(TG) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục quyết liệt, phối hợp, chủ động và xử lý nghiêm minh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, để từng bước chuyển biến mạnh ý thức của người tham gia giao thông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II và phương hướng nhiệm vụ quý III năm 2024 vào sáng ngày 12/7.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 5.343 người chết, 9.552 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (tăng 15,58%), giảm 634 người chết (giảm 10,61%), tăng 2.426 người bị thương (tăng 34%).
Có 40 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 6 địa phương giảm trên 30% số người chết là Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Long An. 23 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó 9 tỉnh tăng trên 20% gồm Kon Tum, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Giang, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Bến Tre.
Đối với vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản. Tuy nhiên, cả nước ghi nhận 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk và Trà Vinh. Nguyên nhân ban đầu là do không chấp hành quy định về tốc độ, không đi đúng chiều đường, phần đường, làn đường theo quy định.
Báo cáo cũng đánh giá thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn bất cập.
Lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh minh họa)
Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội. Số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh.
Tai nạn giao thông do bia rượu đã giảm mạnh
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các địa phương trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông; giảm mạnh tai nạn giao thông do rượu bia; công tác tuyên truyền về an toàn giao thông có hiệu quả. Đặc biệt, Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 Luật Trật tự, toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, tạo cơ sở hành lang pháp lý để thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các điểm ùn tắc giao thông được xử lý hiệu quả hơn, phần do cơ sở hạ tầng được cải thiện, phần do các bộ, ngành có kinh nghiệm hơn, phối hợp tốt hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thành việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng; chủ động trong thẩm quyền được giao…
Ảnh minh họa
Các cơ quan truyền thông, cơ quan đoàn thể tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, đúng đối tượng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Bên cạnh những mặt đạt được, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra 6 tồn tại, đó là tổng số vụ tai nạn giao thông tăng 15,58% và số người bị thương tăng đến 34%, gánh nặng cho xã hội rất lớn từ con số này. Tai nạn nghiêm trọng có 9 vụ. Số vụ chống người thi hành công vụ tăng 45 vụ trong tổng số 78 vụ, tăng tới gần 60%, vấn đề này đặt ra yêu cầu về xây dựng thể chế để không còn tình trạng chống người thi hành công vụ.
Ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn. Số người vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy vẫn còn. Công tác phối hợp và ứng dụng khoa học công nghệ không phải nơi nào cũng tốt. Kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, xóa điểm đen còn hạn chế.
Trong đó đáng lưu ý, số người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông tăng, chủ yếu là trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị liên quan đến an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, trẻ em. Vấn đề này có nhiều nội dung cần quan tâm.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, việc cần làm để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là đồng bộ giải pháp với 3 nhóm việc cụ thể: chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông, kể cả những người không tham gia giao thông nhưng làm ảnh hưởng giao thông; quản lý tốt phương tiện để ngăn cản lỗi do phương tiện gây ra; cải thiện và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông. Việc này sẽ được giao nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương theo chức trách nhiệm vụ được phân công.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng để đạt hiệu quả tuyên truyền, xử lý và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nâng cao tính chủ động của các địa phương trong bối cảnh sắp tới các địa phương sẽ được quyền quy định một số mức phạt theo phân cấp. Đồng thời, thông qua việc tuyên truyền để phát huy tốt hơn nữa chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông với phương thức truyền thông hiệu quả.
6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.
Tiếp tục tích cực tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Việc tăng mức phạt giao cho Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu. Hình phạt chính và phụ sao cho hài hoà nhưng phải có sức răn đe và nằm trong khuôn khổ 2 luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông để làm căn cứ xử phạt vi phạm, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người dân. Trên cơ sở pháp luật cho phép, sắp tới sẽ bổ sung thêm quyền mua thông tin do camera gắn trên các xe chạy trên đường về app của Bộ Công an để làm cơ sở xử phạt.
Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Tăng tính răn đe nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, trong đó có Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông, xử phạt vi phạm./.
Tuấn Hùng