Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 18/8/2015 9:3'(GMT+7)

“Lãnh tụ tinh thần” của đồng bào Chơ ro giữa đại ngàn

Già làng Năm Nổi bên trong ngôi nhà xây khang trang của Đảng và Nhà nước tặng.

Già làng Năm Nổi bên trong ngôi nhà xây khang trang của Đảng và Nhà nước tặng.

“Linh hồn” của đồng bào Chơro trong chống ngoại xâm

Ấp Lý Lịch là vùng đất đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tên gọi Chiến khu Đ, đến đây chúng tôi được gặp già làng được người dân nơi đây gọi rất trìu mến: Năm Nổi - ông là con thứ năm trong gia đình, có tên gọi là Nguyễn Văn Nổi, vợ ông là bà Hồng Thị Lịch, người Chơro đầu tiên tham gia bình dân học vụ.

Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 88, với 53 tuổi Đảng, nhưng già làng Năm Nổi vẫn giữ được phong thái khỏe mạnh của một người anh hùng, sự hoạt bát nhanh nhẹn và rất minh mẫn trong trò chuyện. Vì thế mà, những câu chuyện của ông cứ tiếp nối không ngừng nghỉ và như thước phim sống động tái hiện lại hình ảnh một thời hào hùng, rồi đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống, bên bếp lửa bập bùng, già làng Năm Nổi bắt đầu câu chuyện: “Bây giờ sức khỏe yếu rồi, nên già không còn đi rừng thường xuyên như trước được nữa, lưng hay đau nhức, chân không leo núi mạnh như con hổ, con báo ngày nào nữa. Nhưng già vui lắm, vì luôn được cán bộ của Đảng và Nhà nước đến thăm hỏi, động viên thường xuyên. Già nghĩ mình tốt người ta mới đến, xấu người ta không đến đâu”. Uống một ngụm trà, Năm Nổi hồi tưởng lại: “Năm tui lên 7 tuổi cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bắt đầu bùng nổ. Ngày đó, thực dân Pháp về bản bắt thanh niên, những người khỏe mạnh đi làm phu ở các hầm mỏ, ai chống đối đều bị chúng đánh đập, chém giết, nên tui rất căm ghét và quyết định theo các anh lớn tuổi hơn đi làm cách mạng”. Từ đó, Năm Nổi trở thành người giao liên quan trọng cho bộ đội, chiến sĩ cách mạng trong những cánh rừng già, vì “ngày ấy rừng rậm rạp lắm, thú dữ nhiều. Vì không quen đường đi lối lại nên cán bộ của ta bị cọp, beo ăn thịt. Những lúc bộ đội cần di chuyển vào vùng sâu, nguy hiểm thì các anh lại gọi tui để nhờ tui dẫn đường”, già Năm Nổi cho biết. 

Theo già Năm Nổi, để đánh đuổi thực dân Pháp, vào năm 1946 bộ đội Việt Minh đến núi rừng Mã Đà lập căn cứ, từ đó bộ đội đã cho người Chơ ro chúng tôi cái chữ để biết đọc, biết viết; biết ăn sạch, uống sôi và biết cảnh giác trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của địch. Ngày đó, Chiến khu Đ là căn cứ cách mạng miền Đông Nam bộ nên địch (Pháp, rồi đến Mỹ) bắn phá rất ác liệt, trên trời máy bay lúc nào cũng gầm rú, gào thét ném bom, dưới đất chúng truy bắt cán bộ chiến sĩ của ta. Năm 1959, khi địch tăng cường bao vây, cắt đứt mọi đường viện trợ nhu yếu phẩm của bộ đội ta, trước tình thế nguy nan ấy, Năm Nổi đã chỉ cho bộ đội ngọn đồi có nhiều củ chụp - một loại khoai rừng ăn được, nhờ nguồn lương thực này mà bộ đội Bok Hồ không ai bị chết đói.

Không chỉ tham gia hoạt động bí mật cho cách mạng, cung ứng lương thực cho bộ đội, Năm Nổi còn tìm cách vận động bà con đồng bào mình vót chông, đặt bẫy khắp nơi để đánh kẻ thù, nên chỉ cần địch sơ hở là mất mạng. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Năm Nổi là một thanh niên khỏe mạnh hùng tráng, với những lần băng rừng, vượt suối trong cuộc chiến khốc liệt bắt đầu diễn ra, rồi những chiến công cũng được dệt nên từ đó. Dưới sự lãnh đạo của Năm Nổi, vùng núi Lý Lịch trở thành vùng đất chết đối với kẻ thù, vì ngày đó đồng bào không có súng đạn nên phải dùng nỏ, cung, mũi tên thì tẩm kịch độc; mỗi khi có địch đến là cả làng Lý Lịch cùng nhau đánh du kích giết giặc. Năm Nổi tự hào kể, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, già được tiếp xúc, hoạt động cách mạng cùng nhiều cán bộ như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ - nhà chỉ huy quân sự tài ba, Trung tướng Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Chiến khu Đ.

Đi qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Năm Nổi luôn là người tiên phong trong phong trào chống giặc, là lãnh tụ tinh thần của người Chơro ở ấp Lý Lịch. Với những cống hiến, chiến công đạt được, Đảng và Nhà nước đã hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông và rất nhiều bằng khen, huân huy chương kháng chiến. Tự hào về những thành tích đó, ông luôn tìm cách kể lại những chiến công ngày xưa nhằm giáo dục cho thế hệ con cháu nghe về tinh thần bất khuất, anh hùng của đồng bào Chơro trong kháng chiến chống giặc.

Gương sáng của bản làng

Những năm sau kháng chiến đến nay, già Năm Nổi tiếp tục là gương sáng trong hoạt động xã hội, rồi mang trọng trách của vị già làng đem đến yên bình cho đồng bào Chơro. Tuổi 90 đã cận kề, nhưng ông còn khỏe và rắn chắc lắm, với chất giọng sang sảng như tiếng chiêng la gọi Yàng khi buôn làng có hội, ông cho hay: Khoảng từ năm 1990 đến nay, dân số ở vùng Lý Lịch tăng nhanh, nên nhiều người đi phát rừng làm rẫy, chặt gỗ làm nhà nên diện tích rừng bị thu hẹp; bên cạnh đó nạn săn bắn động vật đã khiến cọp beo không còn nhiều… làm già trăn trở lắm. Khi nhà nước có luật bảo vệ và phát triển rừng, cùng với việc hợp đồng với Nhà nước, tui đã động viên đồng bào, con cháu trong dòng họ quyết tâm giữ rừng, ngăn cấm bắt, giết động vật hoang dã.

Với vai trò là một già làng, những vụ hòa giải khi có sự bất đồng của dòng họ, hay đồng bào trong làng, già Năm Nổi thường tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân, kiên trì, dùng lời lẽ có lý, có tình rồi lựa thời điểm thích hợp đến hòa giải, khuyên can không để sự việc trở nên phức tạp.

Cuộc sống của Năm Nổi bây giờ luôn ấm áp bên ngôi nhà sàn trăm tuổi, hạnh phúc khi con cháu quây quần bên cạnh. Già cho biết, “làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ, phải noi gương sáng cho con cháu làm theo. Với sự ngưỡng vọng và biết ơn nên tui treo rất nhiều ảnh về Bok Hồ, để khi đi ra, đi vào thấy Bok Hồ là tui không dám làm điều sai trái. Dân tộc Việt Nam nếu không có Bok Hồ là không có đất nước, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam mình mà”.  Năm Nổi kể tiếp, cách đây hơn 4 năm, ở làng có một người (là người dân tộc Kinh) đã nghỉ hưu tin theo sự dụ dỗ của kẻ xấu, rồi kéo theo nhiều người trẻ tuổi, khi biết tôi đã gặp những người đó và nói “Cách mạng đã cho tụi mày cuộc sống ấm no như bây giờ sao tụi mày lại theo kẻ xấu, về nhà đi tao đi xin ảnh Bok Hồ về cho mà treo trong nhà để mỗi khi nhìn thấy Bác, theo đó mà làm việc tốt”. 

Không những thế, chính già cũng từng nhiều lần bị kẻ xấu tiếp cận để lợi dụng “Lúc đầu họ đến thăm, già vui lắm. Nhưng sau đó họ cho già nào là gạo, mì tôm, bột ngọt… rồi xúi dục già đi theo họ, ngay lúc đó già nói Đảng và Nhà nước cho tui đầy đủ rồi, già lấy roi mây để bên góc nhà và đánh đuổi họ, bắt họ mang theo những thứ đem đến cho già và ra khỏi làng”. Ngày xưa, “trước khi có cách mạng, đồng bào Chơro thờ cúng linh tinh lắm, nào là thờ thần núi, thần nước, thần rừng, thần ma, thần quỷ… nên tốn kém lắm. Nhưng bây giờ không còn nữa, hằng năm đồng bào chỉ thờ cúng thần lúa, thần đất, thần rừng và thờ Bok Hồ thôi”; “Cách đây mấy năm có người vô làng dụ dỗ đồng bào Chơro để mua đất để cất chùa mang danh nghĩa là để bà con đồng bào hóng mát, nhưng thực chất là có ý đồ xấu. Rồi chính quyền đến gặp tui và nhờ giải quyết. Tui gọi họ lại hỏi, chú ở đâu mà vào làng mua đất định xây cái gì ở đây? Chú dỡ cái nhà đó ngay, không có chuyện hóng mát gì ở đây cả (!). Tại sao chính quyền và làng tui chưa đồng ý, mà chú lại ngang nhiên làm chuyện xằng bậy như thế. Sau đó vài ngày họ dỡ nhà và bỏ đi đâu không biết”. Cũng vì sợ mai này, lớp con cháu quên đi nguồn cội nên già đã vận động Đảng, Nhà nước xây dựng ngôi nhà dài truyền thống để lưu giữ các vật dụng xưa.

Để ghi ơn những công lao mà già làng Năm Nổi đã cống hiến cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã xây tặng ông ngôi nhà rất khang trang. Khi được hỏi, sao già không dọn sang ngôi nhà mới để ở, với nụ cười đôn hậu già thật thà nói: “Già ở nhà sàn quen rồi, mọi sinh hoạt với nó bao năm nay khó mà thay đổi được. Vì thế, khi căn nhà được xây xong, già dùng nó để thờ Bác Hồ, giữ những kỷ vật thời chiến tranh, bằng khen của Đảng, Nhà nước và tiếp khách”; “Tuy chưa từng gặp Bok Hồ nhưng mình và bà con ai cũng kính yêu Bác. Nhờ Bác mà người Chơro mới có được cuộc sống ấm no, không lo chạy giặc, không lo cái đói, cái dốt nữa”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, giọng già làng Năm Nổi trầm xuống: “Tui đã già yếu rồi, nhưng luôn mong cho đồng bào mình được sống ấm no, hạnh phúc, nên đã nhiều lần muốn tìm người để thay thế trọng trách này, nhưng tìm mãi chưa có ai tui ưng ý để truyền lời”, đó là điều làm cho già làng Năm Nổi trăn trở, cũng chính là tâm tư của mọi người trong đoàn công tác của chúng tôi khi chia tay với miền sơn cước này./.

Đức Thuận




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất