(TG) - Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần chú trọng đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATGT, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Sáng 18/7, Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ quý III năm 2024.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã tổ chức 10.596 ca tuần tra kiểm soát với 52.910 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia, tổng kiểm tra 157.564 trường hợp. Qua đó, phát hiện và ra quyết định xử phạt 23.791 trường hợp; tước giấy phép lái xe 4.564 trường hợp; tạm giữ 9.712 phương tiện; tạm giữ giấy tờ 10.654 trường hợp…
Từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 228 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 43 người, bị thương 213 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 126 vụ (tăng 123,5%), giảm 4 người chết (giảm 8,5%), tăng 122 người bị thương (tăng 134,1%). Trong đó, TNGT đường sắt, đường thủy không xảy ra; TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 3 vụ; nghiêm trọng 55 vụ; ít nghiêm trọng 73 vụ, va chạm giao thông xảy ra 97 vụ.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về đi không đúng làn đường, phần đường; chuyển hướng không đúng quy định, không chú ý quan sát; tránh, vượt sai quy định; vi phạm về nồng độ cồn; lùi xe không quan sát.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Ban ATGT các huyện, thành phố trong tỉnh cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai công tác bảo đảm TTATGT.
Cùng với đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần chú trọng đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATGT, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
(Ảnh minh họa)
Các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng, hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT.
Sở Giao thông Vận tải cần chủ động tham mưu, triển khai sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường có "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, sử dụng có hiệu quả hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền thông qua mạng xã hội để tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân.
Để kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2024, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh 2/9, tháng cao điểm bảo đảm ATGT cho học sinh đến trường (tháng 9/2024), các cấp, ngành, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng cần tập trung triển khai các biện pháp có trọng tâm, trọng điểm sát với tình hình thực tế, phấn đấu hết năm 2024 kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí so với năm 2023.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, trong đó tập trung vào từng đối tượng cụ thể, đặc biệt là đối tượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông qua địa bàn; tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm; lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến giao thông, trong nội thị; tập trung xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT, lắp thêm các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…/.
TUẤN TÚ