Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 30/4/2011 23:0'(GMT+7)

Làn sóng người di cư Bắc Phi tràn vào châu Âu

Cảnh sát I-ta-li-a kiểm tra một thuyền chở người chạy nạn từ Li-bi. (Ảnh: islamizationwatch).

Cảnh sát I-ta-li-a kiểm tra một thuyền chở người chạy nạn từ Li-bi. (Ảnh: islamizationwatch).

Trong tuyên bố tại cuộc gặp thượng đỉnh I-ta-li-a - Pháp, Thủ tướng I-ta-li-a X.Béc-lu-xcô-ni (S.Berlusconi) và Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di (N.Sarkorzy) đang có chuyến thăm I-ta-li-a, đã gửi thư chung lên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cải cách lại Hiệp ước Senghen. Hai nhà lãnh đạo này coi đó là việc làm cần thiết trong bối cảnh làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt gây ra những vấn đề vô cùng phức tạp cho các nước này và EU.

Trước khi diễn ra cuộc gặp tại I-ta-li-a, hai nước láng giềng và là đồng minh chủ chốt của nhau trong cuộc chiến tại Li-bi đã tranh cãi nảy lửa chung quanh những bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề nhập cư từ Bắc Phi. Pháp đã tuyên bố đóng cửa biên giới không cho các chuyến tàu hỏa từ I-ta-li-a chở người Phi nhập cư vào Pháp. Trong khi đó, I-ta-li-a ca thán "lực bất tòng tâm" trong việc ngăn cản làn sóng nhập cư. Chính quyền I-ta-li-a đã ra tuyên bố phản đối và cáo buộc Pháp đang vi phạm các nguyên tắc của châu Âu về tự do đi lại.

Trong một thông báo đưa ra hồi đầu tuần, nhà chức trách đảo Lam-bét-đu-xa (Lampedusa) của I-ta-li-a cho biết, hòn đảo với 5000 dân và là mảnh đất châu Âu gần với châu Phi nhất hiện đã "đón" hơn 25.000 người Phi nhập lậu vào đây. Sự phức tạp về an ninh, lương thực tại địa phương tăng lên khi "đón" số lượng người tăng vọt. Người dân bản địa bức xúc tới mức đã ngăn chặn hàng trăm thuyền nhân nhập cảng. Chính phủ I-ta-li-a thậm chí đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực. Trong khi đó, Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đòi EU giúp đỡ về vật chất và tiếp nhận dù chỉ một phần "những vị khách không mời". Tuy nhiên hiện chưa có phản ứng gì từ các nước châu Âu khác.

Để buộc các nước trong khu vực Senghen "chia lửa" trong vấn đề nhập cư, I-ta-li-a đã cấp cho những người nhập cư bất hợp pháp giấy tạm trú. Điều này sẽ giúp bất kỳ thuyền nhân nào cũng có cơ hội tự do di chuyển trong các vùng lãnh thổ chịu hiệu lực của Hiệp ước Senghen, có nghĩa là ra khỏi I-ta-li-a để đến các nước láng giềng. Thực tế diễn ra đúng như vậy, dân nhập cư lậu chen nhau mua vé tàu hỏa sang Pháp. Tuy nhiên, lo ngại làn sóng nhập cư có thể gây ra bất ổn lớn hơn trong thời gian tới, chính quyền I-ta-li-a tuyên bố chỉ cấp giấy tạm trú cho người nhập cư trong 6 tháng cũng chính là cách gây sức ép để các nước khác trong EU phải nhanh chóng hợp tác giải quyết. Trong khi đó, Pháp lại không chấp nhận gánh vác một phần khó khăn do cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Bắc Phi gây lại. Pháp chỉ muốn nhận những người tị nạn chính trị chứ không nhận những người di dân vì lý do kinh tế.

Nhìn nhận vấn đề thuyền nhân châu Phi, ông M.Lê-ôn-ti-ép (M.Leontyev), Tổng biên tập tạp chí Ognako, cho rằng "đó là cái giá mà phương Tây phải trả cho cuộc chiến ở Bắc Phi. Nếu làn sóng bạo loạn ở Trung Đông và châu Phi không dừng lại thì nó sẽ bao trùm lên (toàn bộ) châu Âu". Quả thật, làn sóng nhập cư đang làm đau đầu các nhà cầm quyền châu Âu, song trong bối cảnh hiện tại, nó càng khứa sâu thêm những mâu thuẫn giữa các quốc gia ở châu lục này. Va chạm giữa Pháp và I-ta-li-a là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng nghiêm trọng của các "đầu tàu" châu Âu trong cuộc chiến tại Li-bi. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà nó còn ảnh hưởng tới các nước phương Tây khi họ đang tự đánh mất hình ảnh của chính mình khi luôn tuyên bố các ưu tiên vì mục đích nhân đạo, vậy mà không có được một cơ chế phù hợp giải quyết vấn đề nhập cư do những bất ổn Bắc Phi./.
 
(Theo: Nguyễn Hoà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất