Thứ Tư, 27/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 10/12/2010 10:2'(GMT+7)

Tâm tư của các "ông đốc" khi dời bệnh viện ra ngoại thành!

PGS TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức : Hãy giảm tải bằng cở sở 2

Đường Phủ Doãn dài chưa đầy 1km mà có tới 2 bệnh viện lớn là Việt Đức và Phụ sản Trung ương nằm cạnh nhau. Trên vỉa hè của đoạn đường này lúc nào xe cộ và người thăm nuôi cũng chật như nêm. Chẳng thế mà phải có tới 3 chốt công an, dân phòng để làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông.

Trước thực trạng như vậy, chủ chương di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội thành nhằm giảm tải giao thông nội thành được người đứng đầu bệnh viện Việt Đức ủng hộ. Tuy nhiên PGS TS Nguyễn Tiến Quyết lưu ý: Muốn làm được phải có lộ trình, không phải chuyện 1-2 năm.

TS Quyết cho rằng, cơ sở y tế, trường học phải gần dân, ở đâu có dân thì phải có trung tâm y tế, trường học. “Nhiều người bệnh gọi bảo chúng tôi cố ở lại để phục vụ dân”, ông cho biết. Vậy nên, chúng ta nên giảm tải bằng cách xây dựng cơ sở 2 lớn hơn ở ngoại thành. Cơ sở nội thành thì nên nâng cấp, hiện đại hóa chứ không mở rộng quy mô.  

Về phương án di dời bệnh viện ra ngoại thành, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức hoài nghi: “Ai cũng mong sự tốt đẹp, nhưng bài toán có giải được không khi chúng ta chưa mạnh về tài chính, chế tài. Chỉ với phương án di dời liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề?”.

Là người từng đi thăm nhiều bệnh viện lớn ở các nước, ông Quyết cho rằng việc bố trí các bệnh viện lớn trong nội thành hoàn toàn khả thi nếu có hạ tầng giao thông tốt. Ông dẫn chứng: bệnh viện Charite ở Đức có tới 3000 giường bệnh nằm ở ngay trung tâm Berlin, hay Bệnh viện 3500 giường nằm ở trung tâm Đài Bắc (Đài Loan).

TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K,: Di dời cần theo lộ trình, theo ngành

Theo Phó giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn (đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư): Việc chuyển bệnh viện hay giảm tải ở cơ sở y tế nội thành nên làm theo lộ trình, theo ngành. Ví dụ các bệnh viện truyền nhiễm có thể ưu tiên chuyển trước, các loại khác như chấn thương, ung thư… thì từng bước giảm tải ở trung tâm song song với xây dựng thêm cơ sở mới.  

Mặt khác, theo TS Thuấn thì Bệnh viên K có lịch sử lâu đời (từ năm 1923), kiến trúc cũng từ thời Pháp để lại nên ông đề xuất: “Cơ sở ở Quán Sứ có thể chuyển sang viện nghiên cứu để vừa điều trị và vừa nghiên cứu nhằm nâng cao ứng dụng thành tựu công nghệ cao trên thế giới vào việc chữa ung thư ở VN, đồng thời cũng là trả lại tên khởi nguồn của nó là Viện Radium Đông Dương. Như vậy vừa giữ được ý nghĩa lịch sử, vừa giảm tải được mật độ giường bệnh ở trung tâm, vừa đáp ứng được vấn đề ở đâu có dân thì ở đó có bệnh viện.

Ngoài ra, ông Thuấn còn  ái ngại với việc di dời bệnh viện sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của phần lớn cán bộ vốn từ lâu đã gắn liền với cơ sở của Viện. Nhiều cơ sở y tế đã đi sâu vào tiềm thức người dân, ví dụ nói đến cấp cứu ngoại khoa người dân nghĩ ngay tới Bệnh viện Việt- Đức, nói đến tim mạch, hồi sức cấp cứu… nghĩ ngay tới Bệnh viện Bạch Mai… nên việc di chuyển sẽ gây ra những xáo trộn, khó khăn nhất định.

Ông Nguyễn  Đức Thành, Phó giám đốc Viện Mắt Trung ương : Sẽ có nhiều xáo trộn, khó khăn

Cùng tâm tư với Phó giám đốc Bệnh viện K, ông Phó giám đốc Viện Mắt Trung ương Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnh: Việc di dời có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sinh hoạt của cán bộ công nhân viên vì “đã quen với chỗ đấy, nhà cửa đều gần đó, ai chả phải lo gia đình…”.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Thành vẫn cho rằng “cái được” của việc di dời viện là giúp giảm tải mật độ giường bệnh. “Chắc chắn sẽ giải quyết được chuyện nằm ghép, một vấn đề tồn tại dai dẳng ở các bệnh viện tuyến trung ương hiện nay” - ông Thành nói.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trong nội thành hiện có 43 cơ sở y tế cần được xem xét di dời, trong đó có 13 bệnh viện cấp trung ương, 4 bệnh viện bộ ngành, 13 viện nghiên cứu, và 13 bệnh viện cấp thành phố.


Theo Bee.net
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất