Tai nạn lao động và người mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn cả nước hiện đang có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân người lao động, doanh nghiệp mà còn là gánh nặng của xã hội. Vì vậy, việc đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đang là vấn đề bức thiết của toàn xã hội và là thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 3.060 vụ tai nạn lao động làm 3.160 người bị nạn, trong đó có 256 vụ tai nạn lao động có người tử vong khiến 279 người tử vong, 671 người bị thương nặng. Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố có số vụ tai nạn và số người tử vong vì tai nạn lao động nhiều nhất. Cụ thể, Tp.Hồ Chí Minh xảy ra 420 vụ, với 428 người bị nạn làm 42 người tử vong và 98 người bị thương. Hà Nội xảy ra 129 vụ, với 132 người bị nạn làm 20 người tử vong và 58 người bị thương. L ĩnh vực sản xuất gây ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác mỏ và xây dựng, chiếm gần 16%; lao động đơn giản chiếm 13,9%; thợ gia công kim loại, thợ cơ khí chiếm 5,7%….
Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc trên xuất phát từ cả người sử dụng lao động và người lao động. Về phía người sử dụng lao động thường vi phạm các quy định như: không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động…Còn người lao động thườngmkhông tuân thủ các quy trình; biện pháp làm việc an toàn về an toàn lao động; không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, do người khác vi phạm quy định về an toàn lao động.
Bên cạnh số vụ tai nạn lao động có người tử vong tăng cao, tỉ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp cũng đang gia tăng đáng kể. Theo Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiện nay, cả nước có gần 30.000 người mắc bệnh nghề nghiệp và tỷ lệ này đang gia tăng theo từng năm. Phần lớn do người lao động đã và đang phải chịu sức ép từ công việc, môi trường lao động có nhiều tác tại như bụi, tiếng ồn, rung chuyển, hơi khí độc, phóng xạ...Trong khi đó, hệ thống khám phát hiện, chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp ở các tuyến tuy đã được thiết lập nhưng vẫn còn yếu cả về tổ chức, trang thiết bị và nhân lực.
Để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động, tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp, thì việc ngăn chặn ngay từ đầu các nguy cơ gây tai nạn và chủ động phòng ngừa các nguyên nhân gây bệnh cho công nhân phải được đặt lên hàng đầu. Muốn làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng mà các biện pháp răn đe, mức xử phạt của hệ thống pháp luật cũng phải được nâng cao.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Tp.Hồ Chí Minh cho rằng: Các cơ quan nhà nước cần tăng cường bộ máy thanh tra chuyên ngành vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, t ăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị để mọi người đều có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời thực hiện tốt chương trình nâng cao sức khỏe nơi làm việc. Ngoài ra, phải hoàn chỉnh các văn bản về pháp lý khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp. Đối với chủ lao động và người lao động cần thực hiện nghiêm túc các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, trang bị đầy đủ phù hợp và giám sát việc sử dụng dụng cụ phòng hộ cá nhân, bảo hộ lao động.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động thương binh và Xã hội Tp.Hồ Chí Minh nhận định: Lực lượng thanh tra viên trên ở các tỉnh hầu hết còn mỏng, trong khi đó số lượng các doanh nghiệp lên tới cả hàng ngàn. Cho nên, các cơ quan chức năng rất khó phát hiện kịp thời các vi phạm để xử lý. Hơn nữa, mức xử phạt cao nhất đối hành vi vi phạm trong an toàn lao động, khám chữa bệnh nghề nghiệp chỉ 20-30 triệu đồng/vụ. Điều này không làm cho các doanh nghiệp sợ. Vì vậy, trong thời gian tới cần thay đổi mức xử phạt hành chính, nâng mức xử phạt cao nhất có thể từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/vụ. Có như thế, chúng ta mới hy vọng giảm thiểu được số vụ tai nạn và bệnh nghề nghiệp đang gia tăng hiện nay. Bên cạnh đó, để hạn chế những tai nạn trên, cần phối hợp với các sở ngành có liên quan và các quận huyện, các tổng công ty đẩy mạnh tuyên truyền, báo động cho người sử dụng lao động và người lao động nâng cao ý thức trong an toàn lao động./.
Lan Phương (TTXVN)