Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 22/2/2019 20:33'(GMT+7)

Làm văn hoá nếu chỉ chung chung thì không thấy tác dụng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt. (Ảnh: VGP)

Trình bày Báo cáo của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là trụ cột vững chắc góp phần xây dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá ngày càng phong phú, lành mạnh. Nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém đã được khắc phục từng bước như việc bình xét các danh hiệu văn hoá mang tính hình thức, chồng chéo về tiêu chí, tiêu chuẩn trong một số văn bản hướng dẫn phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh…

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có chuyển biến tích cực. Một số lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm được khắc phục. Nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật, thể thao truyền thống được phát huy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
 
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá thực chất kết quả thực hiện phong trào tại địa phương.
 
Công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên có chuyển biến trong nhận thức, hành động cụ thể. Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng phong trào, lồng ghép với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gương người tốt, việc tốt, rèn luyện thân thể, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được nêu cao.
 
Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những phong trào về văn hoá đã có từ lâu, liên quan đến mọi người, mọi ngành nhưng nếu không chú ý thì ai cũng tưởng là việc của người khác, ngành khác, khó đo đếm định lượng. Do vậy, trong năm 2019, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề xuất những việc cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến. Đặc biệt là phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen, chê, có khen thưởng, khắc phục kịp thời.
 
“Làm văn hoá nếu không đến ngưỡng nhất định, thành nếp, thành thói quen, thì không thấy tác dụng. Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng ẩn sau đó cũng là nét văn hoá, đạo đức. Ví dụ như không xả rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… không đơn thuần là hành vi ứng xử mà còn thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, sự tôn trọng người khác”, Phó Thủ tướng gợi mở.
 
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề xuất chọn vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải là một điểm nhấn hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2019 vì đây là vấn đề đang vô cùng bức xúc. “Chúng ta cần có các cuộc vận động cụ thể, có tiêu chí chấm điểm khu dân cư, làng bản về xả rác nơi công cộng, phân loại rác tại sinh hoạt tại từng gia đình, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm…”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
 
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng để giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến an toàn giao thông, ý thức của người tham gia giao thông cần bắt đầu từ xây dựng thái độ ứng xử văn minh cho những người làm việc trên các phương tiện vận tải công cộng; xử lý nghiêm người sử dụng bia rượu, chất gây nghiện khi tham gia giao thông; vượt đèn đỏ, lấn làn…
 
Đồng tình với nhiều ý kiến, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị vận động người dân thay đổi một số hành vi ứng xử không văn hoá, văn minh bắt đầu từ địa điểm công cộng, đông người như nhà ga, sân bay, bến xe, các điểm vui chơi giải trí, công viên, trường học…
 
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác có viết: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đó cho thấy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải được tăng cường hơn nữa, tiếp tục khắc phục các hạn chế trong quá trình chỉ đạo các phong trào liên quan đến văn hoá như: Không có công cụ đo đếm, lượng hoá, không gắn với cơ chế chính sách, chế tài xử lý, đánh giá thi đua...
 
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, lựa chọn một số việc, đổi mới cách làm.
 
Trước hết, việc thực hiện các quy định, tiêu chí mới về công nhận gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, đơn vị văn hoá… theo đúng tinh thần “bớt bệnh hình thức như số liệu báo cáo không đo đếm, kiểm chứng được, danh hiệu có cũng được, không có cũng không sao”. 
 
Các danh hiệu văn hoá phải thuyết phục. Một gia đình văn hoá, khu phố văn hoá có nghĩa là đã thực hiện tốt mọi phong trào, cuộc vận động ở địa phương như khuyến học, giữ gìn vệ sinh môi trường, hoạt động văn hoá thể thao, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn… chứ không chỉ hoàn thành 1-2 tiêu chí thành phần.
 
“Chúng ta không chỉ vận động đơn thuần mà cần đồng bộ với các văn bản, quy định, chế tài của nhà nước và vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên”, Phó Thủ tướng lưu ý.
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu ra một số việc để các thành viên Ban Chỉ đạo xem xét, góp ý triển khai.
Trước hết là phát động phong trào giáo dục văn hoá cho học sinh trong trường học từ những hành vi cụ thể như xếp hàng, tập luyện thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, vứt rác đúng nơi quy định…
 
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, báo chí, vận động người dân thực hiện một số hành vi ứng xử đời sống hàng ngày. Qua đó từng bước xây dựng nếp sống văn hoá, thể hiện văn hoá của người Việt Nam, phù hợp với ứng xử văn minh trên thế giới. 
 
Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương mở chuyên mục về người tốt, việc tốt cùng một số hành vi văn hoá, không văn hoá được phân tích dưới góc độ văn hoá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá. Các bài viết này khi được tập hợp thành “kho dữ liệu” sẽ giúp mọi người xem xét, soi chiếu vào những hành vi trong cuộc sống hàng ngày, phân định được thế nào là tốt, thế nào là xấu. 
 
“Chúng ta nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt, để ứng xử đúng đắn trước những hiện tượng trong đời sống xã hội. Không để những việc làm tử tế, bình dị không bị coi là bất thường. Nhân rộng những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, hiện tượng tiêu cực”, Phó Thủ tướng mong muốn./.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất