xử phạt lái xe đầu kéo sơmi rơ-mooc không có bằng FC hồi tháng 6 vừa qua, tuy đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Cũng do cách triển khai cập rập của cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Giao thông - Vận tải, đến thời hạn xử phạt, mới “lộ” ra thực tế số người điều khiển phương tiện chưa chuyển đổi bằng còn rất lớn, nếu phạt hết các trường hợp vi phạm, sẽ dẫn đến đình trệ giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ đã phải gia hạn xử phạt lái xe sơmi rơ-mooc chưa có bằng FC thêm một năm, tức là tới ngày 1/6 sang năm, để có thời gian “chuẩn hóa” số lái xe này.
Chuyện cấm xe ba gác, xe tự chế ở TP HCM những năm trước cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi phải vài lần hoãn mốc thời gian thực hiện. Rồi mới đây nhất là chuyện hoãn tăng vốn điều lệ của các Ngân hàng thương mại, trong nỗ lực nâng cao khả năng an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Việc hoãn thực hiện xử phạt lái xe sơmi rơ-mooc không có bằng FC, hoãn thời hạn tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, cập rập trong triển khai thực hiện việc doanh nghiệp tự in hóa đơn trước hạn chót 1/1/2011… đã khiến nhiều người nghi ngờ về sự nghiêm túc của những người xây dựng chính sách.
Rõ ràng, khi thiếu sự khảo sát khoa học, cân nhắc tác động của chính sách, rồi lộ trình triển khai, thì việc đưa ra những quyết định quản lý mang tính mệnh lệnh hành chính sẽ dẫn đến việc quyết định khó được thực thi hiệu quả, hoặc quyết định ra rồi hoãn đi hoãn lại hoặc “để đấy”, dẫn đến giảm hiệu lực quản lý, “phép nước” dễ bị nhờn!
Câu chuyện thành công trong quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong việc tổ chức triển khai một chủ trương, chính sách quản lý của Nhà nước./.
(Theo: Ngọc Diệu/VOV)