Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 6/9/2015 9:42'(GMT+7)

Làm sáng thêm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Mô hình “khu vườn tình thương” do ông Nguyễn Văn Lình, 77 tuổi, cán bộ hưu trí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy khởi xướng. X ã Thanh Hòa vốn là vùng căn cứ kháng chiến, bị bom đạn quân thù tàn phá nặng nề, đất hẹp, cuộc sống của người dân còn nghèo khó. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Lình đã nảy ra ý tưởng xây dựng những “khu vườn tình thương”, tặng hộ nghèo "chiếc cần câu" để thoát nghèo. Mô hình có sự tham gia chung sức của cộng đồng xã hội cũng như bản thân hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi; trong đó, đối với các hộ nghèo hoặc cận nghèo có đất nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật để cải tạo, trồng các cây ăn quả có giá trị, ông Lình đã vận động mọi người giúp ngày công lao động, cây con giống, kỹ thuật chăm sóc…

Ông Lình lý giải: Mục đích là biến những khu đất hoang sau khi cải tạo sẽ cho thu hoạch nông sản có giá trị, tăng thu nhập cho nông hộ, tạo điều kiện để bà con vượt qua khó khăn. Đây là giải pháp tích cực, hiệu quả nhất nhằm xóa tâm lý hộ nghèo, thụ động trông chờ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực vươn lên của bà con.

Ý tưởng của ông được các cấp, các ngành và nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ. Tìm hiểu thực tế tại địa phương, ông nhận thấy rằng cây mít siêu sớm là một cây ăn quả dễ trồng, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế. Xuất phát từ đó, ông Lình hỗ trợ hộ nghèo cải tạo vườn, trồng chuyên canh mít siêu sớm. Ban đầu, ông chọn 20 khu vườn của 20 hộ nghèo xây dựng mô hình thí điểm. Sau một năm triển khai, nhận thấy hiệu quả và lợi ích thiết thực mang lại, ông nhân rộng thêm 69 mô hình tại 69 hộ nghèo trong xã. Sau 2 năm, tại xã đã có 89 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Lình chọn thêm cây cam dây - cũng là một trong những cây trồng xóa nghèo ở Tiền Giang đưa vào xây dựng thêm 28 "khu vườn tình thương". Đến năm 2015, ông đã vận động các cấp, các ngành, nhân dân đóng góp xây dựng được 119 "khu vườn tình thương" giúp hộ nghèo. Ngoài công sức vận động, tuyên truyền, ông còn trực tiếp góp 52 ngày công lao động, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ủng hộ 3.200 cây con giống trên tổng diện tích 6,9 ha với tổng trị giá thành tiền khoảng trên 20 triệu đồng.

Qua khảo sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang và các ngành liên quan, sau 5 năm triển khai xây dựng, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực; trong đó có 85 “khu vườn tình thương” trồng mít siêu sớm cho thu nhập thấp nhất là 4 triệu và cao nhất 10 triệu đồng/vườn/năm, đời sống hộ nghèo, cận nghèo tại Thanh Hòa đã nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững nhờ thu nhập ổn định từ thu hoạch nông sản kết hợp làm thuê, làm mướn, sản xuất…Trong năm qua, toàn xã có 27 hộ được xét công nhận thoát nghèo, 11 hộ thoát nghèo nhờ "khu vườn tình thương".

Ông Huỳnh Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang cho biết, ông Nguyễn Văn Lình là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang phát động giai đoạn 2010 - 2014. Mô hình “khu vườn tình thương” là một trong những mô hình giúp xóa nghèo độc đáo và sáng tạo. Qua mô hình đã khơi dậy tinh thần tự lực, phát huy tiềm năng đất đai, lao động để vươn lên thoát nghèo bền vững của những hộ nghèo, cận nghèo tại xã Thanh Hòa. Ý tưởng sáng tạo và tâm huyết của ông Nguyễn Văn Lình đã làm sáng thêm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Lình chia sẻ: Tôi rất vui khi mô hình “khu vườn tình thương” đã thực sự đi vào đời sống, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, tôi tiếp tục sáng tạo thêm nhiều mô hình giảm nghèo nông thôn như may túi xách, chăn nuôi gia đình…, đồng thời vận động hộ nghèo, cận nghèo tích cực khai phá vườn tạp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những khu vườn chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Tâm huyết, suy nghĩ, hành động của ông Nguyễn Văn Lình, một cán bộ hưu trí cả đời theo Đảng, theo Bác làm cách mạng thật đáng trân trọng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất