Trong suốt những ngày qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả nhằm giảm bớt thiệt hại đối với người dân vùng lũ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tự nguyện quyên góp, ủng hộ kịp thời về tiền và vật chất hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội với tất cả tấm lòng, tình cảm của đồng chí, đồng bào cả nước hướng về người dân vùng lũ.
Đợt mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc mà trọng điểm là Yên Bái, Sơn La gây ra hậu quả nghiêm trọng, ước tính thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 900 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 10 ngày tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và các lực lượng tại chỗ của địa phương nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân mất tích, khối lượng công việc vẫn ngổn ngang, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Ưu tiên của các địa phương vùng lũ trong lúc này là tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, hỗ trợ kịp thời những gia đình bị mất nhà cửa, để người dân sớm ổn định đời sống. Để xây dựng lại các công trình công cộng, trường học, bệnh xá, hệ thống giao thông, thủy lợi... đòi hỏi cần có nguồn lực tài chính và vật chất. Do vậy, lúc này càng rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đồng bào ta ở nước ngoài...
Tại các địa bàn trọng điểm bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ như: Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường La (Sơn La)..., nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã không quản đường sá xa xôi, đi lại khó khăn đến tận nơi, trao tận tay chính quyền và người dân vùng lũ những món quà tình nghĩa, động viên kịp thời để đồng bào vượt qua khó khăn, mất mát. Công tác vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ hiện đang nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Tinh thần thiện nguyện ấy thể hiện rõ giá trị cốt cách, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Công cuộc tái thiết những bản làng hoang tàn sau mưa lũ nhanh hay chậm, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân có sớm trở lại bình thường như trước hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nghị lực vượt qua gian khó của từng gia đình, người dân vùng lũ, cùng sự đoàn kết, chung tay góp sức, ủng hộ của cả cộng đồng xã hội. Tinh thần tương thân tương ái cần tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội để nhân lên sức mạnh cộng đồng, huy động thêm nguồn lực vật chất, tinh thần giúp đồng bào vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất./.
Vũ Xuân Dân (Báo QĐND)