(TG) - Chuẩn mực đạo đức là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động của xã hội nói chung và các lĩnh vực ngành, nghề liên quan đến công việc nói riêng. Không có đạo đức nghề nghiệp thì chất lượng sản phẩm cung cấp cho xã hội sẽ không đảm bảo được giá trị sử dụng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cùng tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân là chủ thể xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể của từng ngành. Chuẩn mực ấy phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của từng nơi theo ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm xã hội. Đồng thời, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phải xây dựng thành các khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay sống và làm việc trong môi trường mới của nền kinh tế thị trường, mở cửa với bên ngoài, đòi hỏi chẳng những phải có những kiến thức mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là kiến thức về kinh tế và quản lý, mà còn phải có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng vững vàng để không chỉ thích ứng và làm chủ được cơ chế kinh tế mới, nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, mà còn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội và dân chủ hoá. Rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách, quan hệ trực tiếp đến chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đến thành công của công cuộc đổi mới.
Nhận thức sâu sắc được điều đó, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã cụ thể hóa, tổ chức thực hiện gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 1877-QĐ/TU, ngày 05/7/2019 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; đồng thời tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính... phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Các tổ chức cơ sở đảng đã ban hành chuẩn mực đạo đức và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, căn cứ thực tế thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi các chuẩn mực đạo đức, tiêu chí văn hóa công sở, đạo đức công vụ đúng quy định, phù hợp với nhiệm vụ và được lấy ý kiến thông qua hội nghị cán bộ công chức trước khi ban hành để tổ chức thực hiện.
|
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn)
|
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên gắn với triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc; qua đó đã hướng dẫn các chi bộ, đơn vị xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền về các điển hình tiên tiến tại các kỳ sinh hoạt chi bộ, nhằm ghi nhận, lan tỏa các mô hình, cách làm hay, các gương điển hình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã xác định nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá kết quả. Tiêu chí đánh giá, cũng như quy cách bảng chuẩn mực đạo đức được cơ quan, đơn vị thống nhất và triển khai nghiêm túc, chu đáo, coi trọng tính hiệu quả, thiết thực, phù hợp và đề cao tính tự giác thực hiện của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Theo đó, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng một số quy định cụ thể của ngành, lĩnh vực mình, như:
Ngành giáo dục và đào tạo ban hành Quy định bảo đảm theo phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự làm theo và chú trọng thực hiện đồng bộ giữa “Xây” và “Chống”, trọng tâm là: “Xây”: Xây dựng đoàn kết thống nhất, xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; xây dựng văn hoá chính trị và cách ứng xử văn hoá với đồng chí, đồng nghiệp, người dân. “Chống”: Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá”; chống những biểu hiện vô cảm với những khó khăn, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén lợi ích cá nhân...
Ngành tài nguyên và môi trường với bộ quy tắc đề ra “4 xin và 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng chuẩn mực đạo đức đồng bộ giữa “Xây” và “Chống”, trọng tâm là: Xây dựng đoàn kết thống nhất; xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; xây dựng văn hoá chính trị và cách ứng xử văn hoá với đồng chí, đồng nghiệp, người dân... Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá”; chống những biểu hiện vô cảm với những khó khăn, bức xúc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn...
Ngành Y tế thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với phong trào thi đua “Nhanh, trúng, đúng, hay”, “Lãnh đạo mẫu mực, nhân viên chuyên cần, kỷ luật nghiêm minh, vì dân phục vụ”, “Sát dân, gần cơ sở”, “Sáng tạo, chuyên cần, chắc tay bút, vững tay máy”.
Cục Quản lý thị trường “Vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, sâu sát về địa bàn, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Tòa án nhân dân tỉnh với nội dung: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; “Cần, kiệm, liêm, chính” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; “Nói đi đôi với làm”.
Viện Kiểm sát nhân dân với cuộc vận động “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
|
Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn thăm nơi ở, nơi làm việc và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An - năm 2019 (Nguồn: Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn)
|
Công an nhân dân với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, “Phong trào Nụ cười chiến sĩ”;
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoàn chỉnh 6 chuẩn mực đạo đức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhiệm vụ: Động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao; Đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; Trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; Đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhân dân và đoàn kết quốc tế...
|
Cán bộ chiến sĩ Biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới (Nguồn ảnh: Biên phòng tỉnh Lạng Sơn)
|
Đảng bộ các huyện, thành phố với 3 thể hiện: Tôn trọng, văn minh, gần gũi; 4 luôn: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ; 5 biết: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn.
Hằng năm các chuẩn mực đạo đức thường xuyên được trình bày đẹp, rõ ràng với các hình thức khác nhau (pa nô, áp phích, chạy điện tử...) đặt tại các vị trí trang trọng ở trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi tiếp công dân thuận tiện cho việc quan sát, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện. Hằng tháng, tại kỳ sinh hoạt chi bộ, đều chỉ đạo đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; Hằng năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm nêu gương gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Qua việc triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã xác định việc thực hiện chuẩn mực, đạo đức là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ, công chức hằng năm. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý...
|
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức Hội thi tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
|
Thực hiện chuẩn mực đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, trong đời sống của con người, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm đảm bảo cho cá nhân và cộng đồng tồn tại, phát triển. Sống trong xã hội, người ta ai cũng phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình với cộng đồng, từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng. Thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại tỉnh Lạng Sơn, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Hoàng Bích Trâm
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn