Sáng
nay (7/9), tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức họp báo cung cấp
thông tin về thành công ca ghép tim, gan cho 2 bệnh nhân từ nguồn tạng
của một người chết não. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tim, gan của người
chết não được vận chuyển bằng đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh
ra Hà Nội để ghép cho bệnh nhân.
Ngày 4/9, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhận
được thông tin: tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) có một
gia đình đồng ý hiến tạng của người thân bị chết não. Từ đây, Bệnh viện
Hữu Nghị Việt Đức rà soát và tìm được 2 bệnh nhân (hơn 40 tuổi và gần 60
tuổi) có chỉ số ghép tạng phù hợp.
|
Bệnh nhân được ghép tim |
Kíp phẫu thuật của Bệnh
viện Hữu Nghị Việt Đức đã lên máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy tạng
của người bệnh đã chết não. Trong quá trình vận chuyển bằng ô tô và máy
bay, tạng được bảo quản lạnh bằng dung dịch chuyên dụng. Từ lúc lấy
tạng đến khi ghép, quả tim được bảo quản gần 6 tiếng rưỡi, còn gan được
bảo quản hơn 7 tiếng, nằm trong giới hạn cho phép bảo quản tạng của thế
giới.
Giáo sư Nguyễn Tiến
Quyết, bác sỹ cao cấp của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, trước
khi ghép tim, gan cho 2 bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành sinh thiết và
nhận được kết quả là tạng không có tế bào bị hoại tử.
GS Nguyễn Tiến Quyết
nói: “Hôm đó, khoảng 18h, chúng tôi lấy tạng xong nhưng đến khoảng 21h
mới bay ra Hà Nội được vì không còn chuyến bay nào nữa. Trong 1 thời
gian vận chuyển tạng qua đường hàng không dài như thế; ngay cả ô tô đi
từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra sân bay Tân Sơn Nhất và từ sân bay Nội Bài về
Bệnh viện Việt Đức cũng mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi đã phối hợp
rất chặt chẽ, cuối cùng ghép được tạng cho 2 bệnh nhân rất thành công.
Ghép xong, đến thứ 7 vừa qua, chúng tôi đã rút được ống nội khí quản cho
cả 2 bệnh nhân. Hiện cả 2 bệnh nhân ăn uống bình thường, khỏe mạnh. Nếu
không có gì thay đổi 10 ngày nữa là bệnh nhân có thể xuất viện”.
Do chưa có thiết bị chuyên dụng để bảo quản tạng nên các y, bác sỹ Bệnh
viện Hữu Nghị Việt Đức đã nghĩ ra cách bảo quản lạnh bằng đá và bọc
trong nhiều túi ni long chứa nước. Ca ghép tạng tiến hành từ đêm 4/9 đến
gần 5h sáng 5/9 mới hoàn thành.
|
Các bác sỹ BV Việt Đức cung cấp thông tin cho phóng viên |
Như vậy, đến nay, Bệnh
viện Hữu Nghị Việt Đức đã thực hiện được 11 ca ghép tim, 25 ca ghép gan
và hơn 250 ca ghép thận. Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Gám đốc Trung tâm Điều
phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, mỗi ngày tại Bệnh
viện Hữu nghị Việt Đức có từ 2 đến 3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng
nhưng 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng. Trong khi đó, hàng
chục, hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận đang chờ được
ghép nội tạng để có thể kéo dài cuộc sống.
Giáo sư Hồng Sơn nói:
“Tôi chỉ mong càng ngày càng có nhiều người đăng ký hiến tạng hoặc gia
đình không may có người bị chết não hãy biến đau thương thành hành động,
hiến tạng để cứu sống nhiều người khác. Từ trước đến nay, trên thế giới
cũng như ở Việt Nam chưa có trường hợp nào đã chết não mà sống lại
được. Vậy tại sao gia đình không hiến quả tim, gan, phổi, 2 quả thận của
người chết não để các bác sỹ ghép cho các bệnh nhân khác. Một lá gan có
thể ghép cho 2 đến 3 cháu bé….”.
Ca ghép tim, gan cho 2
bệnh nhân ở Hà Nội từ nguồn tạng của người cho chết não tại thành phố Hồ
Chí Minh vừa nêu với chi phí khoảng 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, chỉ
bằng 1/5 so với nước ngoài. Đến nay, bệnh nhân sau khi ghép tim tại Việt
Nam kéo dài cuộc sống lâu nhất là 4 năm và ghép gan là 8 năm./.
Giao Tuyến