Chủ Nhật, 8/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 23/2/2022 19:3'(GMT+7)

Làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng từ xa qua công tác thông tin đối ngoại

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Chiều 23/2, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác TTĐN năm 2022. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN chủ trì Hội nghị.

BẢO ĐẢM THẾ CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ TRONG TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TTĐN

Năm 2021, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN từ Trung ương đến các địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng triển khai TTĐN trên cả nước. Những kết quả đạt được của công tác TTĐN thể hiện ở 4 nội dung chính:

Thứ nhất, công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động TTĐN được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả.

Việc duy trì thường xuyên các hội nghị giao ban Nhóm giúp việc, phát hành định kỳ các báo cáo công tác TTĐN hàng tuần, các kênh trao đổi thông tin với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... đã kịp thời định hướng những vấn đề TTĐN nổi bật, bảo đảm thế chủ động, đồng bộ trong triển khai công tác TTĐN.

Điểm sáng trong công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng TTĐN năm qua là nhanh chóng chỉ đạo tổ chức biên dịch, thông tin, chuyển tải và lan tỏa những thông điệp đối ngoại qua các bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong đó, nổi bật là việc đưa bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” đến với đông đảo các chính đảng, chính khách, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị

Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương trong triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 16 của Bộ Chính trị khoá XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 -2020” và xây dựng “Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn mới đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Thứ hai, nội dung TTĐN không ngừng được đổi mới, có tính đa chiều, sâu sắc và toàn diện.

Cơ quan TTĐN các cấp đã tập trung thông tin toàn diện, đầy đủ về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng thông tin về vai trò, những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác đa phương; sự tham gia tích cực vào việc kiến tạo, dẫn dắt, định hướng cho các hoạt động, cơ chế mà Việt Nam tham gia...

Công tác quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam đến được với đông đảo bạn bè quốc tế, tiếp cận đa dạng các đối tượng. Nội dung TTĐN, tuyên truyền về biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới ngày càng phong phú, đa chiều; có trọng tâm, trọng điểm, sức lan tỏa và thuyết phục. Việc cung cấp thông tin về tình hình thế giới và khu vực, nhất là đối với các sự kiện nóng, phức tạp được triển khai có chọn lọc, cân bằng, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, gây phương hại lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thứ ba, phương thức TTĐN ngày càng đa dạng hóa, đổi mới, sáng tạo.

Công tác tuyên truyền, TTĐN tiếp tục được triển khai trên tất cả các kênh với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Nhiều hoạt động đối ngoại được chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến vẫn mang lại hiệu quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng từng bước được nhiều ban, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả.

Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam phát biểu.

Các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực, tiếp tục đẩy mạnh các phương thức truyền thông mới theo hướng hiện đại, hấp dẫn. Quan tâm, chú trọng xây dựng trang thông tin chuyên biệt về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; các bản tin, phim tư liệu, bài bình luận, xã luận, phóng sự có thời lượng phong phú, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chất lượng ngày càng cao, đăng phát trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội. Các hội nghị báo cáo viên, tập huấn, cung cấp thông tin được tổ chức với các hình thức đa dạng, gồm cả trực tiếp, trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Các địa phương đẩy mạnh xuất bản và phổ biến các ấn phẩm đối ngoại, bản tin, sách ảnh, cẩm nang thông tin dành cho người nước ngoài và bằng tiếng nước ngoài.

Công tác phối hợp, tranh thủ các hãng truyền thông quốc tế, hệ thống các cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn. Tăng cường kết nối và triển khai hiệu quả kênh thông tin của truyền thông quốc tế với mục tiêu “người nước ngoài nói về Việt Nam” nhằm tăng cường tính khách quan, thuyết phục.

Thứ tư, huy động được nhiều nguồn lực phục vụ công tác TTĐN.

Đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, đã tranh thủ, phát huy được các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho công tác TTĐN, đóng góp không nhỏ vào nhiệm vụ ổn định kinh tế - xã hội, công tác ngoại giao vaccine, cũng như tạo dựng mặt trận dư luận ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông...

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC TTĐN GIAI ĐOẠN MỚI GẮN VỚI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Có thể khẳng định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp năm 2021, công tác TTĐN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập như hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên không được triển khai thường xuyên. Việc cung cấp thông tin chính thống còn chưa kịp thời, chưa cập nhật toàn diện những vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều tài liệu, sản phẩm tuyên truyền trùng lặp về nội dung, chưa hấp dẫn người đọc. Công tác tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chưa triển khai được trên phạm vi toàn lực lượng.

Nguyên nhân của những hạn chế là do các hoạt động tuyên truyền trực tiếp không thể triển khai trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Một số cấp ủy, cơ quan có sự thay đổi cán bộ chủ chốt sau Đại hội XIII và kỳ bầu cử HĐND các cấp. Lực lượng làm công tác TTĐN nhìn chung còn mỏng, chủ yếu làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc triển khai các hoạt động TTĐN.

Trên cơ sở tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế để triển khai hiệu quả công tác TTĐN trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương xác định cần thực hiện tốt các phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là việc phổ biến, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận về “Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn mới đến năm 2030, tầm nhìn 2045” sau khi được Bộ Chính trị thông qua. Gắn kết chặt chẽ việc triển khai Chiến lược TTĐN giai đoạn mới với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc về văn hóa, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng vừa diễn ra trong năm 2021. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế, chính sách phục vụ công tác TTĐN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo hoạt động TTĐN, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tuyến, các cơ quan một cách thông suốt, đồng bộ, kịp thời trên cơ sở ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu

Hai là, tập trung chỉ đạo, đổi mới về nội dung TTĐN theo hướng bảo đảm tính chủ lưu của luồng thông tin tích cực, có tính hấp dẫn, thuyết phục cao. Đặc biệt chú trọng thông tin tuyên truyền về những thành tựu phát triển, vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Coi trọng tính hướng dẫn nhận thức, định hướng dư luận xã hội về các vấn đề quốc tế liên quan, về vấn đề biển, đảo, biên giới lãnh thổ, về công tác dân tộc, tôn giáo và vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, thông tin về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chú trọng thông tin về giá trị truyền thống và giá trị thời đại của văn hóa. Tiếp tục tăng cường phối hợp, định hướng TTĐN về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Kịp thời đấu tranh với những hoạt động vi phạm quy chế quản lý biên giới, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ba là, triển khai công tác TTĐN một cách toàn diện, phối hợp, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Nghị viện và đối ngoại quốc phòng, an ninh. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động TTĐN. Tăng cường chuyển đổi hình thức hoạt động TTĐN từ phương thức truyền thống như hội nghị, hội thảo... sang kết hợp với trực tuyến hoặc tổ chức bằng công nghệ thực tế ảo. Tiếp tục đổi mới các tài liệu, ấn phẩm, sản phẩm tuyên truyền thông tin đối ngoại theo hướng dễ đọc, dễ hiểu, thu hút người đọc, dễ lan tỏa, chia sẻ trên không gian mạng.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu

Bốn là, thúc đẩy các phương thức hợp tác truyền thông, tranh thủ các kênh trao đổi thông tin với các hãng thông tấn, báo chí quốc tế, cơ quan đại diện, đội ngũ phóng viên thường trú nước ngoài tại Việt Nam. Huy động sự tham gia của các nhóm lực lượng tiềm năng cho công tác TTĐN ở nước ngoài như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ phóng viên báo chí của nước ngoài; những người có tiếng nói tích cực trong cộng đồng và xã hội; giới học giả, trí thức người nước ngoài có thiện cảm và ủng hộ Việt Nam; đội ngũ trí thức trẻ, học sinh, sinh viên ở các địa bàn.

Năm là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm tình hình của từng quốc gia. Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các công trình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Lồng ghép các nội dung tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những hoạt động đối ngoại cấp cao, các sự kiện quảng bá văn hóa... phát huy điểm tương đồng giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế về các giá trị, lý tưởng cao cả mang tầm thời đại.

LÀM TỐT CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG TỪ XA QUA CÔNG TÁC TTĐN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN nhấn mạnh, Hội nghị triển khai công tác TTĐN năm 2022 diễn ra trong bối cảnh đất nước ta bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước năm 2021, tăng trưởng kinh tế năm qua đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, công tác TTĐN nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN nói riêng trong năm 2021 đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo đóng góp quan trọng thúc đẩy công tác TTĐN theo hướng chủ động, kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác TTĐN năm 2021 đã giúp cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu, đánh giá cao về kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả của những nỗ lực, quyết tâm kiểm soát linh hoạt, hiệu quả đại dịch COVID-19, sớm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; những sáng tạo, đóng góp, thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng tích cực của Việt Nam với công việc chung của thế giới quan loạt các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương. Đáng chú ý là trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Để công tác TTĐN năm 2022 và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo công tác TTĐN triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm và nhiệm vụ về công tác tư tưởng và đối ngoại theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Hội nghị triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII. Trong đó, có chủ trương “tăng cường thông tin đối ngoại” và “tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong TTĐN, đấu tranh dư luận”, phát huy vai trò tiên phong của công tác TTĐN.

Hai là, tăng cường chất lượng phối hợp cả theo chiều rộng và chiều sâu giữa các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN; giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo các địa phương; giữa các lực lượng triển khai TTĐN trong và ngoài nước; giữa TTĐN và thông tin đối nội. Đồng thời, có cơ chế phân công đúng vai, đúng trách nhiệm, cụ thể giữa các lực lượng TTĐN ở cả cấp Trung ương, các cơ quan ngoài nước và các địa phương. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải xác định việc triển khai công tác TTĐN ở các địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Ba là, đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao chất lượng, tính thuyết phục, hấp dẫn của các sản phẩm TTĐN, tăng cường ấn phẩm, sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, truyền thông mạng xã hội, từng bước chuyển đổi phương thức tổ chức trực tiếp sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến, công nghệ thực tế ảo.

Bốn là, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về TTĐN, về quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong tình hình mới; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng từ xa qua công tác TTĐN. Đảm bảo thế chủ động, dòng thông tin chủ lưu tích cực về Việt Nam trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế. Chủ động các phương án, kịch bản tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị - đối ngoại lớn, quan trọng của đất nước, các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận, truyền thông trong và ngoài nước. Kiên quyết khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí trong nước đăng tải các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, tạo điều kiện để báo chí nước ngoài khai thác, lợi dụng, kích động dư luận.

Năm là, bảo đảm các nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác TTĐN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Dành nguồn lực thích đáng cho công tác TTĐN phù hợp với vị thế đất nước; cho công tác nghiên cứu khoa học về TTĐN; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ TTĐN và phát triển hệ thống các cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia, chủ lực; xây dựng đội ngũ những người làm TTĐN có bản lĩnh, đạo đức và trình độ./.

Tin, ảnh: Thế Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất