Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 28/5/2013 12:25'(GMT+7)

Lắng nghe lời nói thẳng

(Ảnh minh hoạ: Dân trí)

(Ảnh minh hoạ: Dân trí)

Tại cuộc họp báo trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong 8 trường đề nghị tuyển sinh riêng, Bộ mới chọn đề án của 4 trường “tốp trên” cho đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại lấy ý kiến… rộng rãi của dư luận. Và kết quả, theo ông Khôi, đến nay đã có 25 ý kiến của các chuyên gia và khoảng… 100 comment (phản hồi) trên báo được tổng hợp để trình cơ quan chức năng kết luận (!)

Số lượng ít ỏi các ý kiến đóng góp như thế không thể giải quyết được một vấn đề hệ trọng của ngành giáo dục. Vấn đề cho phép các trường tự chủ tuyển sinh theo đúng Luật Giáo dục Đại học đã và đang được dư luận quan tâm. Nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới, từng bước giải phẫu những khối u trầm kha về thi cử đã kéo dài nhiều thập kỷ ở nước ta.

Vậy thì tại sao việc lấy ý kiến chỉ giới hạn trên một tờ báo ngành, trong một thời gian rất ngắn trong khi nước ta có tới 812 cơ quan báo chí, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp và phần lớn các trường THPT đều có trang thông tin điện tử riêng? Hơn nữa, tại sao lại không lấy ý kiến của chính lãnh đạo nhà trường và các em học sinh dự tuyển vào 4 trường trên cũng như các em quan tâm là người trong cuộc và là chủ thể thực sự của vấn đề này?

Xin được nhắc lại chuyện vua  Lý Nhân Tông vào năm 1076 đã ban “Chiếu cầu lời nói thẳng” và vua Lê Nhân Tông vào năm 1443 ban bố “Lệnh nói thẳng” với mong muốn: “Khắp các quan lại, quân dân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dẹp hết tai ương, hãy nói thẳng ra, chớ nên ẩn giấu, để trẫm sửa những thiếu sót”. Hai vị vua từ đó đã thành công trong trị vì. 

Việc bó hẹp, giới hạn thông tin, không thực sự cầu thị, mở lòng tiếp nhận thông tin dường như đối lập với các thông điệp mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử năm nay như: Chấm thử để phát hiện làm bài tập thể, tăng thanh tra “cắm chốt” và thanh tra lưu động, cho phép học sinh mang thiết bị ghi hình vào phòng thi…

Bất cập trong tuyển sinh đại học đã kéo dài nhiều thập kỷ, gây ra nhiều hệ lụy bức xúc. Xã hội mong muốn phương thức tuyển sinh phải được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Không có lý do gì ngành giáo dục không thể tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc để tiến tới sử dụng kỳ thi này làm một tiêu chí xét tuyển đại học. Ngành giáo dục cần phát huy tinh hoa trí tuệ toàn dân cũng như biết “nghe lời nói thẳng, nói thật” để tìm “lối ra” cho vấn đề thi cử. Phải thật sự biết lắng nghe. Có như vậy mới có thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra./.

Nguyễn Văn Minh (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất