Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 6/5/2009 23:12'(GMT+7)

Sáng mãi những hiện vật lịch sử

Xác xe tăng thực dân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh

Xác xe tăng thực dân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh


Trận Ðiện Biên Phủ như một Bạch Ðằng, Chi Lăng hay Ðống Ða của thế kỷ XX và trở thành niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, du khách được chứng kiến những hiện vật, di tích lịch sử; mỗi du khách có sự cảm nhận khác nhau về lịch sử, nhưng đều có chung một suy nghĩ: rất đỗi tự hào!

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ hiện lưu giữ hơn 3.780 hiện vật. Nhà trưng bày bảo tàng lịch sử là địa chỉ tham quan, nghiên cứu lịch sử, giúp cho du khách hình dung về cục diện chiến sự chiến trường Ðông Dương giai đoạn 1953 - 1954. Nhà trưng bày gồm bốn chủ đề chính: Phần khánh tiết ở vị trí trung tâm, giới thiệu nội dung, nêu bật chủ đề tư tưởng. Có lẽ ấn tượng nhất đối với du khách khi bước chân vào gian trưng bày là bức tượng mô tả hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đi chiến dịch đến chào Bác Hồ ở Khui Tát (Tỉn Keo, Thái Nguyên), lĩnh hội lời dặn: "Trận này quan trọng, trao cho chú toàn quyền quyết định; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Tư liệu khái quát sự trưởng thành của Quân đội ta; chủ trương, quyết tâm của Bộ Chính trị mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; chuẩn bị lực lượng trước ngày khai hỏa. Lưu giữ tư liệu, hình ảnh về các trận tiến công của ta và sự cố thủ của địch tại các cứ điểm: Him Lam, Bản Kéo, Ðộc Lập, sân bay Mường Thanh, đồi A1, D1... Bảo tàng trưng bày hiện vật phản ánh chiến công oanh liệt, những kỷ vật của bộ đội ta khi giải quyết các cứ điểm, chúng ta càng sâu sắc hơn về hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ: Trần Can, người phất cao ngọn cờ Quyết chiến, Quyết thắng trên đồi Him Lam; Bế Văn Ðàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện dũng cảm cứu pháo; Phan Ðình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai...

Chiến tranh đã lùi xa, để có được những tư liệu lịch sử, những hiện vật quý giá, bảo tồn, lưu giữ là cả quá trình sưu tầm, góp nhặt bằng cả sự nỗ lực của mỗi cán bộ làm công tác bảo tàng. Quá trình nghiên cứu, thu thập hiện vật là nhiệm vụ quan trọng vì không có hiện vật thì không có bảo tàng. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, kể rằng: Việc sưu tầm hiện vật đòi hỏi cẩn trọng, chính xác, trong đó rất cần chia sẻ, trách nhiệm đóng góp xây dựng của mỗi tập thể, cá nhân - những người có thông tin, lưu giữ hiện vật lịch sử. Chẳng hạn, mới đây, khi biết thông tin liệt sĩ Lê Văn Dỵ, người có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng, đơn vị cử người về Hà Nội, gặp con trai của đồng chí Dỵ là anh Lê Văn Hòa. Gia đình cung cấp nhiều tài liệu quý, trong đó có cuốn hồi ký "Ðường tôi đi" thể hiện ý chí cách mạng kiên trung với tiêu đề "Ðâu có giặc thì ta cứ đi". Ðồng chí Dỵ là người lấy máu để viết quyết tâm thư, thể hiện lòng kiên trung với Ðảng, Bác Hồ; quyết chí đánh giặc, thống nhất đất nước. Gia đình trao cho Bảo tàng chiếc áo đại cán mà đồng chí Lê Văn Dỵ mặc trong Ngày đại lễ mừng chiến thắng (13-5-1954) tại Mường Phăng. Ðồng chí Lê Văn Dỵ, sinh ngày 15-5-1926, nguyên Ðại đội trưởng C811, D888, E176, Ðại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316). Sau Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tham gia chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào và hy sinh ngày 13-3-1970. Tờ trình 444/TTr-KT, ngày 20-3-2008, đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng liệt sĩ, Thường vụ Ðảng ủy Quân sự Sư đoàn 316 khẳng định: Ðồng chí Lê Văn Dỵ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1953 - 1954.

Quá trình thu thập thông tin, tư liệu, xác minh hồ sơ hiện vật lịch sử, Bảo tàng cử cán bộ đi nhiều chuyến về làm việc với cơ quan chức năng, thẩm tra thông tin có xác nhận của chính quyền địa phương làm căn cứ pháp lý; hoàn tất hồ sơ đưa về kho lưu trữ; lập hồ sơ công bố hiện vật có giá trị lịch sử. Làm tốt công tác đầu tư sưu tầm, khảo tả hiện vật, thuyết minh, hướng dẫn giúp cho khách tham quan hiểu ý nghĩa lịch sử; thấy được sự oanh liệt mà vẻ vang của dân tộc. Các hiện vật mô tả hình ảnh thực về công việc gian khổ của bộ đội trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ mãi mãi là nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho con cháu muôn đời. Tham quan di tích lịch sử, tận mắt chứng kiến những kỷ vật, hiện vật thiêng liêng; nghe kể những câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ, mỗi người thêm tự hào về Tổ quốc. Mùa ban nở, về Ðiện Biên trong những ngày lịch sử, du khách như được hòa vào khí thế năm xưa cả dân tộc ra trận, từ đó tiếp thêm ý chí, đưa hào khí Ðiện Biên vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Xuân Vũ-NhanDanDT
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất