Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 13/11/2012 12:27'(GMT+7)

Làm sao giành lại niềm tin cho người tiêu dùng ?

Người tiêu dùng khá e dè khi lựa chọn các sản phẩm sữa.

Người tiêu dùng khá e dè khi lựa chọn các sản phẩm sữa.

Trước việc sữa kém chất lượng, mất vệ sinh hay có sinh vật lạ… gây xôn xao dư luận thời gian qua, niềm tin của người tiêu dùng vào độ an toàn của loại thực phẩm thiết yếu này lại đang lung lay hơn bao giờ hết. Vấn đề làm sao giành lại niềm tin cho người tiêu dùng và uy tín cho những nhà sản xuất chân chính lại bắt đầu được đưa ra “mổ xẻ”.

Chất lượng sữa có vấn đề

Thống kê về nguyên nhân của tình trạng sữa kém chất lượng, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong hai năm qua cho thấy, 1% nguyên nhân sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất, 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo chỉ định, 5% chưa rõ nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp người tiêu dùng gặp phải là sữa bị bốc mùi hoặc gặp phải các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, dị ứng khi sử dụng sữa.

Chất lượng sữa hiện có vấn đề ngay ở khâu nguyên liệu. Theo ông Trịnh Quý Phổ - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam: Điểm yếu của ngành sữa Việt Nam là thiếu các trang trại khép kín, từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa ở quy mô công nghiệp. Nông dân nuôi bò cũng gặp khó khăn khi phải mang sữa di chuyển xa trong thời gian dài từ trang trại đến nơi sản xuất nên nguy cơ sữa nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng nguyên liệu sữa không bảo đảm… Chất lượng nguyên liệu sữa không bảo đảm sẽ dẫn đến chất lượng sữa thành phẩm không cao.

Bên cạnh đó, để sản xuất sữa bột, khoảng 75 – 78% nguyên liệu được sử dụng hiện nay là nhập khẩu từ các hãng sữa lớn trên thế giới như FrieslandCampina, Abbott, Moriganna, Mead Johnson... Tuy nhiên, theo Ủy ban Quốc tế về phụ gia thực phẩm (WHO&FAO) tại Việt Nam: Việc bảo quản không tốt đã làm giảm chất lượng nguồn nguyên liệu này, gây tác động trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng với điểm hạn chế từ nguồn nguyên liệu, không thể phủ nhận được rằng có nhiều DN sữa đang tự đánh mất uy tín của mình bởi sự không trung thực. Minh chứng của điều này là cuối năm 2006, hàng loạt công ty sữa phải công bố đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm sữa nước vì ghi trên nhãn là “sữa tươi nguyên chất” hay “sữa tươi tiệt trùng”, nhưng nguyên liệu chế biến đều là nguyên liệu sữa bột. Theo thống kê của Vụ Khoa học Công nghệ, người tiêu dùng phải uống sữa “giả tươi” suốt một thời gian dài bởi dòng sản phẩm sữa này chiếm 3/4 thị phần tiêu thụ của ngành sữa trong nhiều năm qua.

Giành lại niềm tin cho người tiêu dùng

Phải khẳng định rằng, khi đời sống được nâng lên, nhu cầu các loại thực phẩm như sữa cũng tăng lên đáng kể. Với một tỷ lệ lớn được sử dụng cho trẻ em, chất lượng sữa là điều được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiêu chí chọn sữa, chị Hường thành thật: Tôi chỉ chọn sữa theo quảng cáo trên tivi, trên báo, còn tiêu chuẩn và chất lượng sữa ra sao hoàn toàn do may mắn.

Chính vì thói quen chọn sữa như vậy nên khi những thông tin về sữa kém chất lượng tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, tâm lý người tiêu dùng thường khá hoang mang. Do đó, để khắc phục tình trạng này, chị Hoa (40 tuổi, giáo viên) cho biết: Người tiêu dùng thường rất tin vào các quảng cáo trên tivi, báo đài nên theo tôi, cần kiểm soát kỹ các quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ những sản phẩm thực sự có chất lượng mới cho quảng cáo để tránh làm người tiêu dùng lựa chọn nhầm lẫn.

Việc những thông tin về sữa kém chất lượng cũng sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tiêu thụ sản phẩm của các DN sữa. Chính vì thế, trong “cuộc chiến” vì chất lượng sản phẩm, theo các chuyên gia ngành sữa, DN phải là đối tượng đi đầu. Cụ thể, ông Trịnh Quý Phổ cho rằng: Riêng về khâu sản xuất và chế biến, để bảo đảm chất lượng nguồn sữa tươi, các trang trại nuôi bò cần được áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế, từ khâu nguyên liệu cỏ, chăm sóc sức khỏe bò, vệ sinh chuồng trại, bảo đảm nguồn nguyên liệu vệ sinh từ khâu vắt đến khâu vận chuyển đến nhà máy để bảo đảm chất lượng sữa... Đồng thời, phải khẳng định rằng, nâng cao chất lượng sữa chính là cách để DN sữa tự bảo vệ chính quyền lợi và thị phần của mình, do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín và quyền lợi cho chính bản thân mình, các DN sản xuất được khuyến cáo áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn nguyên liệu sản phẩm sản xuất ra đạt chuẩn, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Về phía các cơ quan quản lý, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các DN sữa làm ăn chân chính, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước - Bộ Công Thương cho biết: Trong thời gian tới, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm sữa, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư sẽ tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp tình hình thực tế. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhóm sản phẩm sữa cũng sẽ được xây dựng để có các căn cứ thẩm định chất lượng cho từng loại sản phẩm.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, mức tiêu thụ của các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam đang đạt xấp xỉ 15 lít/người/năm, tăng gấp 30 lần so với con số 0,47 lít/người vào năm 1990. Điều này cho thấy nhu cầu các sản phẩm sữa đang tăng lên rất cao. Đi kèm đó là cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho DN đang lớn hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ nâng cao chất lượng sữa, giành lại niềm tin cho người tiêu dùng chính là con đường nhanh chóng và đơn giản nhất để các DN nắm bắt và làm chủ được cơ hội lớn này.

Hà Anh- NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất