Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 10/8/2017 9:15'(GMT+7)

Xét xử sai phạm ở Đồng Tâm: Bài học về quản lý, sử dụng đất

Dẫn giải bị cáo Bạch Văn Đông và Nguyễn Tiến Triển vào phòng xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Dẫn giải bị cáo Bạch Văn Đông và Nguyễn Tiến Triển vào phòng xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 cựu cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã kết thúc ngày 9/8 sau 2 ngày xét xử.

Trước tòa, các bị cáo đã thừa nhận sai phạm của mình và tỏ ra ăn năn. Bản án mà tòa đã tuyên được dư luận đánh giá là nghiêm minh, đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý, vừa có tính răn đe, vừa xem xét đến nhân thân tốt của các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa đã khép lại, những hậu quả mà các bị cáo gây ra có việc đã được khắc phục, nhưng cũng có vấn đề không thể khắc phục một sớm một chiều, thậm chí có hậu quả không thể khắc phục. Vụ án tuy xảy ra ở địa bàn một xã của Hà Nội nhưng lại đặt ra nhiều điều cần được nhìn nhận, suy nghĩ một cách thấu đáo, nhất là sự buông lỏng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

Đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm ở nông thôn. Kể cả hiện nay, nhiều lao động nông nghiệp ở các vùng quê đã ra thành phố hay vào các khu công nghiệp làm việc, người nông dân không còn “khát” đất như trước, thậm chí có nơi bỏ ruộng, nhưng hễ động đến đất đai là vấn đề lại hết sức phức tạp. Nhẹ thì kiện cáo, nghiêm trọng có thể tranh chấp dẫn đến xô xát. Đặc biệt, đất đai ở nông thôn miền Bắc trải qua nhiều biến động, kể cả về công tác quản lý và trên thực địa, nhất là quá trình từ việc góp đất vào hợp tác xã đến việc khoán hộ, giao đất trở lại cho người nông dân đã có sự xáo trộn lớn. Tiếp đến là việc dồn điền đổi thửa, thu hồi đất làm đường giao thông hay các công trình cộng… thực hiện đền bù, giải tỏa hay giãn dân, làm cho lịch sử đất đai ở nông thôn càng trở nên phức tạp.

Ấy thế nhưng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai ở Đồng Tâm lại bị buông lỏng trong một thời gian khá dài. Lỏng lẻo đến mức, chỉ cần cán bộ địa chính báo cáo hay người dân có đơn đề nghị là chủ tịch xã có thể cấp, giao đất, thậm chí là bán đất (trái thẩm quyền) một cách hết sức đơn giản.

Lỏng lẻo đến mức, ngay cả danh sách đất giãn dân đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, cán bộ xã cũng có thể để lại một số suất không giao cho người dân trong danh sách, để rồi sau đó cấp cho 10 cán bộ chủ chốt của xã với lý do “có nhiều năm công tác, có nhu cầu về đất ở”. Thậm chí, xã còn ngang nhiên tổ chức đấu thầu đất trái phép, hợp thức đất giao không đúng đối tượng hay hợp thức đất lấn chiếm cho các hộ dân.


Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, những sai phạm này không những không được ngăn chặn kịp thời mà trái lại, còn được một số cán bộ ở Phòng Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức tiếp tay bằng việc không cần thẩm định, thẩm tra, không có căn cứ mà vẫn ký xác nhận để đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. việc làm đó không những hợp thức hóa đất được cấp, bán trái thẩm quyền, đất giao sai đối tượng và cả đất lấn chiếm, mà còn gián tiếp hợp pháp hóa cho những sai phạm của cán bộ xã.

Thế là, cái sảy nảy cái ung, các cán bộ chủ chốt ở xã Đồng Tâm trong nhiều năm, qua ba đời chủ tịch lợi dụng sự lơi lỏng trong quản lý, vì động cơ vụ lợi đã mặc sức thao túng việc cấp, giao, bán và xác nhận lịch sử sử dụng đất để thu lợi bất chính và làm trái các quy định của pháp luật… Những việc làm khuất tất ấy gây dư luận xấu trong xã, dẫn đến người dân viết đơn tố cáo, khiếu kiện. Nhưng điều đáng nói ở đây là các đơn thư của dân lại không được xem xét, giải quyết kịp thời, thấu đáo mà để kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong địa phương, khiến người dân không còn tin ở cán bộ, mất lòng tin ở chính quyền, kéo theo nhiều hậu quả xấu về xã hội.

Có người đặt giả thiết, nếu công tác quản lý đất đai không bị buông lỏng đến mức ấy, nếu những đơn thư tố cáo, khiều kiện của dân được các cấp xem xét thấu đáo, giải quyết có lý có tình, xử lý triệt để chứ không đá qua đá lại và “trả về nơi sản xuất”… thì sự tham nhũng đất đai ở Đồng Tâm đã không kéo dài liên tiếp đến ba đời chủ tịch xã. Nếu sự việc được ngăn chặn ngay từ sai phạm đầu tiên, thì đã tránh được việc 14 cán bộ xã và huyện lâm vòng lao lý, cũng không để lại những hậu quả đáng tiếc như vừa qua ở Đồng Tâm.

Vẫn biết, cái gốc vẫn là phẩm chất và năng lực của cán bộ, nhưng nếu không có sự buông lỏng về quản lý, cả về lĩnh vực cụ thể như đất đai và cả về công tác cán bộ, thì đã không có đất cho lòng tham của các cán bộ xã trỗi dậy, dẫn đến phạm pháp. Và nếu các cấp ủy đảng thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, các cấp chính quyền làm tốt công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu kiện, tố cáo của dân, thì những sai phạm trên đã kịp thời được ngăn chặn và đã không dẫn đến tình trạng người dân mất niềm tin ở cán bộ và chính quyền cơ sở…

Chính vì thế, ngoài việc tuyên án đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức giải quyết dứt điểm các vấn đề đất đai còn tồn tại ở xã Đồng Tâm trên cơ sở các quy định của pháp luật nhưng cũng cần đảm bảo ổn định cho nhân dân.

Đó là những bài học đắt giá, không chỉ cho xã Đồng Tâm hay huyện Mỹ Đức, cũng không phải chỉ là bài học cho riêng Hà Nội.

Các bị cáo đã phải trả giá cho những sai phạm của mình. Nhưng cái giá phải trả ấy sẽ có ý nghĩa hơn nếu các địa phương khác biết nhìn vào Đồng Tâm để kịp thời chấn chỉnh những lỏng lẻo trong quản lý cán bộ và quản lý đất đai; nhất là việc mua bán đất nông nghiệp rồi âm thầm chuyển đổi mục đích sử dụng, hay việc mua bán đất (thậm chí là đất nông nghiệp) xung quanh các dự án lớn khi mới manh nha làm quy hoạch để đón đầu, kiếm lời. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, những “đốm lửa nhỏ” ấy đều báo trước bùng phát thành những “đám cháy lớn”, sự phức tạp phải giải quyết và hậu quả khôn lường sau này./.

Bùi Doanh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất