Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 9/5/2009 10:11'(GMT+7)

Về miền Tây mà nghe những câu hò điệu lý

Thị xã Tân An nhỏ bé, xinh đẹp những ngày này thật rộn rã sắc màu. Đó là sự xuất hiện của các nghệ nhân đến từ các tỉnh khu vực Nam Bộ. Họ mang đến Liên hoan những tinh tuý của các làn điệu dân ca Khơ Me, Chăm, Mạ, Ch’ro, Hoa, Việt trên vùng đất mênh mang sóng nước Cửu Long.

Từ thuở cha ông mở cõi đi về phương Nam, hành trang văn hoá cội nguồn có những hình thức diễn xướng dân gian của nhiều vùng miền được họ mang về vùng đất mới. Những làn điệu dân ca đã bén rễ ăn sâu, gắn chặt với đời sống mới của người dân lao động và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nam Bộ - vùng đất trù phú, xanh tươi. Người Nam Bộ phóng khoáng, nhân ái, nghĩa tình, hào hiệp và yêu ca hát. Người ta thường “lý” với nhau trong những lúc lao động sản xuất, trong kỳ nông nhàn, vào những ngày Lễ, Tết thậm chí là mừng tân gia, giỗ quả… Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi Hò để thi thố tài năng với nhau, tìm nguồn vui trong đời sống.

Người Nam Bộ có điều khác lạ, đó là họ hát bất kỳ lúc nào. Buồn cùng hát, vui cũng ca. Dù cho cuộc sống bộn bề, hoặc hòan cảnh khó khăn nhưng họ vẫn yêu cuộc sống, ca hát để thêm lạc quan hướng tới tương lai. Họ hát dân ca khi lòng bất chợt dậy lên những nỗi u hoài thương cảm, sâu lắng trong niềm trầm tư suy ngẫm, nhưng cũng lại hát dân ca để được hân hoan, cuốn hút trước nhịp sống năng động, sôi nổi của thời hiện đại.

Vì thế mà ngay buổi diễn khai mạc, các đoàn đã mang đến Liên hoan những sắc màu phong phú. Nếu như “chủ nhà” Long An tưng bừng với những câu lý vui tươi thì các nghệ nhân đến từ Trà Vinh lại trình diễn làn điệu ru con khá u hoài. Sóc Trăng với những làn điệu Khơ Me vui nhộn, các nghệ nhân đến từ  Bình Dương, Tiền Giang cũng khá tưng bừng với những điệu lý như Lý trái mướp, Lý con cua, Lý con cá…

Ấn tượng nhất của buổi diễn khai mạc là đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu và đoàn Cần Thơ. Nếu như Bà Rịa Vũng Tàu với đoàn nghệ nhân dân tộc Ch’ro hồn nhiên, đam mê và hát rất hay những bài hát cổ của đời xưa để lại thì đoàn Cần Thơ lại cho thấy sức sống của những làn điệu dân ca thực sự có sức hút mãnh liệt thế hệ trẻ.

Ảnh minh họa

Các nghệ nhân dân tộc Ch'ro


Hai nghệ nhân cùng 65 tuổi, dân tộc Ch’ro đến từ huyện Châu Đức đã làm khán giả ngạc nhiên bởi tiếng chiêng rất điêu luyện của mình. Bà Lý Thị Diễn cho biết, bà được người lớn trong nhà dạy đánh chiêng, múa hát từ khi còn rất bé. Đến giờ răng đã rụng, tóc bạc nhiều nhưng bà vẫn rất thích đánh chiêng, múa hát mỗi khi có dịp. Bà bảo đó là vống liếng của cha ông để lại nên bà phải dạy cho con cháu. Trong đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan lần này, ngoài bà ra còn có anh con trai 47 tuổi và hai đứa cháu gái ngoài hai mươi cũng tham gia hát múa. Bà rất tự hào vì điều đó. Bà nói rằng cả làng bà đều yêu thích múa hát và hầu như ai cũng biết đánh cồng, đánh chiêng.

Tiết mục ấn tượng nhất của đoàn nghệ nhân Bà Rịa - Vũng Tàu chính là màn diễn xướng kịch hát “Con gà trống”. Đây là màn biểu diễn khá đặc biệt, vì là bài dân gian rất cổ và chưa có dị bản, các nghệ nhân vừa trình diễn dạng kịch, vừa hát với những phần bè phối rất nhuyễn khiến tất cả khán giả đều ngạc nhiên. Chỉ với một chiến kèn bầu (làm bằng quả bầu) nhưng các nghệ nhân hát rất hay, chuẩn về nhạc lý lại rất giàu cảm xúc. Tiết mục này nhận được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả nhất buổi chiều nay.

Ảnh minh họa

Em Nguyễn Thị Kim Thư đang trình diễn Lý bánh ít


Một tiết mục khác cũng ấn tượng không kém, đó là Lý bánh ít và Lý bánh canh do em Nguyễn Thị Kim Thư - 14 tuổi đến từ thành phố Cần Thơ trình bày. Gương mặt xinh xắn, giọng hát ngọt ngào, trong sáng, cao vút nhưng luyến láy rất điệu nghệ, Kim Thư đã làm khán phòng phải ồ lên và vỗ tay theo nhịp hát của em. Sau khi diễn xong, cô bé này được rất nhiều nghệ nhân vây quay chụp hình, hỏi chuyện. Kim Thư dù còn nhỏ nhưng tỏ ra rất thông minh và ứng xử khéo léo. Thư kể, gia đình em không ai làm nghệ thuật nhưng em lại thích hát và thanm gia ca hát từ khi 5 tuổi. Em đã từng đoạt rất nhiều giải vàng ở các cuộc thi dành cho thiếu nhi, và một số cuộc thi hát dân ca khác. Kim Thư rất thích nhóm nhạc AC&M và em ước mơ sau này sẽ là một ca sỹ hát dân ca. Kim Thư nói rằng, hát dân ca, vừa là niềm đam mê, nhưng lại vừa có ý nghĩa, vì nó góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc. Rất nhiều người bất ngờ về câu trả lời này của em. Hy vọng Kim Thư sẽ trở thành một ca sỹ hát dân ca được nhiều người mến mộ trong tương lai.

Ảnh minh họa

Sự xuất hiện của các liền chị Quan học trên sân khấu Nam Bộ như một làn gió mát trong Liên hoan.


Đặc biệt, buổi khai mạc Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Nam Bộ còn có sự xuất hiện của hai liền chị Quan họ đến từ Bắc Ninh. Với nón ba tầm, áo tứ thân, các liền chị đã hát những bài Quan họ nổi tiếng như Khách đến chơi nhà, Ngồi tựa song đào được các nghệ nhân Nam Bộ hoan nghênh nhiệt liệt.

Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Nam Bộ sẽ còn tiếp diễn phần thi của 10 đoàn vào ngày 9/5. Buổi trình diễn và trao giải sẽ được diễn ra vào lúc 20h tối 10/5/2009 tại Trung tâm văn hoá thông tin tỉnh Long An, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam.

Một số hình ảnh trong buổi diễn khai mạc:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ có 50 tiết mục của 17 đoàn trình diễn trong Liên hoan. Đó là các đoàn nghệ thuật của các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng  Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai, Hậu Giang, Tây Ninh, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Ngô Bá Lục (VnMedia)       

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất